Đưa điện vào bản khó
Bản Hôi Rấy và bản Nước Đắng thuộc xã vùng biên Trường Sơn, huyện Quảng Ninh tỉnh (Quảng Bình) có 100% dân số là người dân tộc Bru Vân Kiều sinh sống. Để vào được hai bản, tuyến đường sông dài 15km là lựa chọn duy nhất. Cũng vì thế mà đời sống đồng bào Bru Vân Kiều còn nhiều khó khăn, đặc biệt là chưa có điện lưới quốc gia.
Trước những khó khăn đó, Đồn Biên phòng Làng Mô, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình, đã phối hợp và kêu gọi các nhà hảo tâm để xây dựng 2 công trình đường điện thắp sáng, với 40 cột bóng đèn điện năng lượng mặt trời cho hai bản Hôi Rấy và Nước Đắng, với tổng chiều dài 1.250 m, trị giá 100 triệu đồng. Đồng thời, tiến hành lắp đặt 10 bóng năng lượng mặt trời tại các điểm trường của 2 bản, giúp các em học sinh nơi đây đủ ánh sáng học vào mùa Đông.
Bà Nguyễn Thị Phương Trà, đại diện cho nhóm mạnh thường quân hỗ trợ chương trình chia sẻ: Trước những khó khăn của đồng bào DTTS, nhóm của chúng tôi cùng với sự góp sức của nhiều người, đã chung tay hỗ trợ hơn 250 triệu đồng để xây dựng điện năng lượng mặt trời tại bản Hôi Rấy và Nước Đắng.
Từ những tấm lòng của mạnh thường quân góp, cán bộ, chiến sĩ BĐBP trích ngày lương… và sự nỗ lực của chính quyền địa phương, những trụ điện năng lượng mặt trời đã được dựng lên. Hàng trăm ngày công của các chiến sĩ Biên phòng đã đi khảo sát địa điểm dựng cốt, vận chuyển nguyên vật liệu vào bản…
Màn đêm buông xuống, những trục đường ở hai bản Hôi Rấy và Nước Đắng đều có ánh đèn điện chiếu sáng. Sau một ngày lên nương rẫy, đêm đến, đồng bào lại ra đường để vui chơi, trò chuyện, ca hát, còn đám trẻ mang xe đạp ra tập đi, nô đùa vui vẻ. Ánh sáng làm cho bản làng biên giới sôi động hơn trong màn đêm. Một dải biên cương bừng sáng, thế trận lòng dân càng được vũng cố bền chặt.
Cùng với chương trình “Ánh sáng vùng biên” các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô cũng nỗ lực hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Bừng sáng những bản làng
Để những bản làng vùng biên giới được thắp sáng bằng ánh điện, BĐBP tỉnh Quảng Bình cùng các mạnh thường quân, đã và đang ngày đêm tích cực xây dựng những công trình ý nghĩa trong chương trình “Ánh sáng vùng biên”, góp phần bảo đảm được an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng vững chắc thế trận biên phòng toàn dân nơi biên giới
Không chỉ Hôi Rấy và Nước Đắng, các bản Mò O Ồ Ồ, Ón và Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), nơi định cư của đồng bào dân tộc Chứt, đều có ánh đèn điện chiếu sáng. “Trước đây, khi màn đêm buông xuống, bản làng tối đen, buồn lắm, nhà nào cũng đi ngủ sớm. Từ khi được có điện, cả trục đường dọc bản sáng trưng. Bà con lại ra đường vui chơi, qua nhà hàng xóm trò chuyện, xem ti vi, ca hát. Cuộc sống của bà con vui vẻ, đầm ấm hẳn lên”, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ tâm sự.
Cùng với nhiệm vụ bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, Đồn Biên phòng Cà Xèng, đã đồng hành cùng đồng bào Chứt ở địa bàn 2 xã Hóa Sơn và Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) trong phát triển kinh tế. Cuộc sống vật chất, tinh thần của đồng bào đã có nhiều thay đổi. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính nương rẫy của mình.
Rời Thượng Hóa, chúng tôi tiếp tục lên bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, địa bàn do Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo quản lý. Bản Ka Ai cũng là nơi định cư của đồng bào dân tộc Chứt. Cũng như nhiều đơn vị khác, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đã hỗ trợ xây dựng hệ thống điện mặt trời tại tại bản Ka Ai, Ka Vàng, Bãi Dinh (xã Dân Hóa). Hệ thống này dùng pin bằng năng lượng mặt trời, rất tiết kiệm về kinh phí khi khai thác. Kể từ khi có điện mặt trời, đời sống tinh thần của đồng bào Chứt ở đây phong phú lên hẳn. Đồng bào tiếp cận với cuộc sống văn minh, xa rời những hủ tục không còn phù hợp.
Sau gần 2 năm thực hiện, đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình và các đơn vị, đã huy động được 1,6 tỷ đồng và đóng góp hơn 2.000 ngày công để khảo sát, thiết kế, thi công 39 công trình “Ánh sáng vùng biên”, với tổng chiều dài hơn 43km được hoàn thành, mang điện về với 41 thôn, bản, tổ dân phố thuộc 15 xã, phường khu vực biên giới.
Dù giá trị đầu tư của mô hình này so với các chương trình, dự án khác đã và đang được đầu tư tại khu vực biên giới còn khiêm tốn, nhưng mô hình đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống, sinh hoạt thường ngày của đồng bào các DTTS nơi biên giới.