Những ngày không quên
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 trong cộng đồng, Bắc Giang là địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước và vẫn đang tiếp tục gia tăng. Tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian này đối với nhiều nhà báo là “những ngày không quên”.
Phóng viên Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính, Báo Bắc Giang nhớ lại: Đầu tháng 5/2021, sau khi xuất hiện thông tin về ca bệnh đầu tiên ở xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, dịch đã diễn biến rất nhanh và phức tạp. Sau đó, phóng viên Mai và nhà báo Hoàng Tới được lãnh đạo phân công thực hiện bài viết “Tình người khắp nơi hướng về vùng dịch”. Địa điểm đến tác nghiệp chính là thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên - đây chính là nơi tập trung hơn 7 nghìn công nhân làm việc ở một số doanh nghiệp trong đó có ổ dịch Công ty TNHH Hosiden.
Phóng viên Mai kể, ngay sau nhận nhiệm vụ, 9 giờ sáng, anh em phóng viên băng chốt đến Núi Hiểu, qua hàng chục chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Trên chiếc xe máy cũ, các phóng viên có mặt ở Nhà văn hóa thôn Núi Hiểu, mỗi người hai lớp khẩu trang, trùm chiếc áo chống nắng kín mít (khi ấy bộ đồ bảo hộ thiếu thốn nên các phóng viên phải sử dụng tằn tiện).
Lúc này, tình hình dịch tại đây rất căng thẳng, hàng nghìn công nhân vẫn đang án binh ở các phòng trọ chờ kết quả xét nghiệm Covid-19. “Cũng ở đó, tôi cảm nhận được tình người đáng quý biết bao khi công nhân nhận được hỗ trợ của đông đảo người dân cả nước. Tôi nhớ khi phỏng vấn một công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Quang Châu, chị có nói: "Ở Bắc Giang, tôi chẳng lo bị đói””.
“Tháng 5/2021 - có lẽ sẽ là những ngày tháng không quên với tôi và những đồng nghiệp trong cuộc đời làm báo. Chưa bao giờ đường phố lại vắng vẻ, tiếng ve mùa hè lại rõ ràng đến thế và chưa khi nào cái năng nóng mùa hè làm người ta mỏi mệt đến vậy. Nhưng ở đó, tôi và người dân Bắc Giang hiểu và trân trọng hơn ai hết về sự cố gắng của lực lượng chức năng và toàn xã hội hướng về tâm dịch Bắc Giang. Vì vậy những “chiến sĩ cầm bút” như tôi sẽ cố gắng hơn nữa để góp phần nhỏ bé cùng cả nước chống dịch”, phóng viên Nguyễn Thị Tuyết Mai chia sẻ.
Đối với phóng viên Bùi Tấn Sỹ, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam, từ khi có dịch Covid-19, anh càng bận rộn hơn gấp bội ngày thường. Những lần xa gia đình, băng rừng, lội suối, những bữa cơm vội vàng…anh thường xuyên phải nếm trải. Nhưng nhờ những hy sinh, nỗ lực ấy, mà biết bao những câu chuyện cảm động mùa dịch được anh chuyển tải tới người xem.
Anh Sỹ còn nhớ như in khi nhận được tin nhắn đêm muộn từ một chiến sỹ biên phòng với nội dung kể về những khó khăn trong công tác phòng chống dịch khu vực biên giới. Không chần chừ, anh Sỹ đã cùng một đồng nghiệp đi hơn 200km từ trung tâm tỉnh lỵ đến khu vực cửa khẩu để nắm bắt thông tin, phản ánh.
Sau phóng sự “Khó khăn trên tuyến đầu chống dịch” phát sóng, tỉnh Quảng Nam đã gấp rút đưa một đội hình y tế kiểm dịch lên cửa khẩu và hỗ trợ 4 máy đo thân nhiệt cầm tay, hệ thống phun sát khuẩn…để các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Quyết tâm cao hơn
Và còn nhiều, rất nhiều những đồng nghiệp của chúng tôi đã và đang tác nghiệp trong điều kiện gấp gáp, khó khăn như thế. Những ngày này, nhiều nhà báo vẫn đang phải khoác trên mình những bộ quần áo bảo hộ kín mít để lao vào tâm dịch.
Chúng tôi, những phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển tác nghiệp mùa dịch tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS thì khó khăn, vất vả lại càng nhân lên. Tuy nhiên, càng trong thử thách, chúng tôi lại càng quyết tâm cao hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ. Đã có biết bao hình ảnh ấn tượng về chiến sỹ áo trắng, cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an làm nhiệm vụ nơi biên giới; biết bao hình ảnh chân thực về những khó khăn, vất vả, hy sinh hay những câu chuyện đẹp về tình người, sự đoàn kết, sẻ chia mùa dịch được chúng tôi viết nên…
Có thể thấy, thời gian qua, các nhà báo luôn là lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin chống dịch Covid-19. Trước thực trạng “ma trận” thông tin về dịch bệnh xuất hiện trên mạng xã hội khiến người dân hoang mang, lo lắng thì thông tin báo chí đã cho thấy vai trò quan trọng của mình trong định hướng dư luận xã hội, mang đến thông tin chính thống để người dân bình tĩnh, không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch bệnh.
Thông qua báo chí, người dân không chỉ cập nhật kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng tránh dịch bệnh. Mặt khác, những thông tin tích cực, hành động tử tế, những câu chuyện đẹp trong mùa dịch được báo chí chuyển tải đã mang đến luồng gió mới, sự lạc quan, tinh thần đoàn kết, hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch Covid-19.
“Cuộc chiến” chống dịch Covid-19 vẫn còn nhiều gian nan phía trước, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chúng ta tin tưởng đại dịch sẽ được đẩy lùi. Chúng tôi và các đồng nghiệp làm báo sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân cả nước trong “cuộc chiến” đầy gian nan này.