Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tết quê trong niềm nhớ của giáo viên cắm bản

Hồng Minh - 16:59, 03/02/2021

“Nhiều lúc cũng muốn về thăm bố mẹ, muốn được cùng đón một cái Tết sum họp, nhớ đến nỗi nước mắt cứ chảy không cầm được, nhưng phần vì đường sá xa xôi, đi lại vất vả. Hơn nữa, nếu mình về nghỉ lâu, thì việc học của các con sẽ bị gián đoạn. Bởi vậy, nhiều năm rồi tôi tình nguyện ở lại gắn bó với học sinh…”, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên cắm bản chia sẻ.

Tình yêu nghề là điều giúp người giáo viên vùng cao thêm gắn bó với dân bản, với học sinh.(Ảnh tư liệu)
Tình yêu nghề là điều giúp người giáo viên vùng cao thêm gắn bó với dân bản, với học sinh.(Ảnh tư liệu)

Năm nay là năm thứ 16, cô giáo Nguyễn Thị Hà, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình nhận nhiệm vụ dạy ở điểm bản Tù Cù Phìn, cách trường trung tâm hơn 5km. Tết này cũng như nhiều Tết khác, cô Hà đã ở lại ăn Tết cùng bà con dân bản Tù Cù Phìn, xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ (Lai Châu).

Cô giáo Hà chia sẻ, ngày Tết ở bản tuy thiếu thốn về vật chất, nhưng bà con và học sinh đều rất tình cảm, gần gũi, có quà bánh gì cũng đều nhớ đến cô giáo, nên cô cũng vơi bớt nỗi buồn. Gắn bó với mảnh đất này nhiều năm, giờ cô đã có chồng và gia đình ở tại bản, nên từ lâu cô đã coi mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình.

Tết năm nay, chồng con cô về đón Tết với ông bà nội ở Điện Biên, còn cô ở lại ăn Tết với bà con dân bản. “Bà con dân bản còn nghèo và khó khăn, nhưng tình cảm đầm ấm nên cũng vơi đi nỗi nhớ nhà...”, cô Hà cho biết.

Cũng giống như cô giáo Hà, gắn bó vùng cao từ năm 23 tuổi, giờ đã 17 năm cô giáo Đào Thị Thoa, bám trụ để dạy học tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Huổi Lếch, thuộc xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cô Thoa gần như đã quen với không khí ngày tết Nguyên đán nơi đây. Đây là lý do, dù vui hay buồn, cuộc sống đầy đủ hay thiếu thốn, chỉ cần nghĩ về tình cảm các em học sinh DTTS nơi vùng cao này dành cho cô; rồi chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh, nhưng rất nghe lời thầy, cô nỗ lực đến trường học con chữ, để mai này có cơ hội thay đổi cuộc sống, là cô Thoa lại thấy ấm lòng.

Nhớ lại cái Tết đầu tiên ở lại trường ăn Tết, cô giáo Thoa vẫn không giấu được cái cảm xúc buồn man mác. Đó là vào năm 2004, một mình đón Tết trong bốn bức vách, mình nghĩ đến Xuân, nhưng dường như Xuân vẫn xa xôi, chưa chịu về bản nhỏ này. Học sinh nghỉ ở nhà, dân bản vẫn cặm cụi đi làm từ sáng sớm đến tối mịt. Chẳng ai biết tết Nguyên đán là gì. Buồn quá, cô tìm đến từng nhà trong bản nói chuyện với bà con, hỏi bà con về Tết truyền thống của đồng bào.

Tình yêu nghề là điều giúp người giáo viên vùng cao thêm gắn bó với dân bản, với học sinh.(Ảnh tư liệu)
Tình yêu nghề là điều giúp người giáo viên vùng cao thêm gắn bó với dân bản, với học sinh.(Ảnh tư liệu)

“Tôi kể cho bà con về Tết của người Kinh mà phụ huynh và học sinh cứ tròn xoe mắt. Những ngày sau Tết, nhiều phụ huynh còn đến lớp học bảo cô giáo Thoa “kể chuyện cái Tết người Kinh đi”…”, cô Thoa kể lại.

Thế rồi cái Tết buồn năm đó cũng qua đi, cho đến Tết năm 2005, cô Thoa vẫn ở lại trường, nhưng lần này cô đón Tết với một tâm thế khác. Cô Thoa lên một “kế hoạch” đón Tết khá tỉ mỉ. Trước Tết hai tháng, cô gửi toàn bộ số tiền tích cóp về Điện Biên nhờ mua kẹo, bánh và mắm, muối, dầu mỡ, những nhu yếu phẩm thường hay được sử dụng trong ngày Tết đưa về trường để tổ chức đón Tết với các em học sinh và bà con.

Tết năm ấy, bản Cây Sặt vui hơn bao giờ hết, vì lần đầu bà con trong bản được cảm nhận không khí Tết của người Kinh ở bản người Mông trên biên giới. “Mọi người cùng tôi gói bánh chưng, cùng nhau trông bánh chín… Trẻ con, người già được mừng tuổi; ai cũng được ăn bánh kẹo, được thưởng thức bánh chưng, bà con dân bản vui mừng lắm!”, lời cô Thoa kể vẫn ánh lên niềm vui năm nào.

Từ đó tới nay, cô giáo Thoa vẫn gắn bó với bà con, học sinh ở Huổi Lếnh.

Ngoài cô giáo Hà, cô giáo Thoa, thì còn có rất nhiều thầy, cô giáo ở khắp mọi miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đang gác lại mong ước được sum vầy bên gia đình mỗi dịp Tết đến Xuân về, tình nguyện ở lại vì nặng tình với bà con dân bản, với học sinh thân yêu.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.