Lộc Hòa có 1.485 hộ, trong đó chiếm 50% là đồng bào DTTS. Bà con không còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, từ đó số hộ khá, giàu ngày càng tăng, hộ nghèo giảm dần. Toàn xã có khoảng 155 hộ X'tiêng kinh tế khá, giàu, thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm; trong khi đó chỉ còn 20 hộ DTTS nghèo/tổng 27 hộ nghèo toàn xã và phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ không còn hộ nghèo.
Ông Đậu Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa
Với trình độ dân trí chưa cao, không đồng đều nên những hộ DTTS tại chỗ như X’tiêng, Mnông, Khmer có thu nhập khá, cuộc sống ổn định được xem là thành công lớn. Nhưng trên thực tế, rất nhiều hộ vùng DTTS đã tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT), công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm, khiến những hộ người Kinh cũng phải thán phục.
Bỏ lương 27 triệu đồng, chọn hướng đi riêng
Tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, năm 2005, kỹ sư nông nghiệp Lâm Bao (SN 1979), ngụ ấp 3, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành về công tác tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau vài năm, anh chuyển đến Công ty CP Cao su Đồng Phú - Kratie làm việc. Học chính quy, giỏi về chuyên môn kỹ thuật, nên anh được công ty giao giữ nhiều vị trí quan trọng, với mức lương 1.200 USD/tháng (khoảng hơn 27 triệu đồng). Dù đây là mức lương mơ ước của nhiều người, nhưng cuối năm 2019, anh quyết định xin nghỉ việc ở công ty.
“Tôi là 1 trong 4 người của công ty xung phong sang Campuchia làm việc. Với vốn ngôn ngữ thông thạo nên tạo dựng được mối quan hệ uy tín với người dân Campuchia, cũng như lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình, nên tôi xin nghỉ việc về quê hương lập nghiệp, có điều kiện chăm sóc mẹ già, con nhỏ”, anh Lâm Bao tâm sự.
Sau thời gian khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu và nghiên cứu kỹ thị trường, kỹ thuật canh tác, anh Bao quyết định đầu tư trồng 1.000m2 dưa lưới trong nhà màng. Theo anh, dưa lưới trên địa bàn xã Nha Bích cũng như các khu vực lân cận chưa ai trồng, đầu ra ổn định, lợi nhuận cao, nhưng vốn đầu tư ban đầu khá lớn, khoảng 350 triệu đồng/1.000m2. Để đi đến quyết định quan trọng này, trước tiên anh tận dụng khuôn viên sân nhà đầu tư mở tiệm cà phê tạo nguồn thu ổn định cho gia đình.
Gần 15 năm chuyên ngành về cây cao su, nhưng khi chuyển sang trồng dưa lưới, anh Lâm Bao cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Là kỹ sư nông nghiệp nên anh dễ dàng tiếp cận, ứng dụng KH-KT vào trồng, chăm sóc. Đặc biệt, anh còn tham gia Hội Trồng dưa lưới Việt Nam nên khó khăn, khúc mắc gì về kỹ thuật trồng, chăm sóc đều được các thành viên tư vấn, hướng dẫn.
Theo tính toán, 1 sào dưa lưới cho thu 4 vụ/năm, 1 vụ 3,5 tấn. Với giá bình quân hiện nay khoảng 20.000 đồng/kg thì sau khi trừ hết chi phí, lãi 120 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh Lâm Bao còn nhận hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa lưới cho 1 doanh nghiệp ở thị xã Bình Long với thu nhập 15 triệu đồng/tháng.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ngoài tăng vụ, bảo đảm khung thời vụ còn giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu suất lao động và tăng thu nhập cho nông dân. Nhà tôi chỉ có 2 vợ chồng là lao động chính, ngoài sản xuất còn làm dịch vụ nông nghiệp và nhận cạo mủ cao su thuê 4ha nhưng nhiều lúc vẫn còn nhàn rỗi, muốn làm thêm.
Anh Điểu VứcẤp 8B, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh
Với lợi nhuận cao từ cây dưa lưới, thời gian gần đây nhiều hộ DTTS trên địa bàn xã Nha Bích đến tham quan, học tập kinh nghiệm từ anh. Tuy nhiên do vốn đầu tư ban đầu lớn nên nhiều hộ đang lưỡng lự. Anh Lâm Bao mong muốn, sắp tới có nhiều hộ dân trên địa bàn xã và huyện đầu tư mô hình này để đủ điều kiện thành lập Hợp tác xã dưa lưới. Đây là cơ sở, điều kiện để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, tạo thương hiệu về chất lượng và có chỗ đứng trên thị trường. “Nếu các hộ quyết tâm đầu tư trồng, tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật lắp đặt nhà màng, trồng, chăm sóc ban đầu cho bà con”, anh Lâm Bao khẳng định.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất
Thăm mô hình kinh tế tổng hợp của hộ anh Điểu Vức (SN 1984), ngụ ấp 8B, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh ai cũng trầm trồ thán phục.
Gia đình anh Vức có 4,3ha đất, trong đó 1,5ha trồng cao su đang cho thu hoạch, 2ha trồng lúa nước, 6 sào tiêu, số còn lại sử dụng làm đất ở và chăn nuôi dê, bò. Gia đình thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí. Điều ấn tượng nhất khi thăm mô hình kinh tế gia đình anh Vức là toàn bộ đều sử dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu. Từ máy xịt thuốc, chế biến thức ăn, phát cỏ, xay tiêu, tuốt tiêu cho đến những máy móc lớn hơn như máy cày, máy cuốn rơm, xe ba gác đều được gia đình anh mua sắm.
Ở Lộc Ninh, những hộ có kinh tế khá như anh Điểu Vức được xem là thành công lớn. Nhưng nếu biết mô hình kinh tế của gia đình anh Điểu Ngân (SN 1974) ở ấp 8B, xã Lộc Hòa thì mọi người càng thán phục hơn.
Theo Hội Nông dân xã Lộc Hòa, từ những năm 2000, trên địa bàn chưa ai đưa giống bò lai sind về nuôi, thì gia đình anh Điểu Ngân đã có. Cũng thời gian đó, anh đã làm được căn nhà 2 tầng lớn nhất xã. Đến hiện tại, hộ anh Điểu Ngân được xem là gia đình DTTS có kinh tế khá nhất, nhì huyện với tổng thu nhập trên dưới 2 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí. Hiện gia đình anh có 15ha đất trồng lúa, tiêu, cao su và nuôi 100 con bò, 30 con dê. Trong tất cả công đoạn, quy trình sản xuất, chế biến thức ăn gia súc, gia đình anh đều áp dụng cơ giới hóa từ nhiều năm trước, như máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy cấy… Ngoài ra, anh còn làm dịch vụ cho hàng chục hộ dân trên địa bàn.
Ông Đậu Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa cho biết: Những năm qua nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn chuyển giao KH-KT vào sản xuất nên nhận thức của bà con đã nâng lên rất nhiều. Nếu như trước đây bà con chỉ sử dụng 1 giống lúa trồng từ năm này qua năm khác, thì nay đưa các giống lúa mới chất lượng, năng suất cao vào trồng như Đài Thơm, 4900. Đặc biệt, phần lớn nhà nông đều đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên năng suất, chất lượng tăng cao; từ 1 - 2 vụ lúa/năm thì nay tăng lên 3 vụ lúa/năm./.