Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhìn lại kết quả đào tạo nghề cho lao động DTTS: Đã đến lúc phải thay đổi phương thức đào tạo (Bài 2)

Thuý Hồng - 09:47, 28/04/2022

Nhìn từ thực tế, công tác đào tạo nghề vẫn chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động hiện nay. Thách thức trong giai đoạn tới là, vừa giải quyết bài toán đảm bảo cung ứng nhân lực cho phục hồi kinh tế - xã hội, vừa phải tạo chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu trình độ đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành...

Cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. (Trong ảnh: Học viên lớp nghề gia công và thiết kế đồ mộc theo tiêu chuẩn Đức tại trường Cao đẳng Nghề Yên Bái)
Cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vùng DTTS. (Trong ảnh: Học viên lớp nghề gia công và thiết kế đồ mộc theo tiêu chuẩn Đức tại trường Cao đẳng Nghề Yên Bái)

Linh hoạt để phù hợp với thực tiễn

Từ thực tế, triển khai Ðề án 1956 thời gian qua cho thấy, bên cạnh những hiệu quả đạt được, đào tạo nghề cho lao động nông thôn có sự không đồng đều giữa các vùng, miền trong cả nước. Việc đào tạo mới tập trung chủ yếu vào đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng, việc đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho lao động nông thôn theo hình thức đặt hàng mới thực hiện thí điểm.

Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ không có nhu cầu; hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới thị trường lao động, cũng là dịp để đánh giá lại chất lượng lao động của các địa phương. Tình trạng người lao động rời bỏ các thành phố lớn, các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất trở lại quê hương, cũng đặt ra bài toán đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động tại các địa phương.

Tại Diễn đàn chính sách quốc gia đối với thanh niên với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên” vào cuối tháng 3 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu vấn đề: Hiện nay, đang có sự “lệch pha” trong định hướng đào tạo nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp giữa hệ thống đào tạo, với nhu cầu thực tế về nhân lực của sự phát triển kinh tế - xã hội và với nhu cầu của người học, thể hiện ở cơ cấu đào tạo, tình trạng thất nghiệp và cấu trúc nguồn nhân lực.

Ông Ðoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An thừa nhận, 65% số lao động Nghệ An đã qua đào tạo, nhưng thực chất có tay nghề chứng chỉ mới được khoảng 25%, khó đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Từ thực tế này, Sở đang tính toán lại, trên cơ sở tăng số lao động làm việc tại địa phương, giảm lao động làm việc ở các tỉnh, với mục tiêu, mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 42.000 lao động. Trong đó, tăng giải quyết lao động trong tỉnh lên 66,2%, lao động đi ngoại tỉnh giảm xuống còn 6,4%, xuất khẩu lao động giảm còn 27,4%, trong đó có tính toán cho số lao động về quê tránh dịch.

Theo ông Vũ, để giải quyết vấn đề này, cần tăng cường phối hợp "ba nhà" (Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp) để đào tạo gắn với nhu cầu lao động. Doanh nghiệp tham gia vào tuyển sinh, xây dựng giáo trình đào tạo, đào tạo và giải quyết việc làm. Khi chất lượng lao động được nâng lên, việc làm bền vững thì người lao động sẽ gắn bó với doanh nghiệp, gắn bó với quê hương.

Hiện nay đang có sự “lệch pha” trong định hướng đào tạo nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp giữa hệ thống đào tạo với nhu cầu thực tế
Hiện nay đang có sự “lệch pha” trong định hướng đào tạo nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp giữa hệ thống đào tạo với nhu cầu thực tế

Nâng cao chất lượng đào tạo theo nhu cầu thị trường

Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, giai đoạn 2021-2025, tổng kinh phí đầu tư công trung hạn phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp là 31.420,703 tỷ đồng.

Theo đó, tổng số vốn đầu tư sẽ được phân bổ vào các chương trình, dự án, tiểu dự án như: Tiểu dự án "Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn" CTMTQG giảm nghèo bền vững là 12.620,703 tỷ đồng; Tiểu dự án "Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi"; "Nâng cao chất lượng cho đào tạo nghề cho người lao động nông thôn" thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới với 4.200 tỷ đồng…

Theo bà Khương Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp thông tin, tổng kinh phí đầu tư công trung hạn phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.

Có thể thấy rằng, mức đầu tư cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng nghèo, vùng khó khăn… là không hề nhỏ. Tuy nhiên, thách thức trong giai đoạn trước mắt là, vừa phải giải quyết bài toán đảm bảo cung ứng nhân lực cho phục hồi kinh tế - xã hội trong tình thế dịch Covid - 19 đang còn tác động mạnh và không sớm kết thúc, vừa phải thực hiện các giải pháp căn cơ, mang tầm chiến lược.

Để tháo gỡ những nút thắt trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các địa phương cần khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Tăng cường mạnh mẽ hơn sự gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp tư vấn hướng nghiệp, đào tạo, giải quyết việc làm trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.

Theo ông Hứa Minh Tuấn, Tổng giám đốc Fclass Việt Nam, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường vô cùng quan trọng. Bởi cơ sở giáo dục là nơi đào tạo lao động, còn doanh nghiệp là nơi sử dụng lao động. Nếu hai bên không liên kết, dễ dẫn đến sự lệch pha cung cầu nguồn nhân lực, doanh nghiệp thiếu lao động mà sinh viên ra trường lại thất nghiệp.

“Sự kết hợp này vừa giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động, vừa làm cơ sở cho học viên của trường học nghề, rèn luyện kỹ năng bằng chính công việc thực tế, trải nghiệm nghề nghiệp ngay trong giai đoạn học tập” ông Tuấn nhận định.

Rõ ràng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vùng nghèo, vùng khó khăn… rất được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, để tạo bước “đột phá” trong công tác đào tạo nghề, việc mở các lớp đào tạo nghề phải dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động và người sử dụng lao động; gắn đào tạo nghề với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, với quy hoạch sản xuất cây trồng, vật nuôi để phát huy thế mạnh của địa phương đang là giải pháp để chuyển hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

 

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.