Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những “món quà sinh kế” của Hội Chữ thập đỏ Tuyên Quang

Giang Lam - 06:22, 13/03/2024

Gặp vợ chồng Sùng Seo Phừ và Lò Thị Dua, dân tộc Mông ở thôn Vàng On, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) vừa làm “hộ sinh” chăm sóc 2 "sản phụ" dê sinh được 4 con dê con nhỏ xíu về. Phừ vui vẻ nói: “Biết hơi ít cái chữ nên không dám đi làm ở công ty, chỉ ở nhà quẩn quanh lên đồi, lên nương. Nay được hỗ trợ đàn dê phát triển thì yên tâm ở nhà, vợ chồng cùng nhau làm kinh tế, chăm sóc con cái”. Những dự án sinh kế nhỏ hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang đã làm thay đổi cuộc sống nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Anh Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang trao đàn dê cho hộ gia đình chị Lò Thị Dua, thôn Vàng On, xã Trung Minh (huyện Yên Sơn).
Anh Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang trao đàn dê cho hộ gia đình chị Lò Thị Dua, thôn Vàng On, xã Trung Minh (huyện Yên Sơn).

Niềm vui mới ở Vàng On

Hôm nay, có vài hộ dân ở Bản Pình đến nhà Sùng Seo Phừ để xem cách nuôi dê, chăn dê của Phừ. Phừ vui vẻ giới thiệu như một chuyên gia thực thụ: "Nuôi dê không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi chú ý thường xuyên vệ sinh chuồng thông thoáng, tránh ẩm ướt và chịu khó theo dõi dê hàng ngày. Dê là động vật ăn tạp, vì thế thức ăn của dê chủ yếu là các loại lá cây, cỏ nên tốn ít chi phí thức ăn. Tuy nhiên, thức ăn cho dê phải đảm bảo khô ráo, mỗi ngày khi mặt trời lên, vợ chồng mình mới đi kiếm thức ăn về cho dê”.

Năm 2023, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp tổ chức Chương trình "Hỗ trợ sinh kế - trao tặng dê sinh sản" cho các hộ đồng bào dân tộc Mông tại xã Trung Minh (huyện Yên Sơn). Có 3 hộ người Mông thuộc hộ nghèo tại xã Trung Minh, được trao tặng 30 con dê sinh sản, trị giá 100 triệu đồng.

Sở dĩ Sùng Seo Phừ nắm bắt được kiến thức nuôi dê sinh sản như thế là nhờ được chuẩn bị kỹ càng! Phừ bảo: "Mình được Hội Chữ thập đỏ tỉnh chở đi xuống một hợp tác xã dê ở Sơn Dương để thăm mô hình nuôi dê, học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, còn được cán bộ chăn nuôi thú y hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn dê sinh trưởng và phát triển nhanh. Vừa nắm chắc kiến thức lại được trực tiếp chăm sóc gần 1 năm nay nên có kinh nghiệm rồi".

Hiện nay, đàn dê của Phừ đã tăng lên 14 con rồi, trong đó có 2 con dê đang sắp sinh nữa. Đàn dê ngày càng nhiều dần, mới đây thương lái tìm đến mua tận nhà.

Anh Sùng Seo Chứ là người chịu thương, chịu khó trong bản Vàng On. Trước đây, anh Chứ vay tiền nuôi trâu, thế nhưng trâu bị rơi xuống vực. Không nản, anh Chứ lại vay tiền mua lợn sinh sản, nhưng lại xảy ra dịch bệnh, mãi không thoát được cái nghèo. Niềm vui đến gia đình anh Chứ vào năm 2023 khi được Hội Chữ thập đỏ tỉnh, chính quyền, đoàn thể của xã đến giúp xây dựng chuồng và đón "thành viên" mới là 10 chú dê sinh sản. Đây là món quà sinh kế đặc biệt giúp gia đình anh thoát nghèo.

Còn anh Lý Văn Đình cũng được hỗ trợ đàn dê 10 con. "Sau khi được giao, chúng tôi tuân thủ làm theo hướng dẫn của cán bộ. Đàn dê nhà tôi đã có thêm dê con, mừng quá!", anh Đình phấn khởi bế con dê mới hơn 1 tháng tuổi khoe với khách. Anh Đình là hộ đặc biệt khó khăn, cuộc sống gia đình với 7 miệng ăn chỉ dựa vào thu nhập ít ỏi từ đồi nương.

Trên nét mặt rạng rỡ, anh hồ hởi: "10 con dê là một gia tài lớn đối với gia đình mình, nên phải làm chuồng kỹ lưỡng, che gió, che mưa cho nó. Cán bộ thường xuyên hướng dẫn cách nuôi, mình sẽ cố gắng chăm sóc chu đáo cho nó sinh nở thật nhiều để thoát được nghèo. Hiện nay đàn dê đã tăng lên 15 con rồi".

Tuy vẫn còn nhiều lắm sự khó khăn, lam lũ của người dân, thế nhưng hôm nay, tiếng leng keng của đàn dê trở thành một thanh âm tươi mới đầy sức sống của người dân nơi đây. Đây là bước đầu của dự án sinh kế ở Trung Minh mang lại tín hiệu tích cực, các hộ dân đã từng bước thoát nghèo. Dự kiến trong thời gian tới, từ mô hình điểm này, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang sẽ nhân rộng mô hình phát triển vùng nuôi dê tại thôn Vàng On, xã Trung Minh.

Ngân hàng yêu thương

Ông Phùng Kim Hiền ở thôn Nà Chác, xã Năng Khả trước đây thuộc hộ nghèo, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2019, được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ huyện Na Hang, gia đình ông đã được hỗ trợ một con bò giống sinh sản từ Chương trình "Ngân hàng bò”.

Ông Phùng Kim Hiền (ngoài cùng bên trái) thôn Nà Chác cùng cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Năng Khả bên con bò giống của gia đình.
Ông Phùng Kim Hiền (ngoài cùng bên trái) thôn Nà Chác cùng cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Năng Khả bên con bò giống của gia đình.

Được hỗ trợ bò, gia đình ông thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong cam kết cũng như chăm sóc bò theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã; xây dựng chuồng trại chắc chắn, gia cố, che chắn gió trong mùa Đông… Nhờ đó, đàn bò của gia đình ông Hiền phát triển tốt, đến năm 2020, gia đình ông đã trao lại bê cho Hội Chữ thập đỏ để luân chuyển cho hộ nghèo khác. Từ 1 con giống được hỗ trợ ban đầu, gia đình ông đã phát triển đàn bò lên 3 con. Cùng với đó, gia đình đã phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Kinh tế dần ổn định, năm 2022 gia đình ông Hiền đã thoát được nghèo.

Từ năm 2012, dự án "Ngân hàng bò” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ các hộ nghèo tại các huyện Na Hang, Lâm Bình, Sơn Dương. Đây là một mô hình đặc biệt, không chỉ ở hiệu quả thiết thực do dự án mang lại mà còn ở cách tư duy và phát triển dự án.

Anh Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ, hộ nghèo sau khi được cấp phát bò giống sẽ nuôi đến khi sinh sản, nếu sinh ra bê cái thì hộ hưởng lợi đó sẽ chăm sóc bê con thêm 6 tháng tuổi, sau đó sẽ chuyển bê con cho hộ nghèo khác để nuôi. Trường hợp là bê đực, Hội Chữ thập đỏ cấp huyện bán con bê đó; tiền bán 2 con bê đực sẽ dùng để mua 1 bê cái và trao cho hộ nghèo khác trong xã để nuôi. Sau khi đã trao lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi có quyền sở hữu hoàn toàn con bò cái giống.

Từ hơn 10 năm nay, các cấp hội Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả dự án, ghi chép, theo dõi những con bò từ lúc được trao cho đến lúc chuyển bê con đi hộ nghèo khác. Các cán bộ Chữ thập đỏ xã đồng hành với những người nghèo trong việc chăm sóc, sinh sản cho tới khi họ đã có kinh nghiệm và có thể tự làm chủ tài sản của mình. Chỉ tính riêng trong năm 2023, đàn bò từ Dự án đã sinh sản được 231 con bê, nâng tổng đàn từ 350 con ban đầu lên 581 con, đã luân chuyển 165 con bò giống cho các hộ nghèo khác.

Tại huyện Na Hang, năm 2012 dự án "Ngân hàng bò” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ đã hỗ trợ bò giống cho 50 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại 2 xã Sơn Phú và Năng Khả. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, từ 50 con bò cái giống ban đầu, đến nay đàn bò đã phát triển lên 178 con bê, Chương trình đã giúp cho trên 150 hộ nghèo khác được tiếp nối vay bò giống.

Anh Nguyễn Hoàng Long Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang nói, với phương châm "cho cần câu hơn cho con cá”, dự án sinh kế nhỏ mang giá trị lớn thực sự rất phù hợp, thiết thực. Bởi với các gia đình khó khăn đây là một tài sản lớn. Ở đó chứa đựng biết bao nhiêu động lực vươn lên, niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng.

Với dự án nhỏ hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo mang đến ý nghĩa lớn cho các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh mong nhận được nhiều sự quan tâm ủng hộ từ những mạnh thường quân, nhà hảo tâm để phát triển dự án đầy ý nghĩa và nhân văn như thế.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.