Hồi sinh vùng đất “khát”
Ngôi làng Hrach (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) nằm nép mình dưới chân núi Bok Ưng hùng vĩ. Năm 2000, làng được thành lập với 35 hộ người Ba Na. 20 năm qua, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn vì khan hiếm nguồn nước. Vì vậy, dân làng chủ yếu trông chờ “nước trời” và lấy nước từ dòng suối Đak Vệ ở cách làng hơn 2 cây số. Vào mùa khô, suối Đak Vệ cạn trơ đáy, ruộng đồng nứt nẻ, cây lúa rẫy cũng héo mòn, cái nghèo cứ theo mãi.
Trong căn nhà sàn nhỏ cuối làng, chàng trai Đinh Hmach bao đêm thao thức, trăn trở. Đã ngoài 30 tuổi, Hmach chưa một lần thấy hạt lúa đầy gùi. Anh chợt nghĩ: “Nếu tìm được nguồn nước thì sẽ đủ gạo ăn quanh năm”. Nghĩ là làm, Hmach rời làng lên đỉnh núi Bok Ưng đi tìm nguồn nước. Dưới cái nắng như đổ lửa, Hmach hì hục cuốc đất, đào mương dẫn nước. Bằng quyết tâm và sự kiên trì bền bỉ, cuối cùng đường ống dẫn dài gần 3km đã được hình thành và con nước rẽ dòng theo anh Hmach về tận hiên nhà, chân ruộng.
Đầu năm 2021, người làng Hrach vỡ òa sung sướng đón tin vui - chỉ sau một mùa trăng, anh Hmach đã dẫn thành công nguồn nước mát từ đỉnh Bok Ưng xuống chân núi cạnh làng. Đồng thời, Hmach bàn với vợ bán tài sản quý giá nhất là 1 con bò để mua đường ống dẫn nước và xây bể chứa.
Từ ngày có nước, thay vì trồng lúa rẫy như lâu nay, gia đình anh Hmach tiên phong trồng lúa nước. Lúc đầu 2 sào rồi lên 4 sào và hiện tại anh đã có 6 sào lúa nước. Thấy cây lúa nước tươi tốt, cho năng suất cao, dân làng dần dần học và làm theo anh Hmach.
"Nhờ có dòng nước mát do Hmach dẫn về, cây lúa nhà tôi được mùa tươi tốt, trĩu bông. Chị em phụ nữ trong làng không còn vất vả mang gùi đi lấy nước ở xa về nữa. Mọi người tha hồ tắm mát, không lo bị thiếu nước. Ai cũng vui mừng, cám ơn anh Hmach rất nhiều", chị Đinh Thị Cơch vui mừng chia sẻ.
Không để lãng phí nguồn nước này, anh Hmach hướng dẫn bà con đào đường mương dẫn nước về rẫy, ruộng lân cận để trồng thêm cây chuối, bắp. Hiện làng có 103 hộ canh tác khoảng 15ha ruộng lúa nước 1 vụ, năng suất đạt 50 tạ/ha.
Nói về anh Hmach, ông Khương Đình Huy, Chủ tịch UBND xã Chư Krêy, cho hay: “Anh Hmach là một trong những người đi đầu trong thực hiện cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm" trong vùng đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ có anh Đinh Hmach dẫn nước về đã thay đổi đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2023, làng chỉ còn 62 hộ nghèo. "Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con trồng lúa nước, phấn đấu làm lúa 2 vụ để cùng nhau thoát nghèo. Chính quyền xã sẽ hỗ trợ về giống và kỹ thuật để mô hình trồng lúa nước của anh Hmach đạt hiệu quả cao, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn”.
Ngày thu hoạch lúa đã đến, gái trai trong làng vui mừng rạng rỡ, tiếng công nông chở lúa vang khắp chân núi. Ôm bó lúa trĩu bông, anh Hmach bộc bạch: “Tôi mừng đến rơi nước mắt khi tìm thấy dòng nước trong xanh từ lòng núi. Chúng tôi luôn mong muốn được tham dự nhiều lớp tập huấn để học hỏi thêm về khoa học kỹ thuật. Tôi tin rằng, bà con làng Hrach sẽ dần thoát nghèo, cuộc sống ngày một ấm no”.
Trọn tình yêu với miền biên viễn
Đó là câu chuyện về Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, huyện Chư Prông (Gia Lai) Nguyễn Tuấn Anh. 20 năm thanh xuân cũng là thời gian anh gắn bó với vùng biên viễn, cũng chỉ bởi tinh thần trách nhiệm và những trăn trở của người cán bộ, đảng viên trước khó khăn của người dân.
3 năm đầu về công tác tại xã, anh xin ở nhờ nhà dân và học tiếng Gia Rai để thuận tiện hơn trong công tác tuyên truyền, vận động. Mỗi làng, anh xin ở nhờ vài ngày. Năm 2006, anh quyết định mua đất, dựng ngôi nhà cấp 4 gần trụ sở UBND xã để tiện cho việc sinh hoạt và gắn bó dài lâu với vùng đất này.
Anh Tuấn Anh còn nhớ, hơn 10 năm về trước, để nhường quỹ đất xây dựng công trình thủy lợi Ia Mơ, anh đã tích cực vận động, tạo sự đồng thuận của 143 hộ dân thuộc làng H’Náp và làng Khôi di dời về nơi ở mới.
“Trong quá trình tuyên truyền, vận động, chúng tôi xác định phải kiên trì, tuyệt đối không nóng vội. Phải để người dân hiểu được chủ trương, chính sách và sự đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS; cũng như giá trị công trình thủy lợi mang lại. Chỉ khi hiểu ra, bà con mới tự nguyện và chúng tôi đã làm được”, anh Tuấn Anh cho hay.
Ngoài ra, để người dân có kiến thức, kỹ năng và niềm tin trong việc chuyển đổi diện tích lúa rẫy sang trồng lúa nước, anh Nguyễn Tuấn Anh cùng với Phó Bí thư Đảng ủy xã Nông Văn Hoàng cùng “xắn quần lội ruộng” triển khai mô hình điểm ngay khi một vài chân ruộng có nước.
Theo đó, năm 2021, 2 anh đã mượn 1,5ha đất trống của người dân gần nhánh kênh của công trình thủy lợi Ia Mơr và vận động thêm 10 hộ có ruộng liền kề cùng tham gia. Mặc dù nguồn nước chưa ổn định, song năng suất bình quân vẫn đạt 6 tấn lúa tươi/ha.
Tiếp nối mô hình điểm của 2 cán bộ xã, vụ mùa 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình điểm trên diện tích 10ha về sản xuất lúa nước theo quy trình làm đất, gieo sạ, sử dụng giống lúa ngắn ngày chất lượng cao tại làng Klăh.
Đây được xem là bước đột phá, làm thay đổi đời sống lẫn diện mạo nông thôn ở vùng biên Ia Mơ. 100% hộ dân có đất canh tác gần các nhánh kênh mương đều đã chủ động chuyển sang trồng lúa nước 2 vụ. Đời sống của người dân nhờ thế cũng có nhiều chuyển biến; số hộ nghèo giảm từ 19,53% (đầu năm 2023) xuống còn 15,18%.
Già làng Krông Ksor H’Blâm ngợi khen: “Từ trước đến nay chưa có cán bộ nào từ nơi khác đến mà gắn bó với xã, với làng lâu như thế, tận tình như thế. Cán bộ Tuấn Anh hòa đồng, gần gũi, không ngại khó, ngại bẩn để giúp đỡ bà con. Bà con luôn tin tưởng, yêu quý và muốn cán bộ Tuấn Anh ở mãi với buôn làng của mình”.
Giờ đây, trong những ngày lễ, hội mừng lúa mới, bên bếp lửa nhà Rông bập bùng, chuyện về Đinh Hmach đào mương dẫn nước để hồi sinh vùng đất khát của đồng bào Ba Na; hay Phó Chủ tịch xã Tuấn Anh dành trọn thanh xuân với đồng bào Gia Rai, vẫn luôn được người dân nhắc nhớ. Để từ đó, bà con chung sức, phấn đấu vì sự phát triển của buôn làng.