Tính đến tháng 12/2019, theo tổng hợp từ các địa phương triển khai đã có 604 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó có 9 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm đề xuất 5 sao, 160 sản phẩm 4 sao, 308 sản phẩm 3 sao.
Đáng chú ý, ở nhiều địa phương miền núi đã có nhiều sản phẩm OCOP thuộc diện “cao cấp” như: tỉnh Lào Cai có 46 sản phẩm thì có 1 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao, 34 sản phẩm 3 sao; tỉnh Thái Nguyên có 25 sản phẩm thì có 13 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao…
Chương trình OCOP đang đi đúng hướng trong khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra thì kết quả phát triển sản phẩm OCOP tính đến thời điểm hiện tại vẫn rất khiêm tốn.
Mục tiêu của Chương trình OCOP đến năm 2020 là tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 3.749 sản phẩm; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; phát triển nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 201 sản phẩm với 413 làng bản văn hóa gắn liền với du lịch…
Nhưng đến thời điểm này, ngoài việc mới chỉ có 604 sản phẩm được công nhận thì cả nước cũng chỉ mới có 12/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận các sản phẩm OCOP; các địa phương còn lại vẫn chưa tích cực tham gia. Số địa phương ban hành cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy, tăng cường hoạt động triển khai Chương trình cũng đếm trên đầu ngón ta (Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lào Cai, Bến Tre, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bình Định, Sóc Trăng, Hòa Bình, Hà Giang).
(Chuyên mục này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)