Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tên gọi các buôn làng ở Tây nguyên: Không nên tùy tiện thay đổi

PV - 10:07, 07/06/2019

Thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, trong hai năm 2017-2018, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện chủ trương này. Theo phản ánh của người dân, trong quá trình thực hiện sắp xếp các thôn, làng, nhiều đơn vị hành chính cấp thôn đã được đổi tên một cách cơ học, như thôn 1, thôn 2, thôn 3, trong khi đồng bào các DTTS muốn sử dụng tên gọi cũ: Làng Kon Pông, làng Tam Mơ Nang… bởi mỗi tên làng đều có ý nghĩa riêng, mang bản sắc của đồng bào. Tuy nhiên, sự thực có phải vậy không?

Ở Tây Nguyên tên mỗi buôn làng đều có ý nghĩa riêng, mang bản sắc của đồng bào. (Trong ảnh: Một góc làng Kon Rơ Ngang, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà Ở  Tây Nguyên tên mỗi buôn làng đều có ý nghĩa riêng, mang bản sắc của đồng bào. (Trong ảnh: Một góc làng Kon Rơ Ngang, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà)

Ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng, mỗi vùng đất, mỗi tên làng của đồng bào DTTS đều có một ý nghĩa đặc biệt, gắn liền với lịch sử hình thành, địa thế, đặc điểm cư trú, cũng có thể gắn với truyền thuyết, huyền thoại về vùng đất ấy. Đôi khi nó còn được gọi theo tên một vị anh hùng hoặc người có uy tín nhất trong làng.

Với đồng bào DTTS, tên làng có một ý nghĩa thiêng liêng và họ luôn tự hào với tên làng của mình. Vì vậy, khi cộng đồng làng phát triển hoặc có một biến cố nào đó buộc phải dời làng đi nơi khác, đồng bào luôn cố gắng để giữ tên làng của mình.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện. Tuy nhiên, do chưa có sự đồng nhất trong cách tổ chức thực hiện từ phía cơ sở đã dẫn đến sự hiểu nhầm trong cách đặt tên các làng đồng bào DTTS.

Trò chuyện với phóng viên, già làng, Người có uy tín A Xim thôn 7A, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà cho biết: Việc sắp xếp địa giới hành chính, tinh gọn bộ máy là chủ trương của Trung ương và của tỉnh, dân làng không có ý kiến gì. Tuy nhiên, trong quá trình sáp nhập thôn, làng, tên của hầu hết các thôn trong xã đều đã bị thay đổi. Điều này làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Già A Xim lấy ví dụ: Như thôn 7A, trước đây là làng Kon Rơ Ngang, thôn 3 là làng Kon Hra… dân làng quen gọi như vậy từ xa xưa, bởi Kon Rơ Ngang là tên một con suối chảy bao quanh làng, Kon Hra là làng có nhiều cây sung… Hơn cả một con suối, cây sung, Kon Rơ Ngang, Kon Hra và nhiều tên làng khác còn là một địa danh đã gắn bó với tuổi thơ của nhiều người cao tuổi khác trong làng. “Con suối là nguồn sống, là ký ức bao đời của dân làng chúng tôi, đổi tên làng bằng những con số như 7A, 7B là không phù hợp, không đúng với bản sắc văn hóa truyền thống và mong muốn của bà con”, già A Xim trầm ngâm nói.

Theo những Người có uy tín trên địa bàn xã Đăk Ui, cũng như ở thôn 7A, 10/11 thôn, làng trên địa bàn xã Đăk Ui (làng Kor Tu, làng Kon Hra, làng Đăk Kơ Đêm…) đã được đổi tên bằng những con số, như: thôn 7B, thôn 1, thôn 2…

Ở Kon Tum, mỗi tên làng đều có ý nghĩa riêng, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS. Ở Kon Tum, mỗi tên làng đều có ý nghĩa riêng, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS.

Đem thắc mắc của dân làng đến hỏi cán bộ xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, chúng tôi được ông A Thiết, cán bộ văn hóa xã cho biết: Do có sự hiểu nhầm nên việc gọi tên các làng trong xã chưa được đồng nhất. Việc đổi tên làng chỉ là danh xưng cho tiện lợi, còn trong các văn bản hành chính từ tỉnh, huyện, xã vẫn được giữ nguyên tên của các làng. Ông A Thiết cũng thẳng thắn nhìn nhận: Để xảy ra hiểu lầm này là do cán bộ xã chưa giải thích rõ cho người dân hiểu về việc gọi tên làng theo cách thông thường và đặt tên làng theo văn bản của Nhà nước.

Trao đổi với cán bộ Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum, chúng tôi được ông Hoàng Văn Tâm, cán bộ Phòng Xây dựng chính quyền cho biết: Trước đây, có một thời gian, để tiện lợi trong cách gọi và quản lý hành chính, ở một số địa phương, tên các thôn, làng đồng bào DTTS bị đổi hoặc nhập 2, 3 làng thành các thôn và mang số thứ tự như: 1,2,3… Nhưng việc này chỉ thực hiện ở một số làng thành lập mới trong những năm gần đây, việc không đổi tên các làng có từ trước khi thực hiện Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế.

Như vậy, theo lý giải từ phía ngành chức năng, không có việc đổi tên làng, làm mất đi bản sắc văn hóa các thôn làng trên địa bàn tỉnh Kon Tum mà ở đây chỉ là hiểu sai về cách gọi giữa văn bản hành chính Nhà nước và tên gọi thường dùng. Thiết nghĩ, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum cần sớm ra nghị quyết về việc đổi tên làng, thống nhất tên gọi trong cả văn bản hành chính và trong tên gọi thông dụng thuộc phạm vi Đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế. Đồng thời, cần thông tin, phổ biến rộng rãi để bà con hiểu về chủ trương của Đảng, Nhà nước, tránh những xáo trộn trong cuộc sống của đồng bào (nếu có) trong việc sáp nhập các thôn, làng, địa giới hành chính trên địa bàn.

MINH THU

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.