Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nơi "miền sơn cùng thủy tận" Na Ngoi

Nguyễn Thanh - 15:45, 09/03/2023

Một thời, đói nghèo và những tệ nạn càng làm cho Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) thêm lạc hậu, trì trệ. Một thời, cung đường từ thị trấn Mường Xén về trung tâm xã Na Ngoi chỉ độ non 70 km nhưng “núi tiếp núi, rừng tiếp rừng” và giao thông cách trở khiến vùng đất càng thêm xa xôi, hẻo lánh. Vậy mà nay, vùng đất có hơn 90% dân số là người Mông, đã vươn mình với những đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Những thửa ruộng bậc thang dưới chân đỉnh Puxailaileng
Những thửa ruộng bậc thang dưới chân đỉnh Puxailaileng

Những người đánh thức “sơn cùng thủy tận”

Nhắc đến xã Na Ngoi, người ta dễ hình dung đến đỉnh núi cao nhất nhì khu vực Trung Bộ - Puxailaileng cao hơn 2.700 m so với mực nước biển. Dưới đỉnh núi ấy, các bản, làng của Na Ngoi nằm rải rác, quanh năm mây mù bao phủ. 

Đây là một trong những xã có đông đảo người Mông sinh sống nhất ở Nghệ An, với 17/19 bản là người Mông. Núi cao hiểm trở nên một thời, tuyến đường lên xã Na Ngoi thành nỗi ám ảnh của cánh tài xế. Và cũng bởi thế mà đời sống người dân nơi đây quanh năm cứ quanh quẩn với đói nghèo.

Ông Xồng Bá Tỉa ở bản Kẻo Bắc, xã Na Ngoi nhớ lại một thời khốn khó: chừng hơn 10 năm về trước, hầu hết người dân Na Ngoi đều thuộc diện hộ nghèo. Người dân chăn nuôi, trồng trọt cũng chỉ để dùng trong nhà, vì không biết bán cho ai. Các loại cây trồng cũng rất đơn điệu, phần lớn là lúa, ngô, khoai, sắn. Chẳng ai nghĩ chuyện làm giàu mà chỉ mong đủ ăn thôi.

Một rừng đào của người Mông ở Na Ngoi
Một rừng đào của người Mông ở Na Ngoi

Mặc dù xã Na Ngoi có diện tích đất canh tác khá lớn, với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Nhưng dân bản suốt ngày cứ mãi lo cái ăn, cái mặc nên một thời con em đồng bào Mông ở xã Na Ngoi chẳng mấy ai được đi học đầy đủ. Vì thế, vòng xoáy đói nghèo cứ mãi bám chặt lấy họ, hết đời này đến đời khác.

Nhưng, Na Ngoi giờ đã khác xưa. Theo Chủ tịch UBND xã Na Ngoi Mùa Bá Giờ, để có được những đổi thay đó, có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Ông Mùa cho hay: Một trong những nguyên nhân đó là đường sá đã được đầu tư, đi lại thuận tiện hơn. Ngoài ra, Na Ngoi cũng may mắn khi trở thành nơi đóng quân của Đoàn Kinh tế quốc phòng 4 và Tổng đội Thanh niên xung phong 10.

Sau khi đặt chân lên địa bàn, cán bộ, chiến sĩ của những đơn vị này đã mang cây giống, hướng dẫn người dân trồng trọt, chăm bón. Không những thế, Đoàn Kinh tế quốc phòng 4 còn trực tiếp đứng ra làm khâu trung gian, thu mua nhiều loại nông sản của bà con làm ra, giúp giải quyết đầu vào lẫn đầu ra cho người dân.

Ông Mùa Bá Giờ nói: Để đưa Na Ngoi phát triển như hôm nay cũng có công không ít từ những người Mông đổi mới, những tư duy đổi mới với khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Từ những nhân tố này, đã lan tỏa tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của đồng bào nơi đây.

Gừng Na Ngoi đã có thương hiệu
Gừng Na Ngoi đã có thương hiệu

Về Na Ngoi hôm nay, người khó tính nhất cũng phải tấm tắc. Bởi đời sống của người dân đã nâng lên một cách rõ rệt, với hàng loạt mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, chỉ mới hơn 10 năm trước, Na Ngoi nằm trong nhóm địa phương khó khăn nhất của huyện. Nhưng giờ xã này đã trở thành xã giàu, với đời sống kinh tế chỉ đứng sau thị trấn Mường Xén.

Trên con đường từ trung tâm huyện về xã Na Ngoi, có thể cảm nhận rõ đời sống kinh tế của đồng bào Mông nơi đây ngày một đổi mới. Dọc các tuyến đường trung tâm xã, những dãy hàng quán san sát nhau, nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Vài năm gần đây, những ngôi nhà gỗ khang trang, bề thế cũng đua nhau mọc lên sau mỗi vụ thu hoạch đào, nghệ… Lãnh đạo xã Na Ngoi cho biết: Nhìn bề ngoài thì không đánh giá được hết sự giàu nghèo của người Mông đâu. Vì người Mông có tính tiết kiệm, cũng không thích khoa trương sự giàu có.

Một góc xã Na Ngoi
Một góc xã Na Ngoi

Khát vọng làm giàu

Ở Na Ngoi, nhắc đến cái tên Xồng Bá Lẩu (35 tuổi), ở bản Buộc Mú, không ai không biết. Nhiều người trong số họ mang ơn Lẩu, bởi người trẻ này đã giúp không ít dân bản thoát nghèo. Năm 2012, Lẩu tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế (Đại học Huế). Cầm tấm bằng đại học trên tay, sau vài lần xin việc không được, Lẩu chán nản và quyết về quê lập nghiệp.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, Lẩu nảy ra ý tưởng trồng đào đá để bán về xuôi trưng Tết. “Trước đây, người dân chỉ trồng đào để ăn quả thôi, chưa ai nghĩ đến việc bán đâu”, Lẩu tâm sự. Nói là làm, Lẩu vay mượn tiền mua thêm rẫy của người khác rồi bắt đầu gieo trồng đào. Với những kiến thức đã học được trong những năm là sinh viên Khoa Kinh tế nông nghiệp, việc trồng trọt đối với Lẩu chẳng mấy khó khăn.

Đường vào bản Buộc Mú
Đường vào bản Buộc Mú

Đến năm 2016, những cành đào đá đầu tiên của Lẩu được bán về xuôi trong dịp Tết. Thấy được ưa chuộng, giá cả lại cao, Lẩu nhanh chóng tăng diện tích trồng đào. Đến nay, anh đã sở hữu hơn 1.000 gốc đào đá. Ngay như tết năm ngoái, Lẩu kể, anh chỉ chặt 180 cành, nhưng đã mang về gần 200 triệu đồng. Không chỉ trồng đào, vợ chồng Lẩu còn trồng thêm gừng. Đây cũng là loại cây rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Na Ngoi. Xồng Bá Lẩu chính là người đầu tiên ở đây dám trồng đào đá, gừng với diện tích lớn. Ngay như rẫy gừng rộng 1,5ha cũng thu hoạch được gần 12 tấn, giúp gia đình có thêm gần 250 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn trồng thêm tam thất, sâm Puxailaileng.

Xồng Bá Lẩu là gương sáng cho bà con bản Buộc Mú noi theo
Xồng Bá Lẩu là gương sáng cho bà con bản Buộc Mú noi theo

Thấy mô hình kinh tế của Lẩu mang lại hiệu quả rất cao, nhiều người dân cũng bắt đầu học tập làm theo. Nhờ thế, diện tích trồng đào, gừng ở Na Ngoi tăng lên nhanh. Những sườn núi dưới chân đỉnh Puxailaileng nhanh chóng được phủ kín bởi đào, gừng, cây dược liệu… Ông Xồng Bá Tỉa bản Kẻo Bắc cùng là người giàu ở xã Na Ngoi khi sở hữu trong tay hơn 300 gốc đào, mỗi dịp tết thu về hàng trăm triệu đồng; chưa kể lợi nhuận từ việc chăn nuôi, vườn gừng, vườn mận…

Còn gia đình anh Lầu Bá Lếnh, bản Ka Trên, xã Na Ngoi, lại chọn vùng đất hoang để khoanh chăn thả trâu, bò. Theo như anh Lếnh, bước đầu chăn nuôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm phòng trừ dịch bệnh. Nhưng với mong muốn thoát nghèo, anh đã tích cực học tập, tích lũy kinh nghiệm từ các mô hình khác trong xã, nay gia đình anh Lếnh đang làm chủ cả một vùng đất đồi với diện tích hơn 10 ha, chăn thả hơn 20 con bò, gần 10 con trâu, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng từ bán gia súc. 

Gia đình anh Lầu Bá Lếnh, bản Ka Trên chọn vùng đất hoang chỉ toàn là cỏ lau, cỏ tranh để khoanh nuôi chăn thả trâu, bò, mỗi năm cho thu nhập từ 120 đến 170 triệu đồng/năm
Gia đình anh Lầu Bá Lếnh, bản Ka Trên chọn vùng đất hoang chỉ toàn là cỏ lau, cỏ tranh để khoanh nuôi chăn thả trâu, bò, mỗi năm cho thu nhập từ 120 đến 170 triệu đồng/năm

Từ một trong những hộ khó khăn trong bản nay gia đình anh đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ giàu, hộ khá ở bản Ka Trên, xã biên giới Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Anh Lếnh nhẩm tính: Lâu nay nhà ta đã không còn trồng lúa rẫy nữa, mà chủ yếu chăn nuôi trâu, bò thôi. Vì thu nhập tốt hơn nhiều, đáp ứng được cuộc sống hàng ngày, so với làm rẫy trước đây thì chăn nuôi trâu bò hiệu quả cao.

Dưới chân Puxailaileng, những người Mông hay lam hay làm như anh Lẩu, anh Lếnh, ông Tỉa… đang góp sức đánh thức vùng đất “sơn cùng thủy tận”, mở ra hướng làm ăn mới, đẩy đuổi đói nghèo. Vùng đất đói nghèo nơi phên dậu Na Ngoi đã thực sự vươn mình với những đột phá mạnh mẽ, trở thành địa phương có đời sống kinh tế hàng đầu ở huyện rẻo cao xứ Nghệ./.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.