Giấc mơ 100.000ha rừng FSC
Về Quảng Trị, đi đâu cũng nghe bàn chuyện làm giàu từ trồng rừng FSC. Cũng từ hiệu quả của mô hình rừng FSC ở Quảng Trị, rất nhiều địa phương đã đến Quảng Trị để học tập mô hình trồng rừng này. Và để làm giàu, địa phương không thể duy trì mãi con số 23.000ha rừng FSC như hiện nay mà phải phấn đấu để tăng diện tích rừng này.
Hết tháng 2/2021, diện tích rừng FSC ở Quảng Trị chiếm 12% tổng diện tích rừng loại này của cả nước, tương ứng 23.000ha. Tuy nhiên, Quảng Trị có đến 120.000ha rừng trồng; như vậy, diện tích đạt chứng chỉ FSC vẫn còn rất khiêm tốn.
Việc phát triển nhanh và bền vững rừng FSC, là giải pháp căn cơ để đưa Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu và chế biến gỗ từ rừng trồng ở khu vực miền Trung. Tỉnh đang tập trung xây dựng đề án và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng FSC.
Đồng thời, Quảng Trị khuyến khích các nhóm hộ trồng rừng, chủ rừng tham gia xây dựng chứng chỉ rừng, quản lý rừng bền vững để nâng cao chất lượng rừng. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường sống, phòng chống thiên tai, thích ứng với biên đổi khí hậu.
Giá trị thu nhập từ rừng FSC cao, địa phương đang nỗ lực nâng tổng diện tích rừng FSC trên toàn tỉnh lên 100.000ha để làm giàu cho bà con. Đây vừa là động lực những cũng là thách thức không nhỏ cho Quảng Trị.
Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 42.000 ha rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển được 100.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, tăng gấp hơn 4 lần so với hiện nay.
Thực tế thì, trồng rừng FSC đòi hỏi có chu kỳ từ 9 - 10 năm, rừng gỗ lớn 15 năm; trong khi đó, trồng rừng truyền thống bán gỗ dăm chu kỳ chỉ cần 5 - 7 năm. Người trồng rừng đa số đang khó khăn về kinh tế nên có tình trạng “ăn non”.
Cùng với đó, chi phí thuê chuyên gia tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ FSC định kỳ hằng năm khá cao, nên các hộ gia đình gặp khó khăn về kinh phí. Nhìn từ những khó khăn đấy, để hiện thực hóa giấc mơ 100.000ha rừng FSC vào năm 2030 là điều không dễ dàng.
Tuy nhiên, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vẫn rất lạc quan khi cho rằng, phong trào trồng rừng FSC phát triển kinh tế ở Quảng Trị được chuyển biến tích cực, đặc biệt là nhận thức và phương pháp kinh doanh rừng để tiến tới làm giàu từ sản phẩm lâm nghiệp. Từ chỗ trồng rừng giảm nghèo, nông dân Quảng Trị đã chuyển sang phát triển rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.
Hướng phát triển bền vững
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, để phát triển lâm nghiệp bền vững, hiệu quả và ngày càng nhân rộng mô hình trồng rừng FSC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành Bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam, phù hợp với quốc tế để các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện. Chính phủ sớm ban hành các chính sách khuyến khích người dân đầu tư trồng rừng, phát triển sản xuất;
Đặc biệt, có chính sách phát triển công nghiệp chế biến gỗ từ rừng trồng, ưu đãi về thuế sử dụng đất đối với người trồng rừng kinh doanh gỗ lớn...
Theo khảo sát, diện tích rừng trồng hiện có phục vụ nguyên liệu chế biến gỗ là khoảng trên 86.000ha. Hằng năm, diện tích rừng trồng đưa vào khai thác khoảng 8.000ha-10.000ha, sản lượng gỗ khai thác trên 850.000m3/năm.
Riêng tỉnh sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh và ổn định quy hoạch đất lâm nghiệp theo hướng ưu tiên mở rộng diện tích đất quy hoạch phát triển rừng sản xuất, rừng nguyên liệu.
Ông Hà Sỹ ĐồngPhó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị
Ở thời điểm hiện tại, Quảng Trị có ngành công nghiệp sản xuất gỗ thành phẩm phát triển mạnh và đứng thứ hai cả nước, với 41 nhà máy chế biến gỗ và gần 200 cơ sở kinh doanh chế biến gỗ.
Do vậy, việc phát triển rừng trồng nói chung, rừng gỗ lớn FSC nói riêng ở Quảng Trị, đã tạo ra nguồn nguyên liệu gỗ đảm bảo chất lượng và dồi dào từ 800.000-1triệu/m3/năm để cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến.
Với tiềm năng và lợi thế hiện có đã đưa Quảng Trị trở thành địa phương sản xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ keo lớn của cả nước phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Đồng thời, việc phát triển công nghiệp chế biến gỗ thúc đẩy phát triển trồng rừng, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho các hộ gia đình nông thôn miền núi, góp phần tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thông tin thêm, tỉnh sẽ có hướng chỉ đạo phát triển công nghiệp chế biến gỗ, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển vùng. Tổ chức, cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến gỗ nhằm cân đối giữa nguồn lực sản xuất và nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định.
Bên cạnh đó, tăng cường thông tin thị trường, xử lý thông tin nhanh và dự báo chính xác tình hình cung - cầu, giá cả thị trường, rào cản kỹ thuật thương mại... nhằm giúp doanh nghiệp chủ động hội nhập kinh tế, giảm rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa; phấn đấu tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung...