Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

Nhiều trẻ ở vùng núi phía Bắc nhập viện do nhiễm virus RSV

PV - 11:27, 08/10/2018

Thời gian gần đây, nhiều trẻ em ở vùng miền núi phía Bắc phải nhập viện do nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV). Nguyên nhân của tình trạng này là, do virus RSV xuất hiện sớm hơn thường lệ, trong khi đó người dân vẫn rất chủ quan.

virus RSV Thời tiết giao mùa, nhiểu trẻ em đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Xuất hiện bất thường

PGS.TS Lê Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Hơn một tháng nay, số bệnh nhân nhiễm virus RSV có dấu hiệu gia tăng đột biến. Mỗi ngày, chỉ riêng khoa Hô hấp đã tiếp nhận từ 5-10 ca bệnh nặng, tập trung vào nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi. Trong đó, có nhiều trẻ em đến từ khu vực miền núi phía Bắc.

Theo các chuyên gia, virus RSV là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh phát triển mạnh vào mùa đông-xuân, xuân-hè; nhưng năm nay, dịch bệnh xuất hiện sớm hơn so với thông thường. Không chỉ gia tăng mà diễn biến các ca bệnh có chiều hướng phức tạp và nặng hơn. “Nguyên nhân có thể do sự biến đổi thời tiết và biến đổi cấu trúc gen của RSV”, bác sĩ Hạnh nhận định.

Bệnh nhân khi mới nhiễm virus RSV thường có biểu hiện ban đầu là sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, ho nhẹ, nghẹt mũi và viêm tai. Dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng hơn là trẻ trở nên khó thở hoặc thở có tiếng kêu khò khè từ bên trong lồng ngực; không chịu ăn- uống, giấc ngủ chập chờn và hay quấy khóc. Ở trẻ sinh non, trẻ sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi mãn tính, hoặc hệ thống miễn dịch bị tổn hại, virus RSV có thể gây ra các biến chứng đặc biệt nghiêm trọng về đường hô hấp, chẳng hạn như viêm phổi cấp hoặc viêm tiểu phế quản.

Ở trẻ lớn hơn, RSV thường chỉ gây ra cảm lạnh nhẹ. Sau 3-5 ngày, có thể nguy hiểm hơn khi virus RSV lây lan đến phổi. Các biểu hiện thường gặp như: thở nhanh, thở khò khè và ho mạnh; nghiêm trọng hơn, RSV có thể gây viêm thanh quản cấp tính và viêm phổi.

Người dân vẫn chủ quan

Trong khi RSV xuất hiện bất thường, nhiều người dân nhất là ở các vùng miền núi vẫn còn khá chủ quan. Có mặt tại Bệnh viện Nhi trung ương, chúng tôi ghi nhận, hầu như khi bệnh nhân có biểu hiện khá nặng gia đình mới đưa đến viện chữa trị. Điển hình như, bệnh nhân Bùi Thị Hồng (5 tháng tuổi, tỉnh Phú Thọ) đã phải nằm điều trị tại BV Nhi Trung ương gần một tháng nay với các dụng cụ y tế để hỗ trợ đường thở.

Mẹ bé Hồng bơ phờ, mỏi mệt chia sẻ: Cuối tháng 8, thấy bé có những biểu hiện ho húng hắng, sổ mũi và sau đó sốt li bì, rồi bệnh ngày càng nặng hơn. Gia đình đưa bé vào viện, qua thăm khám, làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé Hồng bị viêm phổi cấp, suy hô hấp độ 2 và dương tính với virus RSV. Do suy hô hấp nặng nên bệnh nhi phải thở máy sau đó thở ô-xy và điều trị kháng sinh trong suốt thời gian nằm viện.

Trường hợp của bé Lò Thị Nhi (38 ngày tuổi, tỉnh Sơn La), cũng phải nhập viện trong tình trạng ho khò khè, tim đập nhanh, tổn thương phổi và độ bão hòa ôxy chỉ còn 88% (độ bão hòa ô-xy bình thường từ 96-100%).

Bệnh nhân nhanh chóng được thở ôxy, truyền dịch, chạy khí dung để hỗ trợ đường thở. Kết quả tìm virus ở dịch tụy hầu bằng phương pháp test nhanh cho thấy, bé Nhi dương tính với virus RSV.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bác sĩ Lê thị Hồng Hạnh khuyến cáo: Bệnh do virus RSV gây ra, hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi trẻ mắc bệnh, cần cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt và đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, giàu vitamin… Đồng thời, cha mẹ cần theo dõi sát sao, nhận thấy các dấu hiệu bất thường như trên. Nếu diễn biến ngày càng phức tạp, thì phải đưa trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế kịp thời chữa trị. Đề phòng những trường hợp bội nhiễm phổi phải uống thuốc kháng sinh, truyền dịch, thậm chí hỗ trợ thở ôxy…

Đặc biệt, virus RSV có khả năng lây lan rất nhanh, nếu các gia đình chủ quan không cho con đi khám, không biết con nhiễm bệnh sẽ dễ khiến cho virus này phát tán rộng trong cộng đồng; tránh đưa trẻ tới nơi công cộng, tiếp xúc với những người có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi… “Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn rất quan trọng, bởi virus RSV có thể sống vài giờ trên mặt bàn, ghế, đồ chơi, bàn tay… Các bậc cha mẹ (người chăm sóc trẻ) cũng cần rửa tay sạch sẽ trước khi cho trẻ ăn-uống và đặc biệt tránh thói quen hôn trẻ có thể là mầm mống lây lan virus RSV”, bác sĩ Lê Thị Hồng Hạnh lưu ý thêm.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!