Nhiều điểm đến hấp dẫn với du khách
Trong chuyến hành trình khám phá Cà Mau, Đoàn đã tới thăm khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau. Khu du lịch này có diện tích khoảng 20.100ha, trong đó, khu vực vùng lõi đang được tập trung phát triển có diện tích khoảng 2.100ha. Nơi đây là trung tâm dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng sinh thái rừng ngập mặn, bao gồm các khu chức năng chính: Khu Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch sinh thái rừng biển, Khu du lịch cộng đồng sinh thái làng rừng, Khu du lịch sinh thái làng nghề sản xuất và Khu du lịch tổng hợp Khai Long.
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được mệnh danh là lá phổi xanh của tỉnh Cà Mau. Nơi đây nổi bật với hệ sinh thái rừng ngập mặn, các loài động, thực vật phong phú, đa dạng; khí hậu trong lành cùng cụm đảo Hòn Khoai hoang sơ; văn hóa đời sống sông nước mang đậm bản sắc vùng đất Nam Bộ thể hiện qua lối sống, kiến trúc nhà ở, nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực.
Đến với khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, du khách có thể tham gia tuyến du lịch xuyên rừng; ngắm được mặt trời mọc và lặn trên biển; trải nghiệm khai thác nghêu thương phẩm của Hợp tác xã Nghêu Đất Mũi, ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển; tham gia bắt ba khía về đêm tại Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn, ấp Mũi, xã Đất Mũi…
Cũng trong hành trình, Đoàn công tác đã tới thăm căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước – địa điểm được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2007. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tỉnh Cà Mau đã xây dựng tượng đài và nhà trưng bày bổ sung di tích. Đến năm 2015, di tích được phục dựng thêm các khối nhà: Nhà Bí thư, Hội trường, Nhà họp Ban Thường vụ, Văn phòng, Nhà ăn, Nhà văn thư - đánh máy, Nhà Mã thám, Chốt đội phòng thủ... nhằm tái hiện lại không gian căn cứ xưa trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Đến Cà Mau, du khách cũng có thể tới thăm quan Đầm Thị Tường (còn có tên là Đầm Bà Tường). Đầm nằm giáp ranh giữa 3 huyện Phú Tân, Cái Nước và Trần Văn Thời. Trong đó, diện tích lớn nhất thuộc huyện Phú Tân. Đầm Thị Tường có diện tích mặt nước khoảng 700ha, chiều dài hơn 10km, rộng khoảng 2km, nơi hẹp nhất khoảng 800m, được chia làm 3 đoạn: Đầm trên, Đầm giữa và Đầm dưới. Đầm không sâu nhưng luôn giữ được mực nước trên, dưới 1m.
Lần thứ hai đến du lịch Cà Mau, chị Trịnh Thị Tư (trú tại TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) đánh giá: “Các điểm du lịch của Cà Mau ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, nhưng tôi vấn thấy rõ những nét hoang sơ, không khí trong lành. Về các dịch vụ cung cấp cho khách du lịch cũng đa dạng hơn, về cá nhân tôi cảm thấy khá ổn. Nhất định tôi sẽ đến nơi đây nhiều lần nữa”.
Lan tỏa vẻ đẹp của Cà Mau tới du khách trong và ngoài nước
Trao đổi với báo chí, ông Trần Xuân Trường - Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau) cho biết: "Việc quảng bá, giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch của Cà Mau đã và đang được địa phương rất quan tâm thực hiện. Thông qua tổ chức và dẫn các đoàn Famtrip đến khảo sát, ngành Du lịch tỉnh cũng xác nhận thêm nhiều góp ý và gợi mở hướng khắc phục để Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách”.
Theo ông Trường, cơ quan báo chí, các doanh nghiệp, công ty lữ hành... tham gia các đoàn Famtrip của tỉnh Cà Mau sẽ có góc nhìn đa chiều, qua đó giúp địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá các điểm du lịch trọng tâm, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đến những thị trường trọng điểm.
Tham gia đoàn khảo sát, anh Phan Xuân Phát, Phòng Kinh doanh Công ty Vietravel - Chi nhánh Cà Mau, đánh giá, các địa điểm du lịch của tỉnh là có tiềm năng, giá trị về lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, ẩm thực phong phú…
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa trong cách làm và phát triển các điểm du lịch cộng đồng thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư hạ tầng, đường giao thông, công tác vệ sinh môi trường và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đẩy mạnh liên kết cộng đồng trong phát triển du lịch sinh thái cộng đồng…