Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xứ Tuyên vươn tầm cao mới

Lê Anh - 09:45, 22/02/2024

Những ngày này, từ thành thị đến nông thôn hay những bản làng xa xôi trên quê hương cách mạng Tuyên Quang đều bừng lên một không khí vui Xuân, đón Tết phơi phới. Toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân của “Thủ đô kháng chiến” đang vững niềm tin, bứt phá đi lên, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Phát huy tiềm năng, lợi thế tỉnh Tuyên Quang đang vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng phát triển kinh tế - xã hội
Phát huy tiềm năng, lợi thế tỉnh Tuyên Quang đang vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy truyền thống trên quê hương cách mạng, trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, nhất là trong những năm Đổi Mới, Tuyên Quang đã rất quyết liệt, sáng tạo để từng bước hiện thực hóa những mục tiêu của tỉnh. Trong mỗi chủ trương, quyết sách của tỉnh luôn xác định tầm nhìn cũng như vun đắp và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Đây chính là hành trang quan trọng để Tuyên Quang đến gần mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Đặc biệt, trong hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đã không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, dấu ấn nổi bật trên mọi phương diện, tạo bước phát triển bứt phá.

Tỉnh tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới lấy người dân làm chủ thể và là động lực, cùng với Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) mang đặc trưng của Tuyên Quang. Hiện nay, tỉnh duy trì, nâng cao chất lượng sản xuất 5 vùng sản xuất hàng hóa (vùng rừng trồng 190.000 ha, vùng cam trên 8.000 ha, vùng chè 8.400 ha, vùng bưởi 5.000 ha, vùng mía 2.200 ha); tỉnh có 191 sản phẩm OCOP. Cùng với đó, tỉnh xây dựng và tập trung triển khai thực hiện “Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ”.

Du lịch của tỉnh đang tiếp tục có những bước tiến quan trọng, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tỉnh luôn chú trọng gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc. Đến nay, Tuyên Quang đã hình thành một số khu, điểm với các sản phẩm du lịch độc đáo, như: Khu du lịch Tân Trào với loại hình du lịch lịch sử, văn hóa; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm với loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với chăm sóc sức khỏe; Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình, điểm du lịch thác Bản Ba, huyện Chiêm Hóa với loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, dã ngoại... Đặc biệt là, tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức Lễ hội Thành Tuyên để trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang.

Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đưa vào sử dụng tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đưa vào sử dụng tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Dấu ấn đột phá quan trọng của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay là ở việc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện khâu đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, từng bước hiện đại. Tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú thọ kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang dần hoàn thiện; dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đã chính thức khởi công; đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng.

Đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi suối khoáng Mỹ Lâm; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu (Thái Nguyên) đến ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang); đường Ba Bể (Bắc Kạn) kết nối với Na Hang đang các bước triển khai. Những cây cầu mới như cầu Xuân Vân vượt sông Gâm, cầu Bạch Xa vượt Sông Lô; cầu Trắng vượt sông Phó Đáy... và nhiều công trình, dự án quan trọng khác đang hoàn thiện. Tất cả đã và đang tạo ra diện mạo và động lực phát triển mới cho quê hương.

Ông Hoàng Thưởng (60 năm tuổi Đảng), xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn bày tỏ: Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều đặt ra những mục tiêu quan trọng nhằm xây dựng Tuyên Quang phát triển và nâng cao hơn nữa đời sống Nhân dân. Những thành quả của tỉnh rất đáng trân trọng, phấn khởi, tự hào. Điều này không chỉ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng bộ, chính quyền, mà còn tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo ra khí thế mới, động lực mới, sức mạnh mới để tỉnh phát triển hơn nữa trong chặng đường tiếp theo.

Mùa Xuân về với Tuyên Quang trong sự náo nức, rộn ràng cùng những thành tựu mới của toàn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tuyên Quang hôm nay đã và đang thực sự đổi khác về mọi mặt, khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới của địa phương nằm ở giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc Tổ quốc. Tất cả đang chung sức, đồng lòng xây dựng Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.