Nhanh chóng hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất
Bão số 3 vừa qua, đã gây ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng tại 26 tỉnh thành phía Bắc. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 27/9, cơn bão số 3 và hoàn lưu gây lũ lụt, sạt lở làm 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương. Thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước ước tính hơn 81 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khoảng 282 nghìn căn nhà, 3.755 trường học, điểm trường bị hư hỏng, tốc mái, bị ngập, vùi lấp; 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; khoảng 5,6 triệu con gia súc, gia cầm bị chết cùng với hạ tầng sản xuất phục vụ chăn nuôi bị hư hỏng nặng.
Tại tỉnh Lào Cai, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại trên 6.640 tỷ đồng. Toàn tỉnh Lào Cai có trên 3.700ha cây trồng hằng năm bị thiệt hại. Cụ thể, cây lúa bị thiệt hại 1.916,2ha; cây ngô 499ha; rau màu 745ha. Ngoài ra, diện tích cây ăn quả lâu năm, cây chuối, cây chè bị ảnh hưởng trên 70% là 71,5ha...
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn bộ 0,2ha diện tích ao cá của gia đình ông Vàng Văn Tám, dân tộc Giáy, xã Quang Kim, huyện Bát Xát với hàng tấn cá trắm, cá rô chuẩn bị cho thu hoạch của đã bị lũ cuốn trôi. Theo ông Tám, do bão lũ, bùn đất bồi vào ao nên phải mất rất nhiều công sức, thời gian để nạo vét, tẩy trùng ao nuôi thì mới có thể thả cá lại.
Còn hộ gia đình ông Bùi Đức Mạnh, ở thôn Quyết Tâm, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai có gần 500 gốc na đã cho thu hoạch cũng bị mất trắng. Sau đợt mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 vừa qua, toàn bộ diện tích na của gia đình đã bị chết hết do ngập úng nước lâu ngày gây thiệt hại nặng nề.
Để giúp người dân khôi phục sản xuất, UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ các loại giống cây trồng để tỉnh kịp thời hỗ trợ nông dân triển khai vụ Đông, khôi phục sản xuất sau bão, lũ. Ngày 28/9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định 1053 xuất cấp hạt giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Lào Cai khôi phục sản xuất do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Còn tại tỉnh Quảng Ninh, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại về tài sản khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong đó lâm nghiệp, thủy sản và trồng trọt bị thiệt hại hơn 14.000 tỷ đồng, chiếm 55% tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh.
Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Tân An (Quảng Ninh) cho biết: Cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp. Gần 4.000 tấn hàu gần cho thu hoạch không còn con nào. Theo ông Dũng, mùa Đông đang đến gần, nếu nuôi thủy sản chậm thì khả năng tăng trưởng của vật nuôi gần như không có. Nếu không tranh thủ được thời gian này để tái sản xuất thì rủi ro, thiệt hại càng lớn.
Ông Ngô Hùng Dũng cũng kiến nghị, cơ quan chức năng cần nhanh chóng hỗ trợ cho Nhân dân các giống nuôi ngắn ngày như: rong, hàu, hay một số loại cá biển cho Nhân dân để tạo sinh kế sớm nhất.
Cấp thiết sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách hỗ trợ nông dân
Để khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh.
Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10 năm 2024; một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.
Theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, nguyên tắc hỗ trợ là Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại). Đồng thời, sẽ thực hiện hỗ trợ kịp thời, trực tiếp bằng tiền hoặc bằng giống cây, con, hiện vật.
Tuy nhiên, qua báo cáo của các địa phương và các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khi áp dụng Nghị định 02 đã phát sinh những tồn tại, bất cập và cần có những sửa đổi, bổ sung kịp thời. Điển hình, về mức hỗ trợ, đối với cây trồng, mức hỗ trợ quá thấp. Ví dụ, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha lúa bị thiệt hại trên 70%, tương đương 72.000 đồng/sào. Một số loại cây trồng như cây dược liệu, hoa, cây cảnh…, nhất là cây trồng hằng năm (chuối, dứa, sắn…) chưa được quy định dẫn tới khó khăn trong công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất; chưa có quy định về hỗ trợ diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp, sạt lở; chưa quy định hỗ trợ với sản xuất công nghệ cao, nhà kính…
Được biết, hiện nay Ngành Nông nghiệp đang nhanh chóng, tích cực hoàn thiện, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP để tăng mức hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để hỗ trợ bà con nông dân sớm khôi phục sản xuất. Bộ NN&PTNT đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương nhằm góp ý cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP.
Theo bà Ngô Thị Tuyết – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) thông tin, để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn và những thay đổi của các quy định pháp luật có liên quan, Bộ NN&PTNT đã và đang tích cực khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ nghị định thay thế Nghị định 02/2017/NĐ-CP.
Theo dự thảo Nghị định, mức hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức kinh tế bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh có sự điều chỉnh tăng thêm đáng kể so với các quy định trước đây. Ví dụ, mức hỗ trợ cho gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 15.000 - 30.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 31.000 - 45.000 đồng/con. Đối với lúa, tại dự thảo Nghị định đã quy định tăng, sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đối với thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 5 triệu đồng/ha đối vợi thiệt hại từ 30% - 70%...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có các giải pháp của ngành Ngân hàng nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với các món vay bị ảnh hưởng, phát sinh nợ đến hạn từ tháng 9/2024...
Các chính sách hỗ trợ, miễn, giảm và hoãn các loại thuế, phí... là những biện pháp cấp bách mà Chính phủ triển khai. Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương cần rốt ráo triển khai các giải pháp để giúp người dân, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao nhất cho cả năm.