Năm 2018 và 6 tháng năm 2019, huyện đã đào tạo nghề cho 705 lao động. Trong đó, lao động là người DTTS chiếm trên 60%. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất kinh doanh, điện dân dụng, trồng nấm, nuôi trồng thủy sản và cơ khí. Công tác đào tạo nghề mở ra nhiều hướng đi mới cho bà con DTTS trên địa bàn. Nhiều lao động đã phát triển nghề được học, đem lại thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.
Anh Lý Văn Tảo, dân tộc Dao ở thôn Tông Đình, xã Kim Bình được học lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm từ năm 2017 chia sẻ, từ vốn kiến thức nắm bắt được qua lớp học, lại phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình có đất vườn rộng, nguồn thức ăn sẵn có, anh đã đầu tư 30 triệu đồng và xuống Viện Chăn nuôi (Hà Nội) để mua gà giống. Mỗi lứa, anh duy trì từ 600 con trở lên. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn gà lớn nhanh, phát triển đều và không bị dịch bệnh, chỉ sau 4 tháng có thể xuất bán. Mỗi năm gia đình anh bán được 2 lứa gà, trừ chi phí thu lãi trên 80 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, trong năm 2018, gia đình anh đã thoát nghèo.
Bên cạnh hỗ trợ kiến thức, khi tham gia các lớp học nghề, học viên là người DTTS đã được tạo điều kiện về mọi mặt. Trong đó, có hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Năm 2018, anh Nông Văn Ninh, dân tộc Tày, xã Nhân Lý được học lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Anh Ninh nói, lớp học rất hữu ích vì đã giúp anh và nhiều nông dân trong xã biết sửa chữa, vận hành hiệu quả những loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhờ đó chất lượng, năng suất cây trồng được nâng lên. Vừa qua, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng với lãi xuất thấp để phát triển kinh tế. Nhận thấy nhu cầu thực tế của bà con, anh sẽ đầu tư mở xưởng sửa chữa máy nông nghiệp để phục vụ người dân trong xã.
Bên cạnh đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện còn tổ chức ký kết và phối hợp với các doanh nghiệp, công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh để liên hệ việc làm cho người lao động.
Ông Trần Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện nói, trong quá trình đào tạo, Trung tâm luôn chú trọng đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm tại các khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Bắc Ninh, Thái Nguyên, An Hòa và các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, học viên sau khi ra trường, nhiều người đã có công việc ổn định theo đúng ngành nghề được học. Chị Ma Thị Tình, thôn Ngoan A, xã Xuân Quang bày tỏ, năm 2017 chị đã học nghề May tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện. Sau đó, chị được liên hệ và xin đi làm tại Nhà máy May Tuyên Quang, với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng. Nhờ có thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình chị được nâng lên.
Việc quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối tượng người DTTS ở vùng sâu, vùng xa đã giúp bà con có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định, tăng thu nhập. Từ đó, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.
GIANG LAM