Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Những bản làng trù phú trên vùng đất Nghĩa Đô: Sắc mới bên dòng Nậm Luông (Bài 2)

Trọng Bảo - 09:28, 22/08/2022

Tự hào truyền thống vùng quê cách mạng, phát huy thành quả từ phong trào xây dựng NTM, đồng bào Tày bên dòng Nậm Luông, xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên, Lào Cai) hôm nay đang ngày một đổi thay. Đặc biệt là tư duy khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, trong đó chú trọng hướng phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn bản sắc văn hóa...

Nhiều nét đẹp trong văn hóa của người Tày đã và đang được bảo tồn
Nhiều nét đẹp trong văn hóa của người Tày đã và đang được bảo tồn

Về với văn hóa người Tày Ngĩa Đô

Phiên chợ quê Nghĩa Đô rất bình dị, bởi những thứ được bà con mang ra bày bán tại chợ là những sản vật do chính bàn tay, sức lao động cần mẫn của bà con tạo ra. Nào là những mớ rau, quả chanh, con cá, con gà, củ khoai trong vườn nhà do bà con trồng, nuôi được; nào là những cây măng đầu mùa lấy trên rừng về, đến những vật dụng được bà con chế tác để dùng, còn lại đem ra chợ bán cho khách kiếm thêm chút thu nhập... Khách du lịch nước ngoài đến đây rất thích được trải nghiệm không gian sinh hoạt văn hóa chợ phiên của vùng đất đồng bào Tày bên suối Nậm Luông…

Không chỉ có chợ phiên, ở Nghĩa Đô còn nhiều điều thu hút du khách. Đó là không gian yên bình, ngát xanh dưới những tán cọ xòe ô, là nơi “lắng sâu điệu dân ca” trong câu hát Then Tày lời cổ; Là sự thân thiện, đón khách như đón người thân đi xa trở về, lâu ngày gặp lại của đồng bào Tày. Người dân Nghĩa Đô vẫn thường xuyên mặc những bộ trang phục truyền thống khi đi làm đồng hay đi chợ ngày chủ nhật;

 Bà Nguyễn Thị San ở bản Nà Khương, một trong những hộ làm dịch vụ Homestay, tạm dừng tay dệt tấm chăn thổ cẩm làm dở cho khách đặt, hồ hởi pha nước trà nóng mời chúng tôi. Bà nói, gia đình lúc nào cũng chuẩn bị đầy đủ chăn nệm, nguyên liệu chế biến các món ăn đặc sắc của người Tày như, món canh cá suối Nậm Luông nấu với vón vén; nộm thịt trâu sấy ốt ết; vịt lam, cá nướng, xôi nhộng cọ…, phục vụ khách du lịch.

 "Tôi và các chị em phụ nữ trong bản cũng đang khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm để duy trì và phát triển nghề dệt chăn thổ cẩm truyền thống. Ngoài ra, cũng đang học hỏi để thiết kế những đồ dùng từ thổ cẩm làm quà tặng cho khách du lịch khi đến Nghĩa Đô", bà San cho biết thêm.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của địa phương, tháng 9/2021, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 3281/QĐ-UBND công nhận xã Nghĩa Đô là điểm du lịch. Từ đây, vùng đất này trở thành một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn mới, nơi lưu giữ các di tích lịch sử - văn hóa, nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch văn hóa phong phú và đa dạng, trong đó nổi bật là bản sắc văn hóa tại các bản làng của người Tày.

Phiên chợ quê Nghĩa Đô, với những sản vật do chính đồng bào sản xuất, hái lượm được luôn hấp dẫn du khách khi đến địa phương
Phiên chợ quê Nghĩa Đô, với những sản vật do chính đồng bào sản xuất, hái lượm được luôn hấp dẫn du khách khi đến địa phương

Nhìn về tương lai

Chia sẻ về định hướng phát triển kinh tế bền vững của địa phương, ông  Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên tâm đắc nói: Tính ra, vùng đất Lào Cai, ngoài hai xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai) và xã Y Tý (huyện Bát Xát), thì cũng chỉ có xã Nghĩa Đô này là có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn phong phú và đa dạng, nổi bật là những bản làng của người Tày với kiến trúc nhà sàn cổ độc đáo, những nếp nhà sàn cột nghiến, cột lý, mái lợp cọ, nhiều ngôi nhà vẫn còn giữ được cầu thang 9 bậc; với khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình với những dòng suối, thác nước, cánh đồng bát ngát, núi non trùng điệp. 

Cùng với những giá trị văn hóa truyền thống, là các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian lưu truyền hàng trăm năm, văn hóa ẩm thực, các di tích lịch sử văn hóa như Thành cổ Nghị Lang, Đồn Nghĩa Đô, di tích "Chiến thắng Nghĩa Đô", ghi dấu một thời chiến đấu quật cường của thế hệ cha ông. 

Ngoài ra, Nghĩa Đô còn nổi danh với giống vịt ngon, cổ chàm xanh biếc. Hiện nay đã được huyện phục tráng giống và quy hoạch ở các bản Kem, Hón, Nà Khương,Thâm Luông để nhân giống nhằm phát triển một vùng nuôi thành hàng hóa… vừa tăng thu nhập vừa phục vụ nhu cầu ẩm thực trong du lịch.

Nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày
Những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô

 Đặc biệt, giờ đây, các tuyến đường giao thông thuận lợi đến Bảo Yên, đi thêm 30 km vào xã Nghĩa Đô đã được rộng mở. Du khách đến vùng đất này không chỉ tham quan, vãn cảnh đền Bảo Hà để đáp ứng nhu cầu tâm linh mà có thể lãng du một miền văn hóa bên dòng Nậm Luông.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô Lý Văn Nội cho biết: Cái cốt lõi, vẫn là vận động người dân khôi phục, phát huy, khai thác giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên gắn với chương trình xây dựng NTM, để tạo ra những sản phẩm du lịch cộng đồng hấp dẫn thu hút du khách đến trải nghiệm, thụ hưởng và cảm nhận những giá trị văn hóa đặc sắc. Xã sẽ hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch, nhằm khai thác tiềm năng về bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường cho phát triển du lịch, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào.

Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, từ khi đạt chuẩn NTM, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Nghĩa Đô tiếp tục bắt tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, đến nay đã hoàn thành 16/18 tiêu chí. Đặc biệt, với sự nỗ lực vươn lên, thu nhập bình quân đầu người của xã đã tăng từ 18,1 triệu đồng/năm 2016, lên hơn 38,6 triệu đồng/năm 2021 (gấp gần 2,13 lần), tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện nay chỉ còn dưới 5%.

Có thể nói, sự kiên cường cùng với nhân dân cả nước trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, với dấu son chói lọi là chiến thắng Nghĩa Đô, đồng bào Nghĩa Đô hôm nay đang phát huy truyền thống cách mạng, vun đắp những giá trị văn hóa; khai thác thế mạnh để tạo nên một miền quê thanh bình, tạo nên sức bật mới trong phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội... tô thắm thêm cho bức tranh nông thôn mới Nghĩa Đô. 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.