Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nỗi lo "nội bất xuất, ngoại bất nhập" của thôn Tây khi mùa mưa bão đến

Mỹ Dung - 09:04, 31/10/2024

Theo phản ánh của người dân thôn Tây, ngầm tràn nối thôn với trung tâm xã Dực Yên, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) được thiết kế nằm sâu dưới dòng suối, nên khi có mưa lớn là giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Đã nhiều năm qua, bà con nơi đây ngậm ngùi khi thường xuyên rơi vào cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập" mỗi mùa mưa bão.

Ngầm tràn vào thôn Tây (xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) bị nước lũ cuốn trôi sau bão số 3
Ngầm tràn vào thôn Tây (xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) bị nước lũ cuốn trôi sau bão số 3

Thường trực nỗi lo thôn thành “ốc đảo” 

Đây là tuyến giao thông duy nhất nối thôn Tây với trung tâm xã Dực Yên. Chị Chíu Thị Lâu, một người dân tại thôn Tây chia sẻ: "Từ thôn Tây đến trung tâm xã chỉ có 1 con đường duy nhất. Mỗi khi mưa lũ, nước dâng là ngầm tràn sẽ bị ngập sâu, người dân không thể đi được. Rồi cơn lũ lớn vừa qua thì ngầm tràn bị cuốn phăng”.

Bà Nguyễn Thị Khánh, hơn 70 tuổi, nhà ở đầu thôn Tây cho biết, khoảng hơn chục năm trở lại đây, do rừng ở đầu nguồn bị khai thác nhiều, nên mỗi khi có mưa lớn, là ngầm tràn bị ngập, khiến cả thôn rơi vào cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

“Vào những ngày mưa lớn kéo dài, học sinh trong khu phải nghỉ học, mọi hoạt động sinh hoạt thường nhật của người dân đều phải chờ sau khi nước lũ rút. Nhất là nhà nào có người sắp sinh, mà vào mùa mưa thường phải ở nhờ bên kia suối. Vì nếu lũ xuống mà gặp lúc trở dạ là không thể đi được nữa. Khổ đủ bề luôn!”, bà Khánh trải lòng.

Cũng theo bà con ở thôn Tây, tại ngầm tràn vào thôn cũng đã xảy ra rất nhiều vụ bị nước cuốn trôi, rất nguy hiểm. Chị Đinh Thị Xuân, một người dân tại thôn cho hay: "Bao năm nay, bà con trong thôn kiến nghị cấp có thẩm quyền làm lại chiếc ngầm tràn để đảm bảo an toàn, phục vụ phát triển kinh tế, nhưng chưa thấy triển khai”.

Chính quyền nói gì

Anh Chíu Dì Pẩu, Phó Bí thư Chi bộ thôn Tây cho biết, thôn có 176 hộ dân, với trên 700 nhân khẩu, chủ yếu là người Dao và người Kinh. Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông lâm nghiệp. Ngày 9/9 vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão gây mưa lớn, lũ lụt đã cuốn trôi ngầm tràn. Nước rút, nhưng người dân chỉ tạm bắc miếng bê tông qua vị trí ngầm tràn đã bị cuốn trôi để người đi bộ, xe đạp và xe máy có thể qua lại.

"Sau khi ngầm tràn bị cuốn trôi, chính quyền xã và lực lượng chức năng của huyện phải mở tạm một con đường nhỏ để tìm cách vào hỗ trợ người dân, gia cố ở vị trí sạt lở để ngăn nước tràn vào khu dân cư. Bà con rất mong cơ quan có thẩm quyền sớm triển khai dự án làm đường mới để vào thôn", anh Pẩu nói thêm...

Được biết, ngầm tràn vào thôn được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1972, với chiều dài 50m. Do ngầm tràn được thiết kế nằm sâu dưới dòng suối, nên mỗi khi có mưa lớn là giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Đặc biệt, trận mưa bão tháng 9 vừa qua đã cuốn trôi hoàn toàn phần thân ngầm dài 35m và phần đầu ngầm tràn phía cổng làng thôn Tây.

Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão gây mưa lớn, lũ lụt đã cuốn trôi hoàn toàn phần thân ngầm dài 35m và phần đầu ngầm tràn phía cổng làng thôn Tây
Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão gây mưa lớn, lũ lụt đã cuốn trôi hoàn toàn phần thân ngầm dài 35m và phần đầu ngầm tràn phía cổng làng thôn Tây

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, Chủ tịch UBND xã Dực Yên - Vũ Minh Thành cho biết: "Hiện, dự án cầu tràn thôn Tây đã được UBND huyện phê duyệt đầu năm 2024, với tổng kinh phí 30,9 tỷ đồng. Việc kiểm đếm, xây dựng phương án đã hoàn thành. Tuy nhiên, chưa thể tiến hành đền bù được vì còn phải chờ quy định mới của pháp luật liên quan đến giá đất đền bù”.

Theo phương án được phê duyệt, cầu tràn thôn Tây có chiều dài 332,62m được thiết kế chuẩn đường cấp III miền núi, vận tốc thiết kế 60km/h. Chiều rộng đoạn từ Km 0+250 dài 250m, rộng 6,5m, đoạn cuối tuyến dài 82m, vuốt qua khu dân cư.

Tổng vốn đầu tư dự án cầu tràn thôn Tây là 30,9 tỷ đồng, gồm: Chi phí xây dựng là trên 21,35 tỷ đồng, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là trên 4,66 tỷ đồng… từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và huyện. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đầm Hà thực hiện trong giai đoạn 2023-2025…

Hơn bao giờ hết, người dân thôn Tây, xã Dực Yên mong muốn, các ngành chức năng quan tâm sớm thi công cầu tràn mới thay thế, để việc đi lại của người dân được thuận lợi, an toàn hơn, đăc biệt vào mùa mưa bão.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.