Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nỗi niềm tên làng sau sáp nhập

Sỹ Hào - 10:23, 08/08/2023

Sắp xếp lại đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên nhìn từ góc độ văn hóa, việc đặt tên xã, thôn sau sáp nhập ra sao là bài toán không đơn giản, bởi tên làng như chiếc rễ ăn sâu vào tâm thức người Việt, không phải là tên gọi hành chính đơn thuần.

Khung cảnh thanh bình ở buôn Blăk (xã Ia Rmok, huyện Krông Pa). Ảnh: Hoàng Ngọc
Khung cảnh thanh bình ở buôn Blăk (xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, Gia Lai). Ảnh: Hoàng Ngọc

Lắp ghép cơ học

Theo số liệu trong Công điện số 557/CĐ-TTg ngày 18/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, hoàn thiện các quy định về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2030, trong giai đoạn 2019 - 2021, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, cả nước đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã; qua đó giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.

Riêng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2019 - 2021, đã có 5 tỉnh thực hiện sắp xếp giảm từ 14 xuống còn 8 ĐVHC cấp huyện và 18 tỉnh thực hiện sắp xếp giảm từ 392 xuống còn 191 ĐVHC cấp xã; 18 tỉnh vùng DTTS và miền núi đã sắp xếp, tổ chức lại giảm từ 9.565 thôn xuống còn 4.630 thôn.

Kết quả sắp xếp đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước; phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển bền vững; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân ổn định.

Tuy nhiên, quá trình sau sáp nhập cũng để lại nhiều trăn trở của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa cũng như của chính người dân địa phương. Đặc biệt là trong vấn đề đặt tên mới cho thôn, làng ở một số địa phương đã làm mất đi truyền thống văn hóa lâu đời trong cách đặt tên làng của đồng bào DTTS.

Cách đặt tên buôn, làng gắn với truyền thống văn hóa của đồng bào DTTS. (Trong ảnh: Buôn Ma Rôk, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai – Nguồn: krongpa.gialai.gov.vn)
Cách đặt tên buôn, làng gắn với truyền thống văn hóa của đồng bào DTTS. (Trong ảnh: Buôn Ma Rôk, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai – Nguồn: krongpa.gialai.gov.vn)

Đơn cử như xã Đất Bằng, huyện Krông Pa (Gia Lai), nơi sinh sống của hơn 1 nghìn hộ dân, với khoảng 4.800 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Gia Rai. Trước khi thực hiện sáp nhập, xã Đất Bằng có 9 thôn buôn, cả 9 thôn buôn đều đặt theo tên của những người lập làng như một cách ghi nhớ công ơn đối với người mở đất.

Già làng Kpă Pryt ở buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng chia sẻ, người Gia Rai thường lấy tên con sông, dòng suối chảy qua làng, hoặc chọn tên một loại cây to hoặc loại cây mọc nhiều quanh làng, lấy tên những người lập làng để đặt tên buôn làng. Với cách đặt tên đó, các thế hệ người Gia Rai khi nhớ về buôn làng, họ luôn biết gốc tích, lịch sử của mình cũng như quê hương có những con sông, dòng suối nào, ai là người đã có công với làng…

Thực hiện Đề án sáp nhập, xã Đất Bằng giảm từ 9 xuống còn 4 thôn buôn. Trong 4 buôn hiện nay của xã, chỉ có buôn Ma Giai giữ nguyên tên gọi, 3 buôn còn lại gọi theo tên mới của những con suối như Ia Rnho, Ia Rpua, Ia Prông. Dù các buôn mới đã đổi tên nhưng vẫn giữ lại được một phần truyền thống văn hóa. Đặt tên buôn sau sáp nhập có thể xem là một niềm khích lệ lớn đối với bà con nơi đây.

Nhưng có một số địa phương khác, sau sáp nhập, tên buôn, tên làng đã thay đổi hoàn toàn, không còn giữ được những nét đặc trưng trong cách đặt tên buôn, tên làng của đồng bào. Buôn Thành Công, xã Chư Drăng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) là một ví dụ. Thành Công là nơi sinh sống của 370 hộ, gồm dân tộc Kinh và dân tộc Gia Rai. Đây là ĐVHC cấp thôn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 thôn, buôn; gồm: Buôn Chai, thôn Mê Linh, thôn Đồng Tĩnh và thôn Quất Lưu. Sau sáp nhập, Thành Công chỉ còn giữ được từ “buôn” (không phải là thôn), là tên gọi của đồng bào.

Chưa thống nhất

Theo đánh giá của Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), hiện nay, các tổ dân phố mới sau khi sáp nhập thì hầu hết đặt tên theo số nên không có trở ngại, nhưng đối với các thôn thì lại nảy sinh vướng mắc. Đó là việc đặt tên thôn mới phổ biến là ghép từ tên của các thôn sáp nhập, nhưng phải đảm bảo có ý nghĩa với thôn cũ. Ngoài ra, việc ghép tên thôn nào trước, thôn nào sau cũng gây ra những tranh luận trong cộng đồng dân cư.

Đặc biệt, có một số nơi đặt tên thôn mới theo cách bỏ hẳn tên thôn cũ mà lấy một phần tên của xã ghép theo vị trí địa lý của thôn. Cách đặt tên này lại không giữ được những nét riêng biệt của thôn cũ, bởi tên thôn thường mang ý nghĩa về cội nguồn lịch sử, đặc trưng, truyền thống văn hóa, tinh thần của một cộng đồng...

Tên làng, tên xã bao đời gói ghém những ước vọng, niềm tin của con người, mong sự bình yên, thịnh vượng, trù phú; chất chứa trong đó bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng. (Ảnh minh họa)
Tên làng, tên xã bao đời gói ghém những ước vọng, niềm tin của con người, mong sự bình yên, thịnh vượng, trù phú; chất chứa trong đó bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng. (Ảnh minh họa)

Một điểm đáng lưu ý là, hiện việc đặt tên ĐVHC mới sau sáp nhập đang được các địa phương triển khai mỗi nơi một kiểu, không có sự thống nhất. Tại xã Lâm Giang, huyện Văn Yên (Yên Bái), chủ trương, quan điểm của xã về việc đặt tên thôn là phải bảo đảm tính khoa học, phù hợp, hài hòa của các yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống hiện tại. Vì vậy, ở Lâm Giang hiện có nhiều tên làng đã được “khai sinh” lại sau nhiều năm bị đổi tên.

Cụ thể, sau khi thực hiện sáp nhập, thôn 16 của xã Lâm Giang được mang tên Ngòi Cài bởi dòng suối Cài chảy qua; thôn 6 lấy theo tên lịch sử là thôn Bãi Khay, thôn 10 lấy tên Khe Bút theo lịch sử… Cách đây 25 năm, các thôn mới được đổi tên này cũng đã từng mang tên làng Cài, làng Bút, làng Khay,…

Còn tại Quảng Nam, thực hiện Đề án sáp nhập, nhiều địa danh miền núi được đặt theo số thứ tự như thôn 1, thôn 2, thôn 3… Sau một thời gian, lãnh đạo 9 huyện miền núi tham vấn ý kiến người dân đặt lại tên thôn cũ theo truyền thống của bà con. Theo đó, những cái tên được đặt theo tên sông, suối, ngọn núi của làng mình.

Được biết, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục sắp xếp 35 ĐVHC cấp huyện, 1.300 đơn vị hành chính cấp xã cho giai đoạn 2023 - 2025. Điều đó có nghĩa là sẽ tiếp tục có hàng trăm xã, hàng nghìn thôn làng phải thay tên. Trong khi việc đặt tên đường phố, công trình công cộng đã có Nghị định số 91/2005/NĐ-CP, ngày 17/11/2005 của Chính phủ quy định rõ ràng thì việc đặt tên thôn, xã sau sáp nhập vẫn chưa có sự thống nhất. Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm, bởi tên làng, tên xã bao đời gói ghém những ước vọng, niềm tin của con người, mong sự bình yên, thịnh vượng, trù phú; chất chứa trong đó bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng. Do đó, việc đặt tên lãng, tên xã sau sáp nhập cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, không thể tùy tiện và mỗi nơi một kiểu.

Ngày 12/7/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Điều 6 của Nghị quyết nêu rõ: “Việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri; Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp”.


Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.