Tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có một số điểm mới. Cụ thể, Luật mới đã mở rộng phạm vi điều chỉnh về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy. Quy định này nhằm bao quát đầy đủ các nội dung quy định về phòng, chống ma túy và tránh chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
So với Luật cũ, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ như: Bổ sung khái niệm thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Đây là loại thuốc cần đưa vào hoạt động kiểm soát liên quan đến ma túy, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy từ các loại thuốc này. Tách khái niệm “tội phạm về ma túy” ra khỏi “tệ nạn ma túy” nhằm xác định đúng tính chất của “tội phạm về ma túy” và “tệ nạn ma túy”, vì tệ nạn là hiện tượng xã hội, còn tội phạm là hành vi cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự cần tập trung đấu tranh.
Ngoài ra, Luật còn bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy; hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy; kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.
Về trách nhiệm phòng, chống ma túy, cá nhân, gia đình có trách nhiệm kịp thời thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy và việc trồng cây có chứa chất ma túy cho cơ quan công an hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tham gia xóa bỏ cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức.
Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam, Hải quan… trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm về ma túy tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát.
Về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, luật mới quy định áp dụng biện pháp xử lý theo pháp luật ngay từ lần đầu tiên phát hiện người đó sử dụng trái phép chất ma túy. UBND cấp xã nơi người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú có trách nhiệm tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Nếu xác định cụ thể tình trạng nghiện của đối tượng, thì thực hiện theo các quy định về công tác cai nghiện và áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương.
Người sử dụng trái phép chất ma túy phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình cho Công an cấp xã nơi cư trú, chấp hành việc quản lý của UBND cấp xã.
Về phía gia đình, phải quản lý, giáo dục người sử dụng trái phép chất ma túy; ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; cung cấp thông tin về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người sử dụng trái phép chất ma túy cho Công an cấp xã nơi người đó cư trú; ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể…
Về các biện pháp cai nghiện ma tuý, Luật quy định 2 biện pháp cai nghiện ma túy là cai nghiện ma tuý tự nguyện và cai nghiện ma tuý bắt buộc. Trong đó, biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy. Biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.…
Việc ban hành Luật phòng, chống ma túy 2021 nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008), góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, an ninh, an toàn góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội./.
Ngày 30/3/2021, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy số 72/2021/QH14. Luật gồm 08 chương và 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Để triển khai thi hành Luật có hiệu quả, đi vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 03 Nghị định, Bộ Y tế ban hành 01 Thông tư. Dự án Luật này đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Các quy định của Luật sát với thực tiễn, giúp cho công tác cai nghiện có hiệu quả, qua đó giảm nguồn “cầu” về ma túy.