Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Những con vật thiêng trong tâm thức các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên

Bùi Quang Vinh - Th. Phong - 12:25, 05/11/2023

Sống trong môi trường rừng núi tự nhiên hàng nghìn đời nay, các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên có những tập quán ứng xử đặc biệt với các loài động vật hoang dã và chim thú rừng, vật nuôi, trở thành tâm thức văn hóa, hình thành các phong tục lưu truyền trong cộng đồng.

Từ xa xưa, đồng bào Tây Nguyên có tập quán thuần dưỡng voi rừng để phục vụ đời sống lao động, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. (Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng)
Từ xa xưa, đồng bào Tây Nguyên có tập quán thuần dưỡng voi rừng để phục vụ đời sống lao động, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. (Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng)

Từ xa xưa, các DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên thường có thói quen thuần dưỡng các động vật hoang dã như voi, ngựa… để cưỡi, thồ hàng, phục vụ đời sống lao động, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Những tộc người hay buôn làng nào có nhiều voi, ngựa được xem là nơi giàu có và quyền uy.

Mãi đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, việc săn bắt voi rừng vẫn còn thịnh hành ở các dân tộc Mnông, Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk) với những gru (thợ săn voi) được vinh danh là Khunjunod - Vua săn voi. Bấy giờ ở Buôn Đôn (Đắk Lắk) và Nhơn Hòa (Gia Lai) vẫn còn nhiều người nuôi dưỡng voi với số lượng lên đến hàng trăm con, có gia đình sở hữu vài ba con voi.

Con voi ở người Tây Nguyên là biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh vật chất và tinh thần của buôn làng, là niềm tự hào của cả gia đình và bộ tộc.
Những con voi nhà ở Tây Nguyên là biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh vật chất và tinh thần của buôn làng, là niềm tự hào của cả gia đình và dòng họ. (Ảnh Nguyễn Sơn Tùng)

Người Ê Đê nói riêng, đồng bào Tây Nguyên nói chung rất quý trọng con voi, xem nó như một thành viên trong gia đình và cộng đồng. Con voi đối với đồng bào Tây Nguyên là biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh vật chất và tinh thần của buôn làng, là niềm tự hào của cả gia đình và dòng tộc. Do vậy, một con voi trưởng thành được thuần dưỡng có giá trị rất cao, có thể trao đổi hàng chục con trâu hoặc nhiều bộ chiêng, ché quý. Voi được các thành viên ở buôn làng nuôi dưỡng khá chu đáo và thân thiết. Khi còn sống, người ta làm lễ cầu sức khỏe cho voi khá hoành tráng. Khi voi qua đời, đồng bào làm ma cho voi rất long trọng theo phong tục như các thành viên trong buôn làng.

Người M'nông ở huyện Lắk (Đắk Lắk) tổ chức lễ cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: TL
Người M'nông ở huyện Lắk (Đắk Lắk) tổ chức lễ cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: TL

Trong khoảng 30 năm trở lại đây, do nhiều yếu tố tác động nên quần thể voi Tây Nguyên ngày càng bị suy giảm. Số lượng voi nuôi dưỡng ở các buôn làng Tây Nguyên vơi dần theo tháng năm. Để bảo tồn đàn voi nhà, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ chủ voi, hỗ trợ voi sinh sản, chuyển đổi các mô hình ảnh hưởng đến sức khỏe của voi sang mô hình thân thiện với voi. Qua đó nhằm bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ đàn voi nhà.

Bên cạnh voi thì con trâu cũng là vật nuôi phổ biến trong các gia đình đồng bào Tây Nguyên. Đồng bào Tây Nguyên nuôi trâu như một linh vật để hiến tế trong các lễ hội quan trọng hằng năm của cộng đồng và các dòng họ. Trong các lễ hội Pơthi (lễ bỏ mả), lễ mừng nhà rông mới, các lễ hội liên quan đến vòng đời hay lễ hội nông nghiệp…, đồng bào thường dùng con trâu để hiến tế thần linh (gọi là ăn trâu) với những nghi thức thiêng liêng và có sự chuẩn bị công phu.

Con trâu là vật hiến tế thần linh trong các lễ hội của đồng bào Tây Nguyên (Ảnh TL)
Con trâu là vật hiến tế thần linh trong các lễ hội của đồng bào Tây Nguyên (Ảnh TL)

Xuyên suốt trong các cuộc lễ hội ở buôn làng Tây Nguyên, con trâu là linh vật quan trọng, trở thành tâm điểm để mọi thành viên trong cộng đồng quan tâm. Nó là con vật trung gian trong lễ tế để kết nối giữa con người, cộng đồng với các đấng thần linh, là sự tín chấp với các đấng siêu nhiên nhằm cầu cho sự may mắn, ấm no, sức khỏe của các thành viên trong buôn làng.

Con trâu sau khi được hiến tế thần linh, dân làng sẽ sử dụng thịt trâu để chế biến thành thức ăn đãi tất cả các thành viên trong cộng đồng và quan khách. Phần đầu trâu được treo nơi trang trọng trong nhà rông của làng; sừng trâu được chế tác thành nhạc cụ (bộ hơi) hay sử dụng làm tù và hoặc làm vật đựng nước chế vào ché rượu cần khi uống; da trâu được bọc trống sử dụng cùng bộ chiêng trong các lễ hội.

Sừng trâu được đồng bào Tây Nguyên chế tác thành nhạc cụ tù và. (Ảnh Nguyễn Sơn Tùng)
Sừng trâu được đồng bào Tây Nguyên chế tác thành nhạc cụ tù và. (Ảnh Nguyễn Sơn Tùng)

Vì con trâu là biểu tượng tâm linh của các dân tộc ở Tây Nguyên nên ở mái nhà rông người Giẻ Triêng sử dụng biểu tượng cặp sừng trâu cong vút, uy nghi. Người Cơ Tu thường điêu khắc tượng hình đầu trâu trên đầu kèo hay nóc nhà mồ. Và hình ảnh con trâu rất phổ biến trên các bức phù điêu trong nhà rông, nhà làng của các dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, trong các điêu khắc gỗ nhà mồ ở người Ba Na, Gia Rai, người ta còn thấy hình ảnh con khỉ, con chó, con thỏ được dựng quanh nhà mồ cùng với hình tượng con người ở nhiều tư thế khác nhau. Còn trên nóc nhà làng (nhà gươl), cổng làng, nhà mồ của người Cơ Tu (vùng cao Quảng Nam) thường khắc họa trang trọng hình ảnh con chim triing. Theo Tiến sĩ Trần Tấn Vịnh thì người Cơ Tu khắc họa hình chim triing-sứ giả của Thần Lúa, hướng dẫn dân làng tìm vùng đất mới canh tác và lập làng. Chim triing là vật thể hiện cho cái đẹp và thiêng liêng của ngôi nhà làng truyền thống người Cơ Tu.

Triển khai Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tôc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã mang đến những cơ hội mới để các địa phương bảo tồn, phục dựng văn hóa truyền thống; khai thác tiềm năng văn hóa, phát triển du lịch tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.