Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

ST25 Hạt ngọc đồng bằng

Như Tâm - 13:23, 29/01/2020

Thương hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2019, đã thuộc về gạo ST25 của Việt Nam. Giải thưởng danh giá này khẳng định: Việt Nam đã qua thời kỳ xuất khẩu gạo theo số lượng, hướng đến xuất khẩu gạo chất lượng cao.

Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân phúc thăm quan gian hàng trưng bày gạo ST25 tại Hội nghị “ Thủ tướng đối thoại Nông dân năm 2019”, tại Cần Thơ.
Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân phúc thăm quan gian hàng trưng bày gạo ST25 tại Hội nghị “ Thủ tướng đối thoại Nông dân năm 2019”, tại Cần Thơ

Niềm vui lớn

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn nằm top đầu các nước xuất khẩu gạo trên thế giới. Nhưng đó là xét về sản lượng. Còn về chất lượng, gạo Việt, trong mắt người dùng nước ngoài chưa bao giờ xếp ngang gạo Thái Lan, gạo Ấn Độ. Nói cách khác, trên thị trường thế giới, gạo Việt chưa có thương hiệu. Chưa có thương hiệu nên dù sản lượng xuất khẩu nhiều, giá trị thu được lại thấp. Đây là hệ quả của tư duy sản xuất lúa gạo chạy theo số lượng, từng kéo dài thời gian dài ở nước ta.

Chính vì thế, việc gạo ST25 của nhóm tác giả Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua đạt giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World’s Best Rice do The Rice Trader tổ chức trở thành sự kiện quan trọng, là niềm hân hoan chung của bà con nông dân các tỉnh Nam bộ, nhất là bà con nông dân Sóc Trăng.

Rất phấn khởi, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Sóc Trăng hiện nay có trên 50% diện tích sản xuất gạo thơm. Tỉnh này hằng năm sản xuất trên 2 triệu tấn gạo. Việc gạo ST25 được vinh danh gạo ngon nhất thế giới thực sự là niềm tự hào lớn lao. Nó đồng nghĩa với việc đã và đang có một cơ hội vàng để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu gạo của nước ta. Không những thế, giống ST25 còn rất thích hợp cho vùng xen canh lúa - tôm và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long, lại sinh trưởng tốt tại vùng đất mặn, phèn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, điều đó có ý nghĩa lớn lao lắm”.

Nhưng cùng với niềm vui, một vấn đề quan trọng đặt ra là làm thế nào để bảo vệ, phát triển được thương hiệu ST25? Câu hỏi này rất thực tế bởi ngành Nông nghiệp nước ta từng có những sản phẩm bị mất thương hiệu, chịu những thiệt hại rất lớn. Ngay giống lúa ST25 cũng đã bị làm giả tại địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh Sóc Trăng chủ trương tăng cường bảo vệ thương hiệu, khuyến khích nghiên cứu mở rộng sản xuất mà vẫn giữ được chất lượng gạo ST25.

ST25 Hạt ngọc đồng bằng 1

Cần chiến lược nâng tầm gạo Việt

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu nước ta cho rằng, với danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, ST25 tạo cơ hội lớn cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Nhưng nhà khoa học tên tuổi này cũng khuyến cáo, để giữ vững thương hiệu này lâu dài, Việt Nam phải quyết liệt sắp xếp lại ngành sản xuất lúa gạo một cách bài bản, sản xuất theo chuỗi. Doanh nghiệp phải xây dựng vùng nguyên liệu lớn để sản xuất đồng nhất một loại giống, kiểm soát được hàm lượng phân bón, quan tâm đến chất lượng khi làm ra một sản phẩm vừa đẹp, vừa ngon và cạnh tranh được giá. Ngay cả số lượng: sản xuất hằng năm bao nhiêu, phân định thị trường như thế nào, cũng cần nghiên cứu kỹ, không thể sản xuất tràn lan, thiếu quy hoạch.

Là người có mặt, chứng kiến ST25 được vinh danh trên đấu trường quốc tế, nhà khoa học lão thành gắn bó với cây lúa Nam bộ, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân thiết tha mong muốn, dòng ST25 này được sản xuất theo quy trình gạo sạch, chế biến theo dây chuyền hiện đại, công nghệ Thụy Sĩ với mục tiêu 3 không: Không hàm lượng: Cadimi, aflatoxin, không dư lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, không dùng hóa chất tạo mùi.

Ông nhấn mạnh: Việc gạo ST25 giành được thứ hạng cao nhất trên thế giới chính là niềm vinh dự của quốc gia nên rất cần sự chung vai của Nhà nước để hỗ trợ quy hoạch vùng nguyên liệu trồng bài bản, đảm bảo nguồn cung ổn định, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho hạt gạo. Nhà nước cũng cần làm hết trách nhiệm để bảo hộ bản quyền gạo Việt: đặt tên giống, đưa bộ giống xây dựng thương hiệu vào danh mục, quy vùng chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn độ thuần, kiểm soát thị trường giống. Làm được những điều này sẽ ra lộ trình xây dựng thương hiệu. Gạo Việt, cứ đầy đủ các tiêu chuẩn này sẽ được in dòng chữ thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Giới chuyên gia ngành Nông nghiệp cho rằng, xây dựng thương hiệu cho gạo Việt là cả một quá trình dài, chúng ta cần làm thương hiệu cho gạo, bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, thương hiệu doanh nghiệp. Khi đã xây dựng được thương hiệu, thì phải làm sao giữ gìn và bảo vệ được thương hiệu đó. Gạo ngon của Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường thế giới, có khách hàng lâu dài thì bên cạnh thương hiệu, phải chiếm được sự tin cậy của khách hàng.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.