Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Những lớp học vá víu ở Phia Khăm

Phạm Việt Thắng - 09:55, 18/05/2021

Phia Khăm là tên của ngọn núi cao nhất mà người Khơ Mú chọn để lập bản ở xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn – Nghệ An. Ở đây có điểm trường Phia Khăm 1, thuộc Trường Tiểu học PTDT bán trú Bắc Lý 1, nơi hai giáo viên "cắm bản" đang vượt qua muôn vàn khó khăn để giúp các em bám lớp, bám trường.

Dẫu khó khăn đến đâu cô giáo Hằng vẫn miệt mãi uốn nắn học sinh
Dẫu khó khăn đến đâu cô giáo Hằng vẫn miệt mài uốn nắn từng nét chữ cho học sinh

Cõng em đến lớp

Những chiếc xe máy, phải gọi là xe thồ, liên tục được cài số 1, nhả khói đen mù mịt. Con đường dốc dựng đứng, lại lởm chởm những đá là đá. 

Khục.. khục…khục…Chiếc xe 125 phân khối dở chứng rồi dừng hẳn. Lúc này tôi mới hiểu, tại sao thầy Hiệu trưởng Doãn Chí Trung lại bố trí đến 3 xe máy lên đỉnh Phia Khăm, trong lúc chúng tôi chỉ có 2 người. 

“Ít khi lên điểm trường này mà xe không gặp sự cố”, thầy Nguyễn Viết Hoà, một trong những người thồ chúng tôi lên Phia Khăm, giải thích.

Tôi nhẹ cả người khi vòng quay cuối cùng của chiếc xe dừng lại trong khuôn viên điểm trường Phia Khăm 1. Không thể tin nổi, cả dãy lớp học đã nghiêng hẳn theo hướng Đông – Tây. Thầy Hoà lại phải giải thích: Gió ở đây mạnh lắm, có những cơn lốc rất kinh khủng.

Đón chúng tôi là vợ chồng thầy giáo Phan Văn Khanh và cô giáo Nguyễn Thị Thuý Hằng. Thầy Khanh phụ trách khối lớp 2, còn cô Hằng dạy lớp 1. Có khách, các cháu tỏ ra rụt rè, khép nép. 

Những đứa trẻ dù được xúng xính trong những bộ quần áo đồng phục của nhà trường, nhưng gương mặt thì vẫn toát lên vẻ khó nhọc. Mới hay, gia cảnh các cháu đều rất nghèo khó. 

Khi mùa đông đến, học sinh ốm nhiều, thường là cảm sốt và đau bụng. Chúng em lại phải dành một phần tiền lương để mua nhiều thuốc thang, phòng khi học sinh ốm đau thì chia sẻ cho các cháu.

Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng

Cô Hằng tâm sự, cháu nào có bố mẹ đi làm công nhân ở miền Nam thì còn đỡ tí chút về kinh tế, nhưng lại thiếu sự quan tâm; còn nữa thì phải nói là vô cùng khó khăn. Cũng theo cô Hằng, mùa hè còn đỡ, mùa đông đến, nhiều cháu ngồi học mà cứ run cầm cập vì rét.

Cuối dãy là lớp 2E, do thầy Khanh phụ trách. Cũng chẳng khá hơn các cháu lớp 1 là bao. Những gương mặt ngơ ngác, những bàn chân sần sùi… của các cô cậu đủ để nói lên nỗi vất vả, thiếu thốn đủ bề. 

Tôi đã từng nghe kể, các cháu đi học còn kiêm cả việc trông em, nhưng hôm nay mới tận mặt chứng kiến. Thầy Khanh e ngại, nói: Hôm qua có những 6/11 cháu cõng em đến lớp, tôi động viên mãi nên hôm nay chỉ còn một cặp chị em nữa. 

Tôi không thể cầm lòng khi quan sát cháu Cụt Thị Nhi, vừa chép bài, thỉnh thoảng lại phải dừng lại để vỗ về em ngủ. Nhi rơm rớm: “Bố mẹ cháu đi làm công nhân xa nhà, hôm nay ông bà đi rẫy không có ai trông em nên cháu phải cõng em đến lớp”. 

Thầy Khanh nén tiếng thở dài, nửa đùa nửa thật: “Ngoài dạy lớp 2, tôi còn kiêm luôn hiệu trưởng mầm non. Có những hôm, em bé khóc nhiều quá, phải ngừng dạy để dỗ dành, chẳng khác gì cô nuôi dạy trẻ. Nhưng biết làm sao được, nếu cấm các cháu cõng em đến lớp thì chúng sẽ nghỉ học”.

Bố mẹ đi làm ăn xa, ông bà lên rẫy, Cụt Thị Nhi phải cõng em đến lớp
Bố mẹ đi làm ăn xa, ông bà lên rẫy, Cụt Thị Nhi phải cõng em đến lớp

Cô Hằng lấy vạt áo lau vội những giọt nước mắt đang lăn trên gò má, giọng lạc đi: “Các con em được gửi về xuôi, nhờ ông bà nội nuôi, tuy thiếu thốn tình cảm bố mẹ nhưng cũng còn gấp vạn lần các cháu ở đây. Vì thế mà vợ chồng em đã cố gắng hết sức trong khả năng có thể để giúp đỡ chúng. Mỗi lần về quê, chúng em lại quyên góp quần áo cũ, sách vở để mang lên".

Những lớp học... chờ sập

Tôi dán mắt vào những thanh xà nhà đã bị mối mọt ăn rỗng ruột. Vỗ nhẹ vào thân cột, một lớp mùn gỗ mục nát rơi tung toé, bay đầy mặt. Tôi buột miệng: Sập bất cứ lúc nào. 

Thầy Khanh tâm sự, biết là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chúng tôi cũng lực bất tòng tâm, chỉ làm được mỗi việc là hè đến lại vào rừng chặt cây về chằng chống thôi. Rồi vợ chồng thầy dẫn chúng tôi đi kiểm tra mấy cây cột chống vừa mới được gia cố hồi đầu năm học.

Các thầy cô chỉ biết chằng chống tạm bợ để trường khỏi sập, đảm bảo tính mạng cho học sinh.
Các thầy cô chỉ biết chằng chống tạm bợ để trường khỏi sập, đảm bảo tính mạng cho học sinh.

“Điểm trường này được xây dựng vào năm 2000, nhưng vì chất lượng gỗ không tốt, cộng với lâu ngày và các tác động khác nên nó đã xuống cấp nghiêm trọng”, thầy Khanh cho biết.

Đỡ lời chồng, cô Hằng cung cấp thêm một nguyên nhân nữa là ở đây gió kinh khủng, nhất là lốc và sét. Người ở đây có câu ca: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Bắc Lý”. 

"Ruồi vàng thì em chưa thấy nhưng bọ chó thì nhiều lắm, chớm đông là nó sinh sôi, hết khổ. Nhưng vẫn chưa sợ bằng gió, gió rít, giật từng cơn trên đầu đến kinh hãi. Việc cô trò chui xuống gầm bàn mỗi khi gió lớn là chuyện thường xuyên ở đây. Có cây lớn sau nhà, hết bị gió bẻ gãy cành rồi đến sét đánh cháy ngọn…”, cô Hằng nói.

Đoạn cô chỉ vào vách nhà mà rằng, mùa đông thì gió lùa, mùa mưa thì ướt sũng, chúng em phải đi mua bạt về thưng, nói đúng hơn là bọc phòng học để giữ chân học trò. Và ngay cả phòng ở của vợ chồng thầy Khanh, cô Hằng cũng đâu có khá hơn tẹo nào. Xà nhà, cột, kèo… như những chiếc bẫy chực sập xuống. 

Thầy Khanh kể, được công đoàn nhà trường phát động lợp mái tôn, nhưng vì nhà yếu, tôn lại nặng nên rất sợ bị sập. Vả lại, gió mạnh quá, mái bị tốc nên vợ chồng thầy đã phải đóng lại đinh đến lần thứ 3. 

Thầy Khanh chùng giọng, có những đêm đang ngủ thì gió rít, một số đinh bắn mái tôn bị bung, vợ tôi sợ quá, chui tọt xuống gầm giường. Cô Hằng thẹn thùng, mắng yêu chồng: “Chuyện đó mà cũng kể”.

Rồi chuyện nước sinh hoạt cũng không kém phần khó nhọc. Bản Phia Khăm cũng được đầu tư một bể nước tự chảy, ngặt là nguồn nước yếu quá nên cứ ri rí. “Trừ những ngày mưa, còn nữa thì ngày nào cũng như ngày nào, tôi phải thức dậy từ 4 giờ sáng để đi hứng nước. Nhưng bữa nhiều lắm cũng chỉ được 3 can mà thôi. Còn điện thì không dám mơ đến”, thầy Khanh chia sẻ.

Chúng tôi mang nỗi niềm lo âu xuống núi, bày tỏ cùng thầy Hiệu trưởng Doãn Chí Trung. Thầy Trung thở dài, nhà trường biết hết, hiểu hết, nhất là sự an nguy của học trò; nhưng ngoài việc phát động các thầy cô giáo giúp đỡ, vào rừng chặt cây chằng chống tạm bợ thì chúng tôi cũng không làm được gì hơn. 

Thầy bật dậy, kéo tay tôi đi về phía dãy nhà học bằng gỗ. Đúng là ngay cả điểm trường chính cũng đang có đến 5 phòng học xuống cấp nghiêm trọng. Bên trong các lớp được bọc bằng bạt, còn phía ngoài thì vá víu bằng những tấm ván mỏng như lá lúa.

“Đành phải chờ cấp trên quan tâm”, lời thầy Trung cứ văng vẳng bên tai tôi cả quãng đường về.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.