Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Những doanh nhân dân tộc thiểu số bắt đất nghèo “nở hoa”

PV - 11:13, 12/10/2018

Trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy vùng DTTS và miền núi phát triển, không thể thiếu vai trò, đóng góp của đội ngũ doanh nhân người DTTS. Họ là những người có ý chí, nghị lực, quyết tâm thay đổi số phận trên chính mảnh đất nghèo khó của mình. Họ đang truyền cảm hứng, góp phần thúc đẩy vùng đồng bào DTTS vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Báo Dân tộc và Phát triển giới thiệu một số gương mặt doanh nhân người DTTS đã và đang có nhiều đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, làm giàu ở địa phương.

Bài 1: Tỷ phú người Thái trên đất Hồi Xuân

Hồi Xuân là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Quan Hóa (huyện nghèo 30a), tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng trên mảnh đất cằn này, có một người không chịu đầu hàng số phận. Anh đã vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt, vươn lên bằng nghị lực, sự sáng tạo, trở thành một trong những tỷ phú trong vùng. Anh là Phạm Văn Thuyền, sinh năm 1973, dân tộc Thái ở bản Khằm, xã Hồi Xuân.

Doanh nhân Phạm Văn Thuyền (người đứng) đang cùng công nhân làm việc tại công trường. Doanh nhân Phạm Văn Thuyền (người đứng) đang cùng công nhân làm việc tại công trường.

Từ trong nghèo đói quyết chí vươn lên

Anh Phạm Văn Thuyền kể, sinh ra và lớn lên ở một xã vùng sâu, vùng xa của huyện vùng cao Quan Hóa, anh cảm nhận cuộc sống của người dân quê mình còn quá nhiều gian khó... Có lẽ vậy mà hàng chục năm qua, Hồi Xuân vẫn là xã thuộc diện khó khăn đặc biệt. Gia đình anh Thuyền cũng không nằm ngoại lệ.

Tuy nhiên, từ thủa nhỏ, Thuyền đã rất thích đi học. Anh bảo, hồi nhỏ mình chỉ nghĩ đi học để còn đọc được con chữ, viết được tên mình, tên cha mẹ là vui rồi. Lớn lên, anh hiểu đi học sẽ giúp cho anh có thêm kiến thức, hiểu biết để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đến năm lớp 7, con đường học tập của anh Thuyền phải bỏ dở do cuộc sống gia đình lâm vào khó khăn. Bố bị bệnh mất, là con trai lớn, Thuyền phải thay cha phụ mẹ gánh vác việc gia đình nuôi các em ăn học.

“Rời ghế nhà trường tôi đã đi làm thuê đủ mọi công việc để kiếm sống. Trong xã, trong bản ai có việc gì thuê thì tôi làm. Không có ai thuê thì ngày hôm đó trở về nhà bụng đói, tay không. Chính cái nghèo quay quắt đã thôi thúc tôi phải quyết chí vươn lên thoát nghèo”, anh Thuyền bộc bạch.

Năm 17 tuổi, anh Thuyền quyết định khởi nghiệp với ý tưởng làm mô hình gia trại tổng hợp. Lúc đầu, do không có vốn, anh vay mượn của người thân, mua con giống, cây trồng để trồng trọt, chăn nuôi kết hợp làm nương rẫy. Sau đó, anh tự mày mò tìm hiểu trên báo, đài, các mô hình kinh tế hiệu quả trong vùng, các nguồn vốn chính sách vay phát triển. Theo đó, anh đã mạnh dạn xây dựng phương án vay vốn ngân hàng, người thân đầu tư xây chuồng, mua các giống trâu, bò, cá lồng về chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục trồng các loại cây tre, luồng, gỗ xoan.

 Doanh nhân Phạm Văn Thuyền luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho Công ty của mình. Doanh nhân Phạm Văn Thuyền luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho Công ty của mình.

Những ý tưởng đi tắt đón đầu

Sau 3 năm dồn sức miệt mài lao động, sản xuất, nhưng nguồn thu nhập từ chăn nuôi vào thời điểm đó không cao, nên anh Thuyền đã quyết định chuyển hướng làm ăn. Thời điểm đó, anh thấy có rất nhiều khách từ các địa phương khác về mua lâm sản của bà con nên quyết định đứng ra thu mua cây luồng, cây tre và các loại lâm sản khác để bán lại cho khách. Từ đó, công việc kinh doanh của anh mới bắt đầu phát triển.

Năm 25 tuổi, anh Thuyền xây dựng gia đình với người con gái Thái cùng địa phương và tiếp tục công việc kinh doanh. Để mở rộng sản xuất, anh mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư. Nhờ sự kiên trì cố gắng, cơ sở kinh doanh của gia đình anh ngày càng phát triển.

Năm 2007, quê anh đã có những bước phát triển mới về đời sống kinh tế-xã hội. Nắm bắt được thời thế, anh mạnh dạn thành lập Hợp tác xã với ngành nghề xây dựng, chuyên xây lắp các công trình dân dụng, công trình giao thông thuỷ lợi, thu hút việc làm, tăng nguồn thu. Năm 2009, anh tiếp tục mở rộng thành lập Công ty TNHH đầu tư Xây dựng và thương mại Đức Tài, với tổng số vốn điều lệ lên tới hàng tỷ đồng.

Hiện nay, anh Thuyền còn mở rộng sản xuất gạch không nung. Anh đã đầu tư mua xe ô tô tải, máy xúc, xuồng máy và một số máy móc công cụ khác để phục vụ sản xuất và thi công các công trình xây dựng.

Đặc biệt năm 2016, gia đình anh phát triển thêm Công ty TNHH TM và dịch vụ Mường Cada, chuyên kinh doanh nghề dịch vụ ăn uống, tham quan du lịch và vui chơi giải trí. Hiện nay, cơ sở mở ra thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan mỗi ngày.

Chia sẻ với cộng đồng

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Phạm Văn Thuyền còn tiếp sức để cộng đồng cùng phát triển. Với tư duy phát triển kinh tế “đi tắt đón đầu”, mở rộng kinh doanh, gia đình anh đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm người dân tại địa phương có thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Ngoài việc kinh doanh, anh còn tham gia rất nhiều các hoạt động xã hội. Hàng năm, doanh nghiệp gia đình anh đóng góp cho địa phương, các xã khó khăn từ 5 đến 10 tấn xi măng; ủng hộ các quỹ từ thiện, khuyến học, quỹ vì người nghèo. Doanh nhân Phạm Văn Thuyền còn nhận đỡ đầu cho 3 cháu người DTTS có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương đến 18 tuổi, trong đó có 1 cháu ở bản Khằm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hỗ trợ 8 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ 20-30 triệu đồng xây nhà ở kiên cố.

Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết: Với sự đóng góp tích cực của anh Phạm Văn Thuyền trong các hoạt động của địa phương được chính quyền ghi nhận và người dân cảm phục. Năm 2011 đến nay, anh Thuyền là Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện đại diện khối doanh nghiệp. Đồng thời, anh đã được Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen về doanh nghiệp, doanh nhân phát triển kinh doanh bền vững...

QUỲNH TRÂM