Theo bộ tiêu chí của Chương trình OCOP thì sản phẩm OCOP cần đáp ứng được một số điều kiện như sản xuất xuyên suốt, có sự tham gia của nhiều hộ, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và mang đặc trưng vùng, miền… Nhưng để đáp ứng được những tiêu chí này không phải là dễ dàng.
Như xã Văn Sơn, huyện Văn Bàn (Lào Cai), cây mía tím được trồng trên địa bàn từ lâu; toàn xã hiện có khoảng 17ha mía tím. Khi triển khai Chương trình OCOP, xã Văn Sơn quyết định chọn cây mía tím để phát triển thành sản phẩm OCOP. Nhưng sau một thời gian khảo sát, đánh giá, xã Văn Sơn buộc phải bỏ sự lựa chọn này vì cây mía tím chưa đáp ứng được những yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, khả năng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, khả năng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định, lâu dài...
Bỏ cây mía tím nhưng hiện xã Văn Sơn vẫn chưa tìm được sản phẩm nào để triển khai. Được biết, xã đang tính xây dựng sản phẩm từ vỏ quế hoặc phát triển cây ớt trên diện tích đất trồng màu… Nhưng tất cả cũng đều đang ở dạng ý tưởng.
Thực trạng này cũng xảy ra ở nhiều địa phương miền núi khác. Mặc dù có rất nhiều tiềm năng để triển khai Chương trình OCOP nhưng địa bàn miền núi hiện đang gặp nhiều khâu khó khăn trong lựa chọn sản phẩm phù hợp. Do đó, các địa phương cần xác định việc xây dựng sản phẩm OCOP là một lộ trình lâu dài, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc biệt, các địa phương phải dựa vào thực tế, xác định sản phẩm chủ lực để thực hiện.
(Chuyên mục này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)