Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những “Kiến trúc sư” người Ê Đê kể chuyện làm nhà dài giữa Thủ đô

Trương Vui - 17:53, 08/04/2023

Đến với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam những ngày này, du khách không chỉ được ngắm nhìn công trình kiến trúc dân gian nhà dài của dân tộc Ê Đê, với những đặc điểm kiến trúc nguyên bản, mà còn được gặp gỡ, lắng nghe những câu chuyện về quá trình tu sửa nhà dài từ nhóm nghệ nhân- những người được ví như “kiến trúc sư” của buôn làng đang tham gia xây dựng, tu sửa chính ngôi nhà mang bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Những "kiến trúc sư" khéo léo và tỉ mỉ "mặc áo mới" cho nhà dài
Những "kiến trúc sư" khéo léo và tỉ mỉ "mặc áo mới" cho nhà dài

Ngôi nhà dài của dân tộc Ê Đê, được xây dựng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trên cơ sở ngôi nhà của gia đình bà H’Đách Êban (người Ê Đê Kpạ) làm năm 1967 ở buôn Ky, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngôi nhà có chiều dài 42,5 m, sàn cao 1,1 m và rộng 6 m, được khánh thành vào năm 2000 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Từ khi được xây dựng đến nay, công trình này luôn là hình ảnh hấp dẫn du khách khi đến tham quan Bảo tàng, không chỉ vì đây là kiến trúc xây dựng độc đáo của dân tộc Ê Đê, mà còn bởi công trình này được các chủ thể văn hóa ở buôn Ky trực tiếp xây dựng, tu sửa nhiều lần.

Mới đây, chúng tôi đến nghe kể chuyện sửa nhà dài của các “kiến trúc sư” người Ê Đê vào một ngày mưa phùn, trời se lạnh. Cái ẩm ương của thời tiết giao mùa, dường như không thể ngăn cản được sự tất bật, say mê với công việc của nhóm thợ. Mỗi người một công việc, người vót mây, người buộc rui mè, người chuẩn bị hóp, tre, nứa... “Thường chúng tôi sẽ ăn trưa lúc hơn 11 h, mà nhiều khi mải mê quá hay quên cả giờ ăn cơm”, bác Y Yôč Hmok, người tham gia tu sửa nhà dài tươi cười khi nói với chúng tôi.

Công đoạn làm sạch cỏ tranh trước khi đem lợp mái
Công đoạn làm sạch cỏ tranh trước khi đem lợp mái

Là một trong những người thợ trực tiếp xây dựng và có mặt trong tất cả những lần tu sửa nhà dài, bác Y Yôč Hmok cho biết, qua 2 lần xây dựng và tu sửa, thì đây là lần xuống cấp nhất của nhà dài. Sàn nhà, các trụ gỗ đã bị mọt ăn nhiều, đặc biệt phần mái nhà đã bị hư hỏng, dột nhiều, phải phủ bạt để bảo vệ.

“Phần mái nhà bị hư hỏng cũng dễ hiểu thôi. Nhà dài truyền thống của dân tộc Ê Đê thường có 5 phòng, mỗi phòng đều có bếp, do đó khói luôn bao phủ căn nhà, giúp cỏ tranh lợp mái được bền hơn. Nhưng nóc nhà cũng chỉ có tuổi thọ từ 7 - 8 năm. Ở đây không có khói bếp bao phủ, tuổi thọ của cỏ tranh sẽ bị ảnh hưởng”, bác Y Yôč Hmok chia sẻ.

Với người dân Ê Đê, phần mái được ví là “linh hồn” của nhà dài, giúp bảo vệ mưa, nắng cho cả ngôi nhà. Chính vì thế, ngay từ khi bước chân đến Bảo tàng, cả đội thợ đã bắt tay vào sửa phần mái nhà, với những công đoạn đầu tiên là làm sạch, phơi khô cỏ tranh, chuẩn bị dây buộc kèo, rui mè. Từng công đoạn tưởng rất đơn giản, nhưng kỳ thực lại rất kỳ công, đòi hỏi người thợ phải trau chuốt, cẩn thận và hết sức tỉ mỉ.

Bác Siu Kuai (sinh năm 1949), người nhiều tuổi nhất nhóm thợ đang vót mây chuẩn bị cho công đoạn buộc cỏ tranh và sàn, vách nhà
Bác Siu Kuai (sinh năm 1949), người nhiều tuổi nhất nhóm thợ đang vót mây chuẩn bị cho công đoạn buộc cỏ tranh và sàn, vách nhà

Bác Siu Kuai (sinh năm 1949), người nhiều tuổi nhất trong nhóm thợ tay thoăn thoắt vừa vót từng sợi mây chuẩn bị cho công đoạn buộc cỏ tranh, vui vẻ chia sẻ: “Cỏ tranh thì cần làm sạch, phơi khô, phải bảo đảm cỏ mềm, không giòn thì mới giữ được độ bền. Còn vót dây mây thì phải tỉ mỉ, mỏng quá thì dễ đứt, dày quá thì lại giòn, không buộc được đâu”.

Chính vì yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn, việc sửa mái nhà được đội “kiến trúc sư” cho là mất nhiều thời gian và công sức nhất. Sau khi hoàn thiện xong phần mái, đội thợ mới thực hiện các công việc tiếp theo là sửa vách, sàn nhà và tu sửa trụ đỡ. Công việc sửa nhà dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa tháng 4.

Hóp, tre, nứa sau khi được bổ đôi, làm dẹt sẽ được đem ra phơi để làm vách và sàn nhà
Hóp, tre, nứa sau khi được bổ đôi, làm dẹt sẽ được đem ra phơi để làm vách và sàn nhà

Trước đây, nhà dài đã trải qua 2 lần tu sửa vào năm 2009 và 2019. Đến nay, nhà dài lại tiếp tục phải tu sửa để giữ gìn ngôi nhà tại Bảo tàng. Và vẫn như cách đã thực hiện trong suốt hơn 20 năm, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vẫn quyết định mời những người thợ từ buôn Ky trực tiếp thực hiện, với mong muốn thông qua việc những người thợ trực tiếp tu sửa sẽ trao truyền các tri thức dân gian từ thế hệ già sang thế hệ trẻ. Đây cũng là điểm độc đáo làm nên giá trị văn hóa độc đáo của công trình nhà dài ngay giữa lòng Thủ đô.

Chị An Thu Trà - Trưởng phòng Truyền thông và Giáo dục của Bảo tàng cho biết, lần tu sửa này có 13 người thợ, thì có đến 7 người đã từng ra Hà Nội tham gia tu sửa nhà dài lần thứ 2, thứ 3. Họ đều rất ủng hộ và sẵn sàng hợp tác khi Bảo tàng đề nghị.

Nhóm "kiến trúc sư" tranh thủ thời gian ngồi đan những vật dụng hàng ngày như lồng gà, mẹt đựng thức ăn …
Nhóm "kiến trúc sư" tranh thủ thời gian ngồi đan những vật dụng hàng ngày như lồng gà, mẹt đựng thức ăn …

“Đường đi xa xôi, chúng tôi mất 2 ngày 1 đêm mới tới nơi đấy, cũng vất vả lắm. Nhưng được đóng góp vào tu sửa nhà dài để lan tỏa văn hóa người Ê Đê đến du khách tham quan mọi miền, tôi tự hào lắm”, bác Y Yôč Hmok bày tỏ.

Cũng theo bác Y Yôč Hmok, không chỉ bác mà cả buôn làng Ky đều rất ủng hộ với cách làm của Bảo tàng. Trong nhóm thợ đã tham gia dựng nhà dài ở đây, rất tiếc nhiều người nay đã không còn, nhiều người do tuổi cao cũng đành tiếc nuối vì không thể tham gia lần này. Còn lại, mọi người kể cả đang có công việc riêng cũng đều tự nguyện xin đăng ký tham gia.

“Tiêu chí của chúng tôi là vừa chọn thợ có tay nghề và kinh nghiệm dày dặn, nhưng cũng ưu tiên chọn cả những người đại diện cho thế hệ trẻ để học cách làm của người có kinh nghiệm. Tre già măng mọc mà, sau này chúng tôi già yếu, lớp trẻ sẽ tiếp tục nối theo sau, tu sửa phục dựng để kiến trúc này còn mãi.

Y Blen Buôn Yă (sinh năm 1985), thợ trẻ nhất trong nhóm sửa nhà dài lần này tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang tất bật với công việc của mình
Y Blen Buôn Yă (sinh năm 1985), thợ trẻ nhất trong nhóm sửa nhà dài lần này tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang tất bật với công việc của mình

Anh Y Blen Buôn Yă (sinh năm 1985) chính là người thợ trẻ tuổi nhất ở đây. Các công việc đòi hỏi sức khỏe, sự nhanh nhẹn anh đều nhiệt tình thực hiện, bằng tất cả tình yêu dành cho ngôi nhà truyền thống. Anh bày tỏ: “Tôi vô đây để học hỏi cách sửa sang nhà dài, sau này nối tiếp công việc của thế hệ đi trước, để hình ảnh nhà dài sẽ mãi tồn tại và lan tỏa”.

“Giờ nhà dài truyền thống không còn nhiều, những ngôi nhà dài còn lại thì phần mái đã được lợp tôn thay thế cho việc lợp cỏ tranh rồi. Cho bọn trẻ nó đi cùng, để nó có cơ hội được học, được làm, giữ mãi công trình này, để sau này con cháu trong buôn có cơ hội đến Hà Nội, còn được nhìn nhà dài, thêm tự hào và yêu những ngôi nhà truyền thống”, bác Y Yôč Hmok cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.