Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lắk (Đắk Lắk): Triển khai nhiều chương trình tín dụng hiệu quả, giúp đồng bào DTTS

Mai Hương - 06:47, 19/09/2024

Đồng hành cùng đồng bào DTTS trong quá trình phát triển kinh tế, giảm nghèo, thời gian qua, Phòng Giao dịch (PGD) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lắk (Đắk Lắk) triển khai nhiều chương trình tín dụng hiệu quả, tạo “động lực” để đồng bào DTTS từng bước vươn lên, giảm nghèo bền vững.

Ông Phạm Công Hùng (đứng bên phải ngoài cùng), Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Lắk kiểm tra hộ vay vốn trên địa bàn xã Đắk Phơi
Ông Phạm Công Hùng (ngoài cùng, bên phải), Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Lắk kiểm tra hộ vay vốn trên địa bàn xã Đắk Phơi

Cơ hội để đồng bào DTTS thoát nghèo

Gia đình chị H Đin Đắk Cắk là người dân tộc Mnông ở buôn Đung, xã Đắk Phơi, huyện Lắk (Đắk Lắk) có 7 khẩu. Cũng như bao gia đình khác trong toàn xã, cuộc sống của gia đình chị chồng chất khó khăn, mặc dù có năng lực sản xuất nhưng luôn thiếu đất, thiếu nguồn vốn, thiếu kỹ thuật. Khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước về vốn ưu đãi tín dụng xã hội cho vay hộ nghèo, gia đình chị được bình xét cho vay số tiền là 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện, để thực hiện phương án chăn nuôi bò sinh sản. Mua được 2 con bò cái, sau một thời gian chăm sóc tốt số con bò đã phát triển lên 10 con, gia đình bán bớt, để trả nợ gốc đến hạn của Ngân hàng và tiếp tục chăn nuôi phát triển. Năm 2015, gia đình bàn bạc bán bò để mua 2ha đất rẫy chưa khai hoang, sau một thời gian khai hoang rộng mở ban đầu gia đình chỉ trồng lúa rẫy và cây mì rồi dần trồng 1ha cây cà phê.

Các thành viên trong gia đình còn tích cực tham gia các buổi sinh hoạt tổ, sinh hoạt chi hội nông dân buôn, dự các lớp tập huấn được mở tại xã hằng năm, được tiếp thu kiến thức và cách chăm sóc cây trồng vật nuôi. Đến năm 2019, hộ gia đình tiếp tục bàn bạc vay vốn chương trình hộ cận nghèo số tiền là 50 triệu đồng, để trồng mở rộng diện tích cà phê và trồng xen một số cây ăn trái như bơ, sầu riêng và tiếp tục chăn nuôi bò.

Đặc biệt, từ năm 2022, sau khi được giới thiệu một số điển hình, mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay NHCSXH, gia đình chị mạnh dạn trồng xen thêm 25 cây sầu riêng ghép, bước đầu cây phát triển tốt hiện có chiều cao trung bình trên 2 mét.

Gia đình chị Triệu Thị Phương (ở thôn Cao Bằng, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) phấn khởi khi vườn sầu riêng đã bắt đầu cho lợi nhuận
Gia đình chị Triệu Thị Phương (ở thôn Cao Bằng, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) phấn khởi khi vườn sầu riêng đã bắt đầu cho lợi nhuận

Hay như gia đình chị Triệu Thị Phương ở thôn Cao Bằng, xã Đắk Phơi, huyện Lắk. Từ năm 2020, nhờ nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện, gia đình chị đã đầu tư 2ha rẫy trồng xen canh sầu riêng với 300 gốc, cà phê với 3ha cà phê, bơ… cùng với chăn nuôn bò sinh sản. Đến nay, 10 gốc sầu riêng đã cho thu hoạch, nhờ đó, những cây cho thu hoạch sẽ nuôi trang trải và bù trừ cho những cây nhỏ. “Nhờ nguồn vốn NHCSXH, gia đình tôi đã được nhiều thứ. Ban đầu, gia đình đầu tư trồng cà phê, nhưng do mấy năm trước cà phê mất giá, nên cũng hòa vốn, không có lời. Năm 2023, những cây cà phê cũng đã mang lại lợi nhuận cho gia đình", chị Triệu Thị Phương tâm sự.

Phó Bí thư đoàn xã Đắk Phơi Y Sel Liêng Hót, cho biết: Nguồn vốn vay từ NHCSXH ủy thác qua Đoàn Thanh niên, 100/% hộ vay đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả. Đến nay, tổng dư nợ nguồn vốn ủy thác qua Đoàn Thanh niên đạt 7 tỷ 480 triệu đồng với 164 hộ vay, hiệu quả nguồn vốn vay chủ yếu trồng cây cà phê và sầu riêng. Trong thời gian tới, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, người vay rất muốn được tăng cường thêm nguồn vốn hộ sản xuất-kinh doanh, để người dân có thêm điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Nhờ sự đẩy mạnh, tích cực tuyên truyền của NHCSXH, Hội đoàn thể xã và bản thân người Tổ trưởng nên nhận thức của tổ viên tăng lên rất nhiều. “Trước khi vay vốn, hộ đã có kế hoạch làm ăn cụ thể, rõ ràng. Sau khi vay tổ viên tính toán sử dụng nguồn vốn rất cẩn thận, mang lại thu nhập kinh tế, cũng như xây dựng được nhà cửa, công trình vệ sinh, chuồng trại, mua cây con giống, phương tiện làm ăn hiệu quả. Vì vậy, công tác quản lý nguồn vốn của Tổ và công tác thu lãi được nhiều thuận lợi, tổ viên trả nợ đúng kỳ khi đến hạn”, Phó Bí thư xã Đắk Phơi Y Sel Liêng Hót, cho biết thêm.

Cán bộ PGD NHCSXH huyện Lắk đang thông qua một số nội dung trước khi giao dịch xã trên địa bà huyện
Cán bộ PGD NHCSXH huyện Lắk đang thông qua một số nội dung về vay vốn tín dụng chính sách cho người dân

Hiệu quả từ vốn vay ưu đãi

Ông Phạm Công Hùng, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Lắk, cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, NHCSXH huyện Lắk đã tiến hành giải ngân cho 2.116 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với số tiền 112 tỷ đồng.

Trước khi có Nghị định 28, NHCSXH huyện phối hợp với các xã tập trung ưu tiên nguồn vốn tín dụng chính sách cho người đồng bào DTTS tại các buôn, đặc biệt khó khăn với tổng dư nợ đến hết tháng 8/2024 đạt 576 tỷ đồng, với 13.981 hộ còn dư nợ. Trong đó, nguồn vốn phục vụ sản xuất-kinh doanh cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 349 tỷ đồng, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 50 tỷ đồng và hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở 736 hộ, với số tiền 17 tỷ đồng.

Với các giải pháp đồng bộ của chính quyền địa phương, nguồn vốn chính sách giúp sức cho huyện và sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Lắk xuống còn 4.048 hộ nghèo, chiếm 20,95%; 3.240 hộ cận nghèo, chiếm 16,77% vào cuối năm 2023.

Cũng theo Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Lắk Phạm Công Hùng chia sẻ, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, NHCSXH huyện đã giúp cho 4.886 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với số tiền 405 tỷ đồng. Đưa tổng dư nợ tín dụng chính sách đến nay đạt 576 tỷ đồng, tăng 405 tỷ đồng so năm 2014 (từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW), tỷ lệ tăng trưởng 236%, với 13.981 hộ nghèo và đối tượng chính sách còn dư nợ.

Nguồn vốn chính sách trong 10 năm qua đã tạo điều kiện cho 1.093 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 59 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 696 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 2.756 hộ đầu tư xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 736 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Đây được xem là nguồn lực quan trọng để huyện Lắk thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.