Trong tình hình đó, việc triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được kỳ vọng rất lớn. Bởi Chương trình này dựa trên tài nguyên, bản sắc, sự sáng tạo của người dân địa phương nhằm gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị xuất khẩu.
Như mô hình Hợp tác xã (HTX) Nông Dược xanh tinh hoa ở xã Quảng La (Hoành Bồ, Quảng Ninh) là một ví dụ. HTX được thành lập trên cơ sở hợp tác tự nguyện của Nhân dân thôn 6, xã Quảng La, đại đa số là đồng bào dân tộc Dao. Từ tháng 8/2015, HTX đã triển khai Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La, với mục tiêu phát triển trồng cây dược liệu, cây ăn quả, cây hoa, cây màu kết hợp du lịch sinh thái.
Đặc biệt, nhờ tham gia Chương trình OCOP nên HTX được hưởng nhiều ưu đãi về vốn, mặt bằng, kỹ thuật. Chỉ hơn một năm tham gia chương trình OCOP, khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La của HTX đã trở thành điểm du lịch, mua sắm hàng nông sản nổi tiếng của huyện miền núi Hoành Bồ.
Đáng chú ý, từ hoạt động của HTX, những lao động đồng bào dân tộc Dao ở thôn 6, xã Quảng La có thu nhập từ những công việc không mấy vất vả như: rẫy cỏ, trồng, chăm sóc hoa, chăm sóc cây dược liệu. Ngày làm việc 8 tiếng và mức thu nhập khoảng 3,5 – 4 triệu đồng/tháng.
Mức lương này đối với đồng dân tộc Dao là khá ổn định, đủ chi tiêu cho gia đình. Ngoài ra, lợi ích của dự án không chỉ đem lại kinh tế cho đồng bào dân tộc mà còn góp phần từng bước bảo tồn nguồn gen và các tri thức bản địa về cây thuốc của đồng bào các dân tộc huyện Hoành Bồ.