Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ngãi: Nhiều hộ dân không còn nỗi lo sạt lở...

T.Nhân-H.Trường - 09:00, 04/04/2024

Hiện nay, nhiều hộ gia đình nằm trong vùng sạt lở ở miền núi Quảng Ngãi không còn lo lắng, bởi các hộ đã được cấp đất làm nhà mới khang trang ở khu tái định cư (TĐC). Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp ghé thăm các khu TĐC, cảm nhận niềm phấn khởi của người dân vì đã được an cư, an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Nhà cửa của người dân Khu TĐC Gò Tranh Giữa được xây dựng khang trang
Nhà cửa của người dân khu tái định cư Gò Tranh Giữa được xây dựng khang trang

Niềm vui nơi mỗi nếp nhà 

Tháng 3, “mùa con ong đi lấy mật…”, chúng tôi ngược núi tìm về các khu tái định cư để ghi nhận cuộc sống của người dân sau khi có chỗ ở ổn định. Đến Khu TĐC Gò Tranh Giữa, xã Long Sơn (Minh Long), chúng tôi cảm nhận người dân, ai nấy cũng tỏ vẻ tươi vui, phấn khởi, bởi không còn lo nỗi lo sạt lở núi. 

Từ trung tâm xã Long Sơn, chúng tôi đi theo con đường nhỏ quanh co, dốc ngược, nằm trên lưng những quả đồi để đến Khu TĐC Gò Tranh Giữa. Trước mắt chúng tôi hiện ra những ngôi nhà mới ở lưng chừng núi, tươm tất và sạch sẽ của đồng bào dân tộc Hrê.

Trước đây, bà con người Hrê sống ở thôn Gò Tranh Trên, con đường vào thôn chỉ là lối mòn băng qua những con suối và những quả đồi, muốn đến với bà con cũng mất ít nhất 5 tiếng đồng hồ. Bởi thế, thôn Gò Tranh Trên trở nên thưa vắng và gần như biệt lập với bên ngoài. Thi thoảng mới có đoàn công tác của cán bộ huyện, cán bộ xã lên thăm bà con.

Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết chia sẻ: Thấy đồng bào khổ quá, huyện Minh Long muốn mở đường lên xóm Gò Tranh Trên. Nhưng con đường lên hiểm trở, kinh phí lại eo hẹp, rồi mưa lũ gây sạt lở núi, đường sá chia cắt, cô lập những xóm nhà. Vì thế, huyện Minh Long chủ trương xây dựng khu TĐC ở xóm Gò Tranh Giữa rồi đưa người dân xuống định cư.

Dạo một vòng quanh Khu TĐC Gò Tranh Giữa, chúng tôi gặp anh Đinh Văn Cư, một trong những hộ đầu tiên ở xóm Gò Tranh Trên, đến xây nhà ở khu TĐC Gò Tranh Giữa cho biết: Tháng 2/2023, gia đình anh được huyện cấp đất và được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, cộng với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 40 triệu đồng để làm nhà. Xuống đây ở, không còn lo núi lở, con em đến trường thuận lợi hơn. Ngày trước, ở xóm Gò Tranh Trên về trung tâm xã học phải ở nhờ nhà bà con hoặc ở khu tập thể của trường. Lúc nhớ nhà, tụi nhỏ băng núi, băng rừng về nhà, khổ lắm!

Đến thăm gia đình anh Đinh Văn Đanh, anh đang dọn dẹp sắp xếp đồ đạc trong nhà. Gặp chúng tôi, anh Đanh vui vẻ kể. Sau khi được nhận đất, tôi gấp rút làm nhà trên cơ sở tận dụng cây gỗ ở nhà cũ và mượn thêm của người anh 30 triệu đồng để mua tôn, bạt và trả tiền công thợ. Ngôi nhà mới đơn sơ, vách bằng tấm bạt, nhưng anh Đanh không giấu được niềm vui vì có được chỗ ở an toàn cho gia đình và có điện, nước đầy đủ để dùng.

Một góc Khu TĐC Nà Tà Kót hôm nay
Một góc Khu TĐC Nà Tà Kót hôm nay

 Chúng tôi về xã vùng cao  Sơn Long, huyện Sơn Tây vào sáng sớm, khi sương mù còn giăng kín, nhìn xa xa, những ngôi nhà trong Khu TĐC tập trung như dải lụa vắt lưng chừng núi. Khu TĐC tập trung xã Sơn Long, là làng mới của những hộ dân nằm trong vùng bị sạt lở ở thôn Ra Pân.

Chị Hồ Thị Lợt, một trong những hộ đầu tiên về ở Khu TĐC Nà Tà Kót cho biết:

Trước đây, ở xóm cũ, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, luôn phải sống trong sự lo lắng bởi nguy cơ sạt lở và lũ quét, thiếu thốn nước sạch, điện lười, đường giao thông đi lại khó khăn. Từ khi chuyển đến nơi ở mới được sử dụng điện lưới, nước sinh hoạt cấp riêng cho từng hộ gia đình, đường bê tông nối ra tận rẫy, bà con rất phấn khởi.

 Thôn Ra Pân được nhiều người gọi là “vùng đất lở”, bởi năm nào cũng vậy, hễ mùa mưa đến ít nhất cũng dăm ba trận lở đất. Đơn cử như vào cuối tháng 10/2022, mưa lớn làm đất đá đổ xuống làng khiến 1 người dân bị thương, 2 nhà bị sập, hư hỏng nặng và 54 nhà nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm phải di dời khẩn cấp.

Để đảm bảo cuộc sống người dân, huyện Sơn Tây đã rà soát, đề xuất tỉnh cho phép triển khai xây dựng khu TĐC. Giờ đây, cách nơi sạt lở trước đây khoảng 2km, Khu TĐC tập trung xã Sơn Long đã hoàn thiện trên diện tích 2,6ha với 56 lô TĐC. Cơ sở hạ tầng điện, nước… được đầu tư đáp ứng yêu cầu cần thiết cho bà con vùng cao.

Về nơi mới, các hộ nơi đây đã bắt nhịp với cuộc sống mới trong những ngôi nhà khang trang. Khuôn mặt rạng ngời, ông Đinh Văn Hà chia sẻ: Bao nhiêu năm sống tại làng cũ, luôn nơm nớp lo sợ sạt lở, nhất là mùa mưa bão. Giờ đây, được về khu TĐC mới sạch đẹp, đường đi lại thuận tiện, điện nước cũng được kéo về tận nhà, mình vui lắm. Giờ mình chỉ lo làm ăn, phát triển kinh tế.

Tại Khu TĐC Nà Tà Kót, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng chúng tôi nghe người dân kể câu chuyện xây dựng cuộc sống mới với niềm phấn khởi. Năm 2017, sau trận sạt lở núi kinh hoàng dưới chân núi Tà Kót gây thiệt hại lớn về tài sản, cùng thời điểm đó là nguy cơ cao sạt lở núi gây nguy hiểm cho người dân dưới chân núi Tà Ri, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã xin chủ trương đầu tư xây dựng khu TĐC Nà Tà Kót. Đến tháng 10/2019, 49 ngôi nhà trong khu TĐC đã được xây dựng hoàn thành, bàn giao cho các hộ dân. Một cuộc sống mới khởi đầu trên vùng đất khó.

Hạ tầng các Khu TĐC ở miền núi Quảng Ngãi được đầu tư xây dựng bài bản
Hạ tầng các khu TĐC ở miền núi Quảng Ngãi được đầu tư xây dựng bài bản

Sau định cư là sinh kế

Đến nay, đa số người dân vùng sạt lở đã chuyển về khu TĐC làm nhà, sinh sống, gây dựng cuộc sống mới. Ban đầu cuộc sống của người dân bộn bề khó khăn. Làm sao để người dân có chỗ ở ổn định nhưng vẫn đảm bảo được sinh kế, là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương.

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nhiệt huyết của chính quyền địa phương, cuộc sống của người dân ở các khu TĐC đã có gam màu sáng, đầy hi vọng. Trên các triền đồi quanh khu TĐC, người dân không chỉ trồng cây keo, mà mạnh dạn trồng các loại cây trồng mới và đầu tư chăn nuôi bò, dê, heo… để cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho gia đình.

 “Được Nhà nước cho cây, con giống để sản xuất, mình bỏ công chăm sóc, mỗi năm gia đình mình cũng có thu nhập 30-40 triệu đồng”, chị Hồ Thị Lợt ở khu TĐC Nà Tà Kót, xã Trà Lâm cho hay.

Cuộc sống mới đã trở lại với người dân ở những Khu TĐC
Cuộc sống mới đã đến với người dân ở những Khu TĐC

Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết: Xác định tiêu chí các Khu TĐC phải đáp ứng yêu cầu thực tế của người dân và phải có điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn nơi ở cũ, nên chính quyền địa phương tập trung đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu để người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Theo Phó Chủ tịch huyện Đinh Trường Giang, cùng với nguồn hỗ trợ từ các chính sách, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi… địa phương cũng quan tâm kêu gọi, bố trí các nguồn hỗ trợ khác để người dân có thêm nguồn sinh kế, động lực vươn lên thoát nghèo", 

Còn ông Đinh Văn Điết, Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho hay: Sau khi các hộ dân về ở Khu TĐC, chính quyền địa phương đã tính ngay đến việc cấp đất sản xuất và hỗ trợ cây, con giống và hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế. "Hiện nay, hầu hết đời sống bà con đã ổn định, chỉ còn một vài hộ thiếu đất sản xuất phải về làng cũ sản xuất lại. Thời gian tới, huỵện sẽ vận dụng các nguồn vốn đầu tư cho miền núi, triển khai các mô hình kinh tế, hỗ trợ người dân vươn lên".

Biết rằng phía trước, để xây dựng cuộc sống ở nơi mới, người dân cũng chưa hết khó khăn  nhưng chúng tôi đã thấy sự bình yên ở những ngôi nhà mới ở các khu TĐC. Theo lẽ thường, “an cư thì mới lạc nghiệp”, chúng tôi tin rằng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, trong tương lai không xa, cuộc sống ấm no sẽ đến với người dân nơi đây.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.