Từ ý thức của người dân
Nơi chúng tôi đến đầu tiên là gia đình ông Nguyễn Văn Lực, sinh năm 1940, Người có uy tín thôn 2. Theo lời ông Lực kể, những năm 1950, để tránh nạn thổ phỉ, bà con dạt sang mạn Sơn Động, Bắc Giang. Tới năm 1954, hoà bình lập lại, theo lời kêu gọi của các chi bộ Đảng, người Tày trở về đất xưa nhưng đã chọn vùng thấp hơn để làm ăn sinh sống, hình thành nên xã Dân Chủ. Hiện nay, toàn xã có khoảng 290 hộ, với 1.300 nhân khẩu, trong đó hơn 90% số dân là người dân tộc Tày.
"Trước thì có nhiều ngày lễ ý nghĩa, có nhiều nét độc đáo lắm (Tết Đoan ngọ, Rằm tháng Bảy, Tết Bánh giày, Tết Cơm mới...). Thế nhưng, theo thời gian, rất nhiều phong tục tốt đẹp ấy đã dần dần bị mai một. Những người cao tuổi trong các dòng họ không khỏi tiếc nuối, do chiến tranh loạn lạc, rồi nhiều người chỉ tập trung vào phát triển kinh tế nên có phần xao nhãng tiếp nối văn hoá cha ông”, ông Lực cho biết.
Tuy nhiên, hiện nay kinh tế phát triển hơn, người dân cũng đã từng bước khôi phục lại các ngày lễ, phong tục của dân tộc.Theo lời bà Đinh Thị Dân, thôn 2, phong trào văn nghệ trong thôn đã sôi động hơn trước. Nhiều buổi tối, bà cùng các bà, các chị trong thôn lại cùng nhau đến nhà văn hoá xã để cùng tập hát Then. Người thạo hơn thì dạy lại người chưa rành, ai cũng rất chăm chú học hát then.
“Chúng tôi còn thành lập các tổ rồi cùng nhau học, dần dần khôi phục lại. Những bài nào có tiếng Tày thì thích lắm, đam mê lắm, vì là bản sắc của mình mà", bà Dân hào hứng nói.
Không những vậy, người dân nơi đây cũng tập trung hơn vào việc nấu các món ăn truyền thống, đặc biệt là vào các ngày lễ, Tết. Bà La Thị Mừng, một người dân ở xã chia sẻ thêm: “Mùng 5/5 Tết Đoan ngọ, Rằm tháng Bảy, Tết Bánh giày 10/10. Tôi lớn lên còn nhớ có Tết Cơm mới có nhiều nét độc đáo. Ăn vào tháng 8, chọn ngày con rắn, nấu nồi canh với tôm ốc. Hôm cúng thì ra đồng, tháng 8 lúa hơi cúi thì lấy 3 bông lúa cho vào nồi cơm hấp để cúng. Các món ẩm thực này chúng tôi cũng đang dần khôi phục lại”.
Chính quyền vào cuộc tích cực
Trăn trở khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ là sự mong muốn của người Tày mà còn cả sự quyết tâm của các cấp uỷ, chính quyền xã Dân Chủ. Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết 17 về Xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, câu chuyện về khôi phục, bảo tồn văn hoá người Tày của địa phương càng được quan tâm, chú trọng.
Theo đó, Đảng uỷ xã Dân Chủ cũng đã xây dựng kế hoạch để triển khai rộng rãi. Cụ thể: năm 2023, việc khuyến khích may trang phục Tày được hơn 200 người dân hưởng ứng nhiệt tình, sắc áo chàm tím giúp bà con thêm nổi bật; những CLB sinh hoạt văn hoá, thể thao hát Then cũng được thành lập và mở rộng thu hút cả người Dao, người Kinh cùng tham gia hát Then, đàn Tính, múa Tày...
Bà Hoàng Thị Hồng Nghĩa, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Dân Chủ nhìn nhận, sự đoàn kết và đồng lòng chủ động của đồng bào, là “chìa khoá” để xã Dân Chủ thực hiện tốt Nghị quyết 17, trong đó, có việc bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Tày địa phương.
"Chúng tôi cũng khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống, vì có thể bắt đầu từ trang phục, các em khi mặc sẽ nhân lên lòng tự hào để lưu giữ văn hoá của mình. Khuyến khích các cán bộ, CCVC, đảng viên đi đầu dạy cho con cháu tiếng nói của mình. Chúng tôi cũng đang đề xuất xây Nhà bảo tồn văn hoá Tày để bà con đến sinh hoạt, giao lưu, lưu giữ 1 số vật dụng, phục hồi 1 số nhà dân đi kèm để vừa phát huy bản sắc văn hoá, vừa mang lại thu nhập cho Nhân dân", bà Nghĩa thông tin.
Thành phố Hạ Long cũng đã có Đề án “Hạ Long – thành phố của những lễ hội”, trong đó phục dựng lại lễ hội Cơm mới của người Tày xã Dân Chủ từ năm 2025. Với cách làm, sự chủ động trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Tày nơi thành phố Hạ Long, tin rằng, qua thời gian, việc giữ gìn văn hoá của người Tày nơi đây sẽ tiếp tục lan toả, tạo bản sắc riêng có về văn hoá của vùng đất Hạ Long để thu hút du khách bạn bè trong nước và quốc tế.