Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người nặng lòng với văn hóa của dân tộc Bru-Vân kiều ở làng Chênh Vênh

Phạm Tiến - 07:44, 25/03/2024

Là người dân tộc Bru-Vân kiều, ông Hồ Văn Lý (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), đã có nhiều cách để lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Từ Làn điệu dân ca, đến cách chơi các loại nhạc cụ truyền thống đều được ông tận tâm truyền dạy cho người trẻ với mong muốn giữ những âm điệu tà oải, xà nớt, Ta lư...vang mãi trên đỉnh Trường Sơn.

Ông Hồ Văn Lý (Ngoài cùng bên trái) hướng dẫn cho thế hệ trẻ sử dụng nhạc cụ dân tộc Bru-Vân Kiều
Ông Hồ Văn Lý (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn bà con sử dụng nhạc cụ dân tộc Bru-Vân Kiều

Nhạc cụ truyền thống như là máu thịt

Dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, đã và đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Nhạc cụ mới ra đời, phương tiện nghe nhìn hiện đại cũng hiện hữu ngày một nhiều hơn trong đời sống thường ngày của đồng bào. Do đó, xu thế thưởng thức âm nhạc, giải trí của người đồng bào cũng thay đổi. Nhạc cụ mới, phương tiện nghe nhìn hiện đại có sức hấp dẫn đối với giới trẻ. Các loại nhạc cụ và những làn điệu dân ca truyền thống của đồng bào DTTS, cũng theo đó mà vơi đi là điều khó tránh khỏi! Thế nhưng, thực tế có không ít người dân, nghệ nhân luôn đau đáu với việc giữ gìn giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, người đàn ông Bru-Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện biên giới Hướng Hóa (Quảng Trị) là một ví dụ.

Là người con của dân tộc Bru-Vân Kiều, Hồ Văn Lý yêu tiếng đàn Ta- Lư, đàn Pơ – lựa, đàn tinh tông, khèn A-mam, khèn bè và cả điệu hát xà nớt của dân tộc mình từ bé. Cũng bởi yêu nhạc cụ dân tộc, mê điệu hát xà nớt mà ông thường xuyên có mặt và tham gia các lễ hội truyền thống của dân bản tổ chức. 

Âm thanh trong trẻo của tiếng đàn Ta-Lư, điệu hát xà nớt bay bổng đã theo đó ngấm sâu vào máu thịt Hồ Văn Lý. Lớn hơn một chút, qua các lần đi sim cùng trai gái trong bản, Hồ Văn Lý bắt đầu học hát điệu xà nớt, điệu tà oải. Rồi lại làm quen với đàn Ta-Lư, đàn Pơ-lụa, đàn tinh tông…

 Càng học, Hồ Văn Lý càng say và thể hiện năng khiếu với các loại nhạc cụ của dân tộc mình. Khi đã chơi thành thạo, Hồ Văn Lý lại tìm đến các nghệ nhân lớn tuổi để học chơi các loại nhạc cụ truyền thống. Chưa dừng lại ở đó, ông còn học cách chế tác một số loại nhạc cụ như đàn tinh tông, đàn Pơ-lụa. Bởi theo ông “phải tự tay chế tác thì tiếng đàn mới đúng như ý muốn của mình”.

Kiên trì chịu khó cộng với niềm đam mê, ông Hồ Văn Lý đã hát được điệu xà nớt, điệu tà oải và chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống cha ông để lại. Đồng thời, ông Lý còn chế tác thành công đàn tinh tông, đàn Pờ lứa khi còn rất trẻ. Từ đó, những cây đàn này cũng theo ông đi biểu diễn nhiều nơi. Mỗi buổi tối, sau bữa cơm ấm cúng cùng gia đình, ông dành thời gian tự tập luyện khèn bè, đàn và hát các làn điệu dân ca. Với ông Lý, âm thanh của các loại nhạc cụ truyền thống và các điệu hát xà nớt, tà oải đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống của đồng bào Bru-Vân Kiều ở Thôn Chênh Vênh đã gắn liền với phát triển du lịch cộng đồn
Việc bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Bru-Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh đã góp phần phát triển du lịch cộng đồng

Nặng lòng níu giữ “hồn cốt” dân tộc

Càng tinh thông biểu diễn và chế tác các nhạc cụ truyền thống, ông Hồ Văn Lý lại càng muốn níu giữ “hồn cốt” của dân tộc mình được trường tồn. Cái thuận với ông là Chênh Vênh đã trở thành làng du lịch cộng đồng. Điệu hát xà nớt và cả tiếng đàn Ta-lư, đàn tinh tông… đã gắn được với sự phát triển kinh tế của đồng bào.

Tối thứ 7 hàng tuần, các con, cháu của ông và cả lớp trẻ ở thôn Chênh Vênh lại tập trung ngồi quây quần nghe ông đàn, hát làm mẫu. Sau phần biểu diễn mẫu, ông Lý lại cần mẫn chỉ cho từng người về cách hát, cách chơi nhạc cụ truyền thống. Trong số đó, đã có nhiều người hát theo đúng điệu, biết cách sử dụng đàn tinh tông, pờ lứa, khèn bè. Âm thanh của nhạc cụ, giọng hát của già trẻ, gái trai hòa quyện vang cả bản làng. Đó là cách mà ông Lý gieo vào thế hệ trẻ người Bru-Vân Kiều tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Văn Quý cho hay: “Ông Lý là người rất am hiểu văn hóa truyền thống người Vân Kiều, nhất là chế tác, sử dụng nhạc cụ, hát dân ca, thực hành dân vũ. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp để mở lớp truyền dạy, bản tồn văn hóa truyền thống. Đồng thời, vận động ông Lý tiếp tục tham gia truyền dạy cho thế hệ sau góp phần lan tỏa tình yêu nhạc cụ, dân ca truyền thống đến với tất cả người”.

Bằng vốn hiểu biết sâu sắc cũng như kinh nghiệm của mình, ông Lý trở thành hạt nhân trong các phong trào văn nghệ quần chúng. Ông còn là hạt nhân trong Câu lạc bộ Văn nghệ truyền thống thôn Chênh Vênh. Ông Lý cùng các thành viên câu lạc bộ biểu diễn phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại điểm du lịch sinh thái thôn Chênh Vênh, góp phần thu hút du khách, phát triển kinh tế -xã hội cho quê hương. Thông qua đó, giới thiệu và quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Bru-Vân Kiều đến với du khách thập phương.

Nhiều người trẻ Bru-Vân Kiều chơi thành thạo đàn Ta-lư
Nhiều người trẻ Bru-Vân Kiều chơi thành thạo đàn Ta-lư

Để níu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Hồ Văn Lý còn tích cực tham gia các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể do các cấp triển khai tại địa phương. Bằng tình yêu và trách nhiệm, Hồ Văn Lý đã chung sức cùng chính quyền địa phương bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Bru-Vân Kiều.

Với ông Lý, khi đàn Ta-lư, đàn tinh tông và cả những điệu hát xà nớt, tà oải được thế hệ trẻ yêu thích và sử dụng thành thạo là niềm vui lớn. Bởi ông biết, “hồn cốt” của dân tộc mình đã được thế hệ sau kế thế. Rồi đây, trong các lễ hội Mừng lúa mới, Tết cổ truyền... hay trong các đêm đón khách ở Chênh Vênh, điệu tà oải, xà nớt và cả tiếng đàn Ta-lư, đàn tinh tông còn vang mãi trên đỉnh Trường Sơn.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.