Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tín dụng chính sách hỗ trợ người dân giảm nghèo

Mai Hương - 23:47, 29/01/2024

Những năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) vươn lên trong cuộc sống. Tín dụng chính sách đang là lực đẩy giúp người dân trên địa bàn huyện từng bước thoát nghèo bền vững.

Nhờ nguồn vốn NHCSXH, gia đình bà Phùng Thị Vằn ở thôn Tân Hoa, xã Bình An, huyện Lâm Bình đã vươn lên thoát nghèo
Nhờ nguồn vốn NHCSXH, gia đình bà Phùng Thị Vằn ở thôn Tân Hoa, xã Bình An, huyện Lâm Bình đã vươn lên thoát nghèo

Đơn cử như gia đình bà Phùng Thị Vằn ở thôn Tân Hoa, xã Bình An, huyện Lâm Bình là một trong những hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. Trước đây cuộc sống của gia đình bà còn nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, không ổn định. Năm 2020, gia đình bà vay 50 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện từ Chương trình hộ nghèo, cùng với chút vốn của gia đình, bà đã đầu tư chăn nuôi 2 trâu sinh sản, xây dựng chuồng trại. Nhờ chăm sóc tốt, hiện đàn trâu nhà bà đã lên tới 5 con, bán được giá cao. Đến tháng11/2022 gia đình bà đã trả hết nợ Ngân hàng và vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Bà Vằn chia sẻ: “Nuôi trâu không tốn nhiều chi phí vì mọi người trong gia đình bà thay phiên nhau đi cắt cỏ về cho trâu ăn. Khi trâu cái sinh sản, nuôi trâu nghé vài tháng là có thể bán giống cho người khác, thu được trên dưới 10 triệu đồng/con”.

Hay như gia đình anh Lò A Phong, ở thôn Nà Co, xã Xuân Lập, trước đây gia đình anh cũng chăn nuôi trâu nhưng chỉ nuôi theo hình thức thả rông nên hiệu quả kinh tế không cao, không được chăm sóc tốt nên trâu gầy, yếu và thường xảy ra dịch bệnh. Năm 2021 anh được Đoàn Thanh niên xã tín chấp cho vay vốn NHCSXH từ nguồn vốn giải quyết việc làm, anh đã quyết định đầu tư mua trâu sinh sản về nuôi theo hình thức bán chăn thả. Có vốn, anh Phong đã xây dựng được chuồng nuôi chắc chắn và đầu tư trồng cỏ voi để đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, có đầy đủ thức ăn nên anh không nuôi theo hình thức thả rông lên các bãi chăn thải tập trung nữa mà nuôi nhốt tại chuồng, thỉnh thoảng mới thả đi ăn để trâu giống được vận động đảm bảo sức khỏe khi sinh sản.

Tín dụng chính sách đang là lực đẩy giúp người dân ở huyện Lâm Bình từng bước thoát nghèo bền vững
Tín dụng chính sách đang là lực đẩy giúp người dân ở huyện Lâm Bình từng bước thoát nghèo bền vững

Nhờ chăm sóc tốt nên đàn trâu của anh đã phát triển lên 5 con. Đến năm 2022, anh tiếp tục nâng mức vay lên 100 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi thêm lợn đen và nuôi ốc ruộng. Từ nguồn vốn vay đã mở ra mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm ổn định cho 4 thành viên trong gia đình. Hiện nay, gia đình anh trở thành tấm gương tiêu biểu trên địa bàn xã trong việc phát huy tốt nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Bà Phùng Thị Vằn và anh Lò A Phong chỉ là hai trong số hàng nghìn hộ nghèo được vay vốn ưu đãi để hỗ trợ phát triển sản xuất từ NHCXH huyện Lâm Bình. Đó cũng là minh chứng cho những kết quả mà NHCSXH đã đạt được trên hành trình cung ứng tín dụng chính sách phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, bảo đảm công bằng và an sinh xã hội, “chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước” theo chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông Nguyễn Quỳnh Hưng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lâm Bình cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 2.030 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện được vay vốn, trong đó có 846 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 48,52% cuối năm 2022 xuống còn 40,93% cuối năm 2023.

Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu trên, những người làm tín dụng chính sách ở Lâm Bình sẽ tiếp tục bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, tỉnh tập trung huy động thật nhiều nguồn lực, chuyển tải thật kịp thời đồng vốn về các vùng miền phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội bền vững trên địa bàn huyện.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.