Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nhớ núi

Nguyễn Tri Thức - 15:01, 06/07/2021

Thi thoảng lên mạng xã hội lướt chơi, rất hay gặp những người thích xê dịch than phiền cuồng chân cẳng, bởi đã lâu không được đi đâu do "giặc dịch" Covid-19 quái ác hoành hành. Ấy cũng là lẽ thường, bởi có những người lâu lâu không được ra khỏi nhà, ra khỏi phố phường chật chội, sẽ có lúc cảm thấy trạng thái như bị ốm. Tôi không hẳn thuộc diện thích bay nhảy, nhưng đặc thù công việc nên cũng thường di chuyển. Ngày mới ra trường, phận phóng viên mới toe không mối quan hệ, ít kinh nghiệm, kiến thức chưa nhiều nên buộc phải đi xa mới có thể tìm kiếm, phát hiện đề tài mà thi thoảng viết được bài gọi là ra tấm, ra món.

Mảng đề tài về vùng DTTS và miền núi luôn là “mảnh đất vàng” để phóng viên khai thác
Mảng đề tài về vùng DTTS và miền núi luôn là “mảnh đất vàng” để phóng viên khai thác

Cái mảng đề tài về vùng sâu, vùng xa không cần nóng hôi hổi, thông tin tức thì ấy, chính là mảnh đất vàng để cánh trẻ chúng tôi đào xới. Ngày ấy chưa có điện thoại di động phổ biến, nói gì đến mạng mẽo lướt nhoay nhoáy, cập nhật, tìm kiếm thông tin tức thì. Nên những bài báo, kể cả phóng sự hay ghi chép - thể loại được xem là “đại bác” của báo chí thường được ưu tiên sử dụng hơn. Bởi không phải ai cũng có điều kiện đi, đến, thấy, nên bạn đọc cũng khá hào hứng, thích thú khi đọc những bài nửa báo, nửa văn dịu dàng, nhẹ nhàng, lãng đãng, xa xôi về mảnh đất, con người ở những nơi gian khó.

Tôi đặt cho mình mục tiêu, cứ một tháng thì dành ít nhất một tuần đi đi tỉnh, càng xa càng tốt, càng trở ngại, gian nan càng có thể viết được bài có thể đăng tải. Thế nên, chẳng mấy mà tôi đã đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc. Những bài viết về những vùng đất gieo neo, trắc trở, gian khổ, nhọc nhằn trên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống cứ dần xuất hiện. Những xúc cảm, kỷ niệm, ấn tượng, nhớ thương cũng ngày một được đắp bồi, vén vun trở thành tài sản vô giá. Cứ đi thế, nên cách đây vài năm, tôi đã đặt chân đến miền núi khắp cả nước, đến vùng đất “chín rồng” Đồng bằng Sông Cửu Long phì nhiêu; thăm Khu du lịch Núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) ở vùng Thất Sơn (Bảy Núi) - nơi được mệnh danh là “nóc nhà của miền Tây Nam bộ”…

Tất nhiên, không thể thiếu những điểm lần đầu đặt chân đến trên những con đường núi nhỏ hẹp, uốn lượn quanh co khó đi. Như bản Trù Sán (Tre Núi) ở xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) có một con dốc thẳng đứng, cao đến… rơi mũ nếu nhìn lên. Người dân ở đây muốn nuôi bò, phải mua từ lúc nó còn là những chú bê nhỏ xíu đựng vừa trong những chiếc quẩy tấu và bám dây qua dốc địu lên.

Những ngày dịch dã hoành hành nỗi nhớ những chuyến đi, nhớ núi rừng điệp trùng càng thêm chất chứa
Những ngày dịch dã hoành hành nỗi nhớ những chuyến đi, nhớ núi rừng điệp trùng càng thêm chất chứa

Đến với bản Lèng Xảng, xã Ma Né (Đồng Văn, Hà Giang) có lớp học của cô giáo dưới xuôi lên “cắm bản”, để cảm nhận, để lột tả được sự “nhọc nhằn cái chữ lên non”. Đây cũng là tiêu đề của bài báo tôi được đăng trên Báo Lao động. “Chúng tôi chia tay về, Nhẫn đứng ở cửa phòng ở, khuôn mặt buồn thiu, mắt ngân ngấn nước. Tôi không dám nhìn ngoái lại, dù biết rằng, chỉ sau 3 phút xuống dốc, sau một cái ngoặt của con đường nhỏ gấp khúc là ngôi nhà bé tẹo bên lũy tre ấy đã mất hút phía trên cao đỉnh núi…”. Đấy còn là điểm trường lý tưởng của xã, bởi nó gần, dễ đi… nhất. Nhưng, chuyện ấy đã từ năm 1999 rồi…

Những ngày dịch dã hoành hành ngán ngẩm, sự đi lại chợt thành điều xa xỉ. Nỗi nhớ những chuyến đi, nhớ núi rừng điệp trùng càng thêm chất chứa. Nhưng, là mình nhớ núi thế thôi, chứ lên đó mà ở hẳn có lẽ không dám chắc chắn. Chả biết nhiều người quay quắt với núi rừng điệp trùng còn hơn mình, liệu có khác không…

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.