Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Nhìn lại công tác đào tạo nghề (Bài 6)

Sỹ Hào - 14:06, 02/12/2024

Cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ IV theo phiếu xã bổ sung thêm nhiệm vụ thu thập thông tin về số lượng cơ sở dạy nghề tại xã/phường/thị trấn tính đến ngày 01/7/2024. Cùng với việc thu thập thực trạng trình độ của lao động theo phiếu hộ thì thông tin về cơ sở dạy nghề đưa ra bộ dữ liệu quan trọng để nhìn lại công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động người DTTS.

Mặc dù công tác dạy nghề đã có bước đột phá (về số lượng), nhưng tỷ lệ LĐ nông thôn qua đào tạo, có chứng chỉ vẫn rất thấp so với lực lượng LĐ hiện có; LĐ người DTTS chủ yếu học nghề nông nghiệp. (Trong ảnh: Giảng viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu hướng dẫn người dân trồng chanh leo)
Mặc dù công tác dạy nghề đã có bước đột phá (về số lượng), nhưng tỷ lệ LĐ nông thôn qua đào tạo, có chứng chỉ vẫn rất thấp so với lực lượng LĐ hiện có; LĐ người DTTS chủ yếu học nghề nông nghiệp. (Trong ảnh: Giảng viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu hướng dẫn người dân trồng chanh leo)

Tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn thấp

Những năm qua, với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lao động (LĐ) nông thôn, LĐ người DTTS đã được học nghề; nhiều LĐ sau khi được đào tạo nghề đã có sinh kế ổn định, góp phần thúc đẩy chuyển dịch kinh tế ở nông thôn, miền núi.

Riêng trong năm 2023, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước đã tuyển mới được 2,295 triệu LĐ tham gia học nghề, đạt 100% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, trình độ cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) tuyển sinh được 530 nghìn người; trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo nghề khác tuyển sinh được 1,765 triệu người.

Ước tính cả năm 2023, số học sinh tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề là 2,043 triệu người, đạt 100% mục tiêu đề ra. Trong đó, trình độ CĐ và TC là 346 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 1,697 triệu người. Đây là kết quả khá ấn tượng trong lĩnh vực đào tạo nghề.

Phần lớn LĐ người DTTS chủ yếu sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Mông ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương được giao đất nông nghiệp để sản xuất)
Phần lớn LĐ người DTTS chủ yếu sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Mông ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương được giao đất nông nghiệp để sản xuất)

Trước đó, trong 10 năm (2012 – 2022), thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho LĐ nông thôn, cả nước có gần 10 triệu LĐ ở nông thôn được học nghề; trong đó, gần 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề.

Mặc dù công tác dạy nghề, đã có bước đột phá (về số lượng), nhưng tỷ lệ LĐ nông thôn qua đào tạo, có chứng chỉ vẫn rất thấp so với lực lượng LĐ hiện có. Năm 2023, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lực lượng LĐ của cả nước là 52,4 triệu người, nhưng tỷ lệ qua đào tạo mới đạt 27%, tương ứng 14,1 triệu người.

Vị chi, tính đến cuối năm 2023, cả nước vẫn còn 83% LĐ chưa qua đào tạo, tương ứng với 38,3 triệu người. Đại đa số LĐ chưa qua đào tạo đều ở nông thôn, LĐ người DTTS.

Đại đa số chưa qua đào tạo nên lao động DTTS chủ yếu làm việc đơn giản, thu nhập thấp”.
ĐBQH Trần Nhật Minh
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Ngày 27/11/2024, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cho ý kiến vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Nhật Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho hay, theo kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 DTTS năm 2019, cả nước có gần 4 triệu LĐ người DTTS; nhưng tỷ lệ qua đào tạo nghề chỉ chiếm khoảng 3%; tương đương khoảng 120 nghìn LĐ.

“Hiện nay, ở Trung du, miền núi phía Bắc, bình quân trong 100 LĐ chỉ có 19 người đã qua đào tạo (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học); Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp hơn, trong 100 LĐ thì chỉ có 13 - 16 LĐ đã qua đào tạo”, đại biểu Minh nói.

Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật Việc làm (sửa đổi) cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách để phát triển nguồn nhân lực DTTS nhằm giải quyết việc làm và tạo việc làm bền vững thông qua chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề dành cho đồng bào DTTS.

Rà soát cơ sở đào tạo nghề

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) đặt mục tiêu đến năm 2025 có 50% LĐ người DTTS trong độ tuổi (tương ứng khoảng 2 triệu LĐ) được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện LĐ và đặc thù của địa phương.

Chiếu theo kết quả điều thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 DTTS năm 2019 (mới có 3% LĐ qua đào tạo, tương ứng khoảng 120 nghìn người) thì trong giai đoạn 2021 – 2025, bình quân mỗi năm phải có khoảng trên 400 nghìn LĐ người DTTS được đào tạo, tương ứng tỷ lệ trên 9%/năm.

Nhiều Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã xuống cấp, chưa được đầu tư. (Trong ảnh: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện o Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa)
Nhiều Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã xuống cấp, chưa được đầu tư. (Trong ảnh: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện ở Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa)

Nhiệm vụ này là rất khó thực hiện. Báo cáo việc làm năm 2023 của Tổng cục Thống kê  đã cho thấy rõ điều này. Hết năm 2023, tỷ lệ LĐ qua đào tạo chỉ đạt 27%, tăng 0,6% so với năm 2022 (26,4%).

Một trong những hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, LĐ người DTTS hiện nay là số lượng cơ sở dạy nghề còn thiếu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12/2023, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: 339 trường cao đẳng; 429 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.

Ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có ít trường nghề, trung tâm dạy nghề. Vì thế, người dân ở vùng này khó được đào tạo nghề mà về vùng đô thị học lại không được hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719”.
Phan Thái BìnhĐBQH Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Không chỉ thiếu về số lượng mà cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các cơ sở đào tạo nghề, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi không đáp ứng được điều kiện đào tạo. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dạy nghề cho LĐ nông thôn, LĐ người DTTS.

Theo ĐBQH Sùng A Lềnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai), trong Chương trình MTQG 1719, các Trường Cao đẳng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục thường xuyên cấp huyện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc đối tượng đầu tư thuộc Tiểu dự án 3 của Dự án 5.

“Tuy nhiên, địa điểm các cơ sở dạy nghề này thường không đặt ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, nên theo quy định, không được đầu tư. Do đó, cần thiết phải bổ sung các cơ sở này vào danh mục đầu tư, tạo điều kiện để các địa phương thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình”, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị.

Đây cũng là ý kiến của nhiều ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khi cho ý kiến vào tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719 của Chính phủ.

Để nâng cao chất lượng LĐ vùng đồng bào DTTS và miền núi thì công tác hướng nghiệp cho học sinh DTTS có vai trò quan trọng. (Ảnh minh họa)
Để nâng cao chất lượng LĐ vùng đồng bào DTTS và miền núi thì công tác hướng nghiệp cho học sinh DTTS có vai trò quan trọng. (Ảnh minh họa)

Đề xuất điều chỉnh một số đối tượng đầu tư thuộc Chương trình MTQG 1719 của Chính phủ, đã được Quốc hội khóa XV thông qua trong Nghị quyết số 142/2024/QH15, ngày 29/6/2024. Hiện Ủy ban Dân tộc đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719 để Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định.

Trong điều kiện các cơ sở dạy nghề ở vùng đồng bào DTTS và miền núi (trụ sở không đóng ở địa bàn đặc biệt khó khăn) được đưa vào diện đầu tư của Chương trình MTQG 1719 thì đây là cơ hội để thúc đẩy công tác dạy nghề cho LĐ nông thôn, LĐ người DTTS trong thời gian tới.

Do đó, việc thu thập thông tin về số cơ sở dạy nghề ở các xã/phường thị trấn trong cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 là bước chuẩn bị, tạo cơ sở để xây dựng các đề án đầu tư, nâng cấp các cơ sở dạy nghề từ vốn Chương trình MTQG 1719.

Trong Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 10/7/2024 về đổi mới công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Ban Bí thư yêu cầu, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền nghiên cứu, triển khai chương trình, ban hành chính sách đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2030; tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho LĐ thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người DTTS, người khuyết tật.

Tin cùng chuyên mục
Ban Chỉ đạo 202 Bộ Quốc phòng kiểm tra, giám sát các dự án thành phần trong Chương trình MTQG 1719 tại BĐBP tỉnh Sóc Trăng

Ban Chỉ đạo 202 Bộ Quốc phòng kiểm tra, giám sát các dự án thành phần trong Chương trình MTQG 1719 tại BĐBP tỉnh Sóc Trăng

Ngày 11/12, tại cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sóc Trăng, Tổ công tác Ban Chỉ đạo 202 Bộ Quốc phòng do Đại tá Lê Thành Công - Trưởng phòng Kinh tế sự nghiệp Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các nội dung, dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 - 2023 và tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2024 - 2025 của đơn vị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng.