Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nỗi lo sạt lở của người dân vùng DTTS và miền núi Quảng Nam đã được vơi dần...

T.Nhân-H.Trường - 07:40, 19/04/2024

Từ nguồn vốn hỗ trợ quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư, các hộ dân khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Nam được bố trí chỗ ở mới theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch. Được chuyển về những khu tái định cư mới, có đầy đủ hạ tầng, điện, nước, người dân vô cùng phấn khởi. Từ đây người dân được an cư, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Một góc khu tái định cư Tổ Triên ở Phước Sơn
Một góc khu tái định cư Tổ Triên ở Phước Sơn

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi có dịp trở lại vùng đất Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Cách đây hơn 3 năm, nơi đây đã từng xảy ra sạt lở, lũ quét kinh hoàng, đã cuốn trôi nhiều ngôi nhà, làm nhiều người chết và mất tích. Tưởng chừng sau thiên tai, người dân Trà Leng sẽ không thể gượng dậy được, nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, vùng đất này đã hồi sinh mạnh mẽ. Con đường từ UBND xã sang khu dân cư Bằng La được thảm bê tông thẳng tắp, hai bên là dãy nhà sàn được xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Những ngôi nhà mới này nhằm bố trí tái định cư cho hai làng bị sạt lở hồi tháng 10/2020, là làng Tắk Pát và làng Ông Đề. Mỗi ngôi nhà có hai phòng ngủ, một phòng khách, mái xà gồ sắt, đặt trên 12 trụ bê tông chắc chắn. Kể từ khi khu dân cư mới lập lên, điều kiện ăn, ở của người dân, như điện, nước... được quan tâm đầy đủ để người dân yên tâm sinh sống.

Khu dân cư Bằng La với 39 hộ dân Mnông tái định cư sau trận sạt lở năm 2020
Khu dân cư Bằng La với 39 hộ dân Mnông tái định cư sau trận sạt lở năm 2020

Thấy chúng tôi đến, già Hồ Văn Đề (88 tuổi, trú tại nóc Ông Đề) ngừng dọn dẹp cỏ ngoài vườn, mời khách vào nhà. Đến bây giờ, già Đề vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau do trận sạt lở đất để lại. “Không ai nghĩ một ngày thiên nhiên nổi giận như vậy, lúc đó, tôi mất cả tám người thân. Dù rất buồn, nhưng cũng phải cố gắng thôi”, già Đề nhớ lại.

Sau trận lũ quét kinh hoàng ngày đó, già Đề và nhiều người dân được chính quyền địa phương bố trí các địa điểm để ở tạm. Rồi khu dân cư Bằng La được hoàn thành, gia đình ông được dọn vào ở trong cái Tết năm 2021. Ngoài được hỗ trợ về chỗ ở, cũng như bao hộ khác, già Đề cũng được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ sắm những vật dụng cần thiết trong nhà. 

Già Đề nói: Giờ nhà ít người ở, già cho người khác thuê một phần để buôn bán. Đáng mừng là giờ không còn phải lo chạy sạt lở như ngày xưa nữa, người dân rất biết ơn các cấp chính quyền đã qua tâm hỗ trợ.

Nhờ các chính sách hỗ trợ, cuộc sống của người dân ở vùng tái định cư đã dần ổn định
Nhờ các chính sách hỗ trợ, cuộc sống của người dân ở vùng tái định cư đã dần ổn định

Ở dãy nhà bên kia, chị Hồ Thị Tâm và đứa con gái đang quét dọn lại căn nhà. Con gái chị Tâm nay đã vào lớp 2, đã biết giúp mẹ việc nhà và là một học sinh khá giỏi ở trường. Chồng mất, chị một mình làm nương rẫy lo cho đứa con ăn học. Chị Tâm chia sẻ: Ở đây có điện, có đường; trường, trạm lại rất gần, nên thuận tiện cho bà con lắm. Nhà mới cách chỗ ở cũ không xa, nên việc canh tác sản xuất trên đất cũ cũng thuận tiện.

Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết: Hiện nay, khu dân cư Bằng La có 39 hộ dân sinh sống, phần đông là người đồng bào Mnông. Mỗi ngôi nhà trị giá khoảng 150 triệu đồng, làm theo kiểu nhà sàn bê tông cấp 4. Cơ sở hạ tầng khu dân cư Bằng La tương đối đồng bộ với điện đường, nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường mẫu giáo kiên cố. Hiện nay, đời sống của bà con đã dần đi vào ổn định. Để người dân ổn định cuộc sống, chính quyền các cấp đang cố gắng triển khai các mô hình sản xuất như trồng cây quế, chăn nuôi… để người dân cải thiện sinh kế.

Hạ tầng các khu tái định cư ở miền núi Quảng Nam được đầu tư đồng bộ
Hạ tầng các khu tái định cư ở miền núi Quảng Nam được đầu tư đồng bộ

Không chỉ Nam Trà My, các huyện miền núi khác ở Quảng Nam cũng đã bố trí, sắp xếp hàng chục khu tái định cư cho những người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở. Điển hình như huyện Phước Sơn, trong 3 năm gần đây, chính quyền địa phương đã nỗ lực tập trung triển khai công tác di dời hàng chục hộ ở vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đến các khu tái định cư mới nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của bà con. Đồng thời, huyện đang tiếp tục rà soát, kiểm tra nhằm lên phương án để tiếp tục bố trí tái định cư cho người dân từ các nguồn vốn trong giai đoạn 2023-2025.

Tại khu dân cư Tổ Triên, thôn 3, xã Phước Kim (Phước Sơn), được bố trí tái định cư cho 33 hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở trên địa bàn chuyển đến. Hiện tại, cơ sở hạ tầng, điện-đường, trường, trạm đã được đầu tư cơ bản hoàn thiện. Hàng chục ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố, đời sống của người dân bước đầu ổn định. Ngoài việc được hỗ trợ về nhà ở, những hộ dân còn được các cấp chính quyền hỗ trợ về một số mô hình sản xuất mới, và hỗ trợ một số vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt thường ngày.

Ông Hồ Văn Deo (khu dân cư Tổ Triên) chia sẻ: Khi ở làng cũ, mỗi lần mưa gió là đứng ngồi không yên, nên khi chính quyền vận động về nơi mới, gia đình tôi rất vui mừng. Hiện nay, chúng tôi đã cất nhà ở ổn định và đang phát triển kinh tế, lo cho con cái học hành.

Chung niềm vui khi được chuyển về nơi ở mới, ông Hồ Văn Bông (khu dân cư Tổ Triên) cho biết: Mình được bố trí tái định cư và cất nhà tháng 6/2022. Ở đây có đầy đủ điện, nước, đường giao thông nên bà con nhân dân rất phấn khởi. Điều quan trọng hơn, là người dân không còn thấp thỏm mỗi khi mùa mưa bão đến. Về nơi ở mới, người dân còn được hỗ trợ vay vốn làm ăn nên rất phấn khởi.

Theo ông Hồ Công Điềm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, ngoài khu dân cư Tổ Triên còn có 5 khu khác được triển khai ở các xã Phước Kim, Phước Lộc, Phước Thành, Phước Chánh với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng, chủ yếu dành bố trí cho khoảng 200 hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở. Mỗi hộ dân khi về các khu dân cư mới được chính quyền huyện bố trí khoảng 150m2 đất, được hỗ trợ khoảng 70 triệu đồng để làm nhà ở. Khi đến khu định cư mới, chính quyền đầu tư cơ sở hạ tầng và đảm bảo các nhu cầu thiết yếu như: điện, đường, nước sinh hoạt đã giúp bà con ổn định cuộc sống. 

“Từ nay đến năm 2025, còn khoảng 60 hộ dân trên địa bàn cần được di dời, bố trí tái định cư. Do đó, chính quyền địa phương đang rà soát, lên phương án di dời dân theo quy định, cũng như đảm bảo an toàn cho những hộ này”, ông Điềm chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.