Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nắng vàng nhuộm màu lúa rẫy Ba Chăm

Thùy Dung - 12:11, 02/02/2022

Từ hạt gạo địa phương, bao thế kỷ nuôi lớn nhiều thế hệ người Ba Na, hôm nay những nông dân huyện Mang Yang (Gia Lai), từng bước cải tạo nâng cao chất lượng gạo Ba Chăm trở thành đặc sản, thế mạnh nông sản địa phương. Cuối năm 2020, sản phẩm gạo Ba Chăm “Mang Yang” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ hội để nông dân khai thác, phát triển đặc sản tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, hướng tới những mùa Xuân ấm no.

Khi gạo Ba Chăm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý là tiền đề để người dân phát triển kinh tế, hướng đến những mùa Xuân ấm no.
Khi gạo Ba Chăm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý là tiền đề để người dân phát triển kinh tế, hướng đến những mùa Xuân ấm no.

Xuân về trên những cánh đồng

Chúng tôi về thăm cánh đồng thung lũng xã Đắk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đúng vào thời điểm nông dân đang vào mùa thu hoạch. Dưới ánh nắng vàng nhuộm màu lúa rẫy, già Hlônh ở làng Đắk Pớt (xã Đắk Trôi) chia sẻ: Dân tộc Ba Na mình trước nay chỉ canh tác lúa một vụ. Giống lúa canh tác là lúa Ba Chăm. “Ba” theo tiếng Ba Na có nghĩa là “lúa”, còn Chăm tức là người dân tộc Chăm. Già cũng chỉ được nghe kể lại rằng, đây là giống lúa thời kháng chiến, được các cán bộ đưa từ Phú Yên, Bình Định đưa lên canh tác và được người dân gìn giữ cho đến nay.

Cách ruộng nhà già Hlônh không xa, là ruộng của gia đình nhà chị Trenh. Chị Trenh chia sẻ: Gạo Ba Chăm có mặt trong từng bữa cơm gia đình, là món cơm nắm mang đi mỗi lần lên rẫy và cũng là thức quà gửi những người con đi làm xa xứ. Mình gắn bó với đồng ruộng đã gần chục năm, nhưng cũng chỉ canh tác duy nhất giống lúa này. Vì nó phù hợp với chất đất, kháng được sâu bệnh. Hạt gạo dẻo thơm, ít bị ôi thiu nên được người dân mình rất ưa chuộng và gìn giữ bao đời qua.

“Trước kia theo phong tục, tập quán của bà con thì chỉ trồng theo hình thức thủ công, trọc trỉa nên 1 ha chỉ thu được 1,5 - 1,8 tấn/năm. Thời gian vừa qua, bà con các làng, được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về các phương thức canh tác, kỹ thuật để áp dụng trong sản xuất nên sản lượng được nâng lên; cứ 1ha đã thu được 2,5 - 3 tấn. Hiện nay, ở xã đã có HTX để thu mua lúa, người dân không cần tìm đầu ra cho lúa, nhờ vậy mà đời sống cũng được nâng lên”, chị Trenh cho biết thêm.

Hầu hết việc canh tác lúa của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước trời. Cứ vào tháng 4 hằng năm, người dân bắt đầu gieo giống cho vụ mùa mới. Chu kỳ sinh trưởng của lúa Ba Chăm gắn liền với mùa mưa Tây Nguyên. Cùng với mạch nước nổi trong cánh đồng canh tác được hình thành từ lưu vực của sông A Yun, suối Đắk Trôi. Nhờ vậy, cánh đồng thung lũng Đắk Trôi được cung cấp nguồn nước dồi dào, ổn định nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Theo lời già Hlônh, năm nay lúa Ba Chăm được mùa, dự báo một mùa Xuân no đủ. “Sau khi gặt lúa xong, dân làng sẽ đưa lúa về kho thóc, chuẩn bị cho lễ cúng lúa mới để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bà con có thêm sức khỏe, ấm no hơn năm cũ và bắt đầu nghỉ ngơi để đón Xuân sang”, già Hlônh cho biết.

Huyện Mang Yang đã xây dựng các sản phẩm OCOP từ gạo Ba Chăm nhằm giúp người dân có đầu ra ổn định và phát triển thương hiệu gạo địa phương.
Huyện Mang Yang đã xây dựng các sản phẩm OCOP từ gạo Ba Chăm nhằm giúp người dân có đầu ra ổn định và phát triển thương hiệu gạo địa phương. Ảnh TL

Thương hiệu gạo Ba Chăm

Nhận thấy giống lúa Ba Chăm có những tiềm năng để trở thành một loại nông sản địa phương, các cấp, chính quyền huyện Mang Yang đã tập trung mọi nguồn lực, nhằm hỗ trợ và khai thác cánh đồng thung lũng Đắk Trôi và các xã nằm trong khu vực chỉ dẫn địa lý. Từ đó, đưa sản phẩm địa phương vươn ra thị trường, giúp người dân tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế.

Toàn vùng chỉ dẫn địa lý gạo Ba Chăm Mang Yang có diện tích 1,295ha. Để lúa Ba Chăm vươn xa, huyện Mang Yang cũng hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đồng thời, triển khai Đề án phục tráng giống lúa Ba Chăm, phối hợp với Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thực hiện dự án phục tráng và sản xuất giống lúa Ba Chăm nguyên chủng. Năm 2018, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai trao giấy Chứng nhận sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Năm 2019, gạo Ba Chăm đã được công nhận là sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao cấp tỉnh.

Ông Krung Dam Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ triển khai chỉ dẫn địa lý gắn với phát triển vùng nguyên liệu 5 xã, xây dựng gạo OCOP, lấy chỉ dẫn địa lý Ba Chăm. Đối với 5 xã nằm trong chỉ dẫn địa lý, chúng tôi sẽ từng bước hình thành các loại gạo đặc trưng thuần chủng của từng địa phương, để xứng đáng với loại gạo có chỉ dẫn địa lý trên địa bàn huyện.

Khi sản phẩm gạo Ba Chăm của đồng bào Ba Na ở huyện Mang Yang được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, đã giúp đồng bào Ba Na biết tận dụng thế mạnh của địa phương, để nâng cao giá trị sản phẩm từ gạo Ba Chăm. Đây cũng là tiền đề thúc đẩy đời sống người dân phát triển, từ đó vươn lên xóa đói giảm nghèo hướng tới những mùa Xuân ấm no./.

Năm 2019, sản phẩm gạo Ba Chăm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận Thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam. Cuối tháng 12/2020, huyện Mang Yang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho sản phẩm gạo Ba Chăm. Khu vực địa lý bao gồm: xã Đăk Trôi, xã Đê Ar, xã Kon Chiêng, xã Kon Thụp, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.