Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người tạo nên thương hiệu gạo A Sanh

Ngọc Thu - 11:09, 28/04/2022

Với giống lúa JO2 năng suất cao, gạo thơm ngon, anh Ksor Tư (làng Jút 1, xã Ia Der, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã thành lập tổ hợp tác (THT) sản xuất gạo đặc sản mang thương hiệu gạo A Sanh. Qua đó, giúp đồng bào Gia Rai thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất lúa, phát triển kinh tế bền vững.

Anh Ksor Tư (đứng thứ hai từ phải qua) làm Chủ nhiệm THT Nông nghiệp và Dịch vụ xã Ia Dêr với 42 thành viên
Anh Ksor Tư (đứng thứ hai từ phải qua) cùng các thành viên THT kiểm tra lúa J02

Từ giống lúa mới JO2

Là người Gia Rai, anh Ksor Tư hiểu rõ tập quán canh tác lúa truyền thống của đồng bào mình còn hạn chế, vất vả nhưng mang lại hiệu quả không cao. “Làm thế nào để thay đổi phương thức sản xuất giúp người dân thoát nghèo?”, chính là điều anh luôn canh cánh trong lòng.

Năm 2019, huyện Ia Grai triển khai mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao (giống JO2) tại các xã, trong đó xã Ia Dêr có 30 ha. Nắm bắt cơ hội này, anh Ksor Tư đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng, thành lập tổ hợp tác (THT) sản xuất gạo đặc sản mang thương hiệu gạo A Sanh-tên vị Anh hùng lái đò trên sông Pô Cô của quê hương mình.

Tháng 11/2020, THT Nông nghiệp và Dịch vụ xã Ia Dêr, do anh Ksor Tư làm Chủ nhiệm được thành lập, với 42 thành viên. Từ đây, anh thỏa sức thực hiện điều mình luôn mong mỏi.

Anh Ksor Tư cùng ra đồng với dân làng để hướng dẫn bà con trồng lúa, xây dựng thương hiệu gạo A Sanh
Anh Ksor Tư trực tiếp xuống đồng, hướng dẫn bà con gieo cấy lúa, thu hoạch lúa, xây dựng thương hiệu gạo A Sanh

Anh Ksor Tư kể: “Ban đầu, việc thu mua lúa gặp khó khăn, bởi suy nghĩ của bà con người địa phương thường để dành lúa. Để bà con tin tưởng và làm theo mình, anh cùng các thành viên THT đề xuất cán bộ xã, già làng, thôn trưởng cùng tuyên truyền, vận động bà con thay đổi cách làm, nâng tầm hạt gạo mình thành thương hiệu chất lượng cao để có giá thành ổn định. Lâu dần, bà con cũng hiểu và đồng thuận tham gia sản xuất lúa gạo thương phẩm.

Mặt khác, anh Ksor Tư đã cùng bà con áp dụng giống lúa mới JO2, canh tác theo kỹ thuật do cán bộ nông nghiệp hướng dẫn. Đồng thời, mở rộng vùng sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm gạo sạch cho người tiêu dùng, thông qua cầu nối là THT sản xuất gạo đặc sản mang thương hiệu gạo A Sanh.

Anh Ksor Tư người đưa gạo A Sanh ra thị trường đến với người tiêu dùng
Anh Ksor Tư, người tạo nên thương hiệu gạo A Sanh trên thị trường

Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ đã dần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, giúp họ chuyên nghiệp hơn trong việc sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững có giá trị kinh tế cao.

Ông Rcom Nghlut, làng Brang 1, xã Ia Dêr cho biết: “Được là thành viên của THT Nông nghiệp và Dịch vụ mình thấy rất vui, mình được hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, phân bón. Sau đó, mình triển khai mô hình trồng giống lúa mới cho tốt, tạo điều kiện cho các hộ trong làng thực hiện theo. Với diện tích 2 sào giống lúa JO2 đã đạt năng suất hơn 30% so với giống lúa thường trong cùng diện tích. Sau 3 năm canh tác lúa JO2, cùng xây dựng thương hiệu gạo A Sanh, đã giúp gia đình mình có thêm tiền để sắm sửa, trang trải thêm sinh hoạt gia đình”.

Gạo A Sanh đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là cơ hội lớn để thương hiệu gạo của người Gia Rai vươn xa hơn
Gạo A Sanh đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, là cơ hội lớn để thương hiệu gạo của người Gia Rai vươn xa hơn

Chắp cánh thương hiệu gạo A Sanh

Với ưu điểm vượt trội về tính thích ứng với nhiều điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng; khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, giống lúa JO2 cho năng suất cao 7 tạ/sào với giá 20 ngàn đồng/ký gạo. Thương hiệu gạo A Sanh từ giống lúa JO2, đang từng bước phát triển quy mô và thị trường tiêu thụ ra các tỉnh thành lân cận. Từ đó, được kỳ vọng là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa của bà con nơi đây.

Anh Ksor Tư phấn khởi chia sẻ: “Sau này, không chỉ là JO2, chúng tôi sẽ tiếp các giống cây khác, đảm bảo năng suất chất lượng cao nhất để mang lại lợi nhuận cho người dân xã nhà. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên kết thêm các vùng khác đang triển khai giống JO2 để đáp ứng nguồn cung - cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh”.

Gạo A Sanh được trưng bán tại Hội chợ Nông sản an toàn năm 2020
Gạo A Sanh được trưng bày và bán tại Hội chợ Nông sản an toàn năm 2020

Giờ đây, bà con đã bắt nhịp với cách làm mới, cuộc sống dân làng Gia Rai nơi đây ngày càng no ấm, cùng nhau phát triển thương hiệu gạo A Sanh, đặc sản địa phương. Năm 2021, gạo A Sanh đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh trong sự vui mừng và tự hào của người dân. Đây cũng là tín hiệu vui, cơ hội lớn để thương hiệu gạo của người Gia Rai nơi đây vươn xa hơn.

Ông Puih Plí, Chủ tịch UBND xã Ia Dêr cho biết: Anh Ksor Tư là người có công rất lớn trong việc vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để thoát nghèo. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi cùng anh Ksor Tư và các thành viên trong THT tiếp tục huy động người dân trồng lúa JO2 đặc trưng. Đồng thời, nâng cấp bao bì, thương hiệu gạo A Sanh đạt sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng.

“Đến năm 2025, xã chủ trương mở rộng diện tích lúa JO2 lên 200 ha (tính cả 2 vụ) để đảm bảo nguyên liệu chế biến gạo, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương”, Chủ tịch xã Puih Plí cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.