"Thấm" tiếng cồng, tiếng chiêng...
Sinh ra và lớn lên ở bản Pa Nho (nay là khối 6), thị trấn Khe Sanh, huyện biên giới Hướng Hóa, Hồ Thị Thới lớn lên trong cái nôi văn hóa của người Bru-Vân Kiều. Từ bé đã được đi cùng bố mẹ đến những đêm hội, từ đó tiếng cồng, tiếng chiêng và những điệu hò truyền thống cứ từ từ ngấm và lớn dần lên trong chị Hồ Thị Thới. Mê, rồi Thới theo các nghệ nhân học nhạc cụ truyền thống, các điệu dân ca dân vũ từ thủa 12. Như một cái duyên, Thới nhanh chóng nắm bắt được các điệu hò, tiếng chiêng…..
Với tính kiên nhẫn, ham học hỏi, Thới còn thạo dần với khung cửi dệt Zèng. Những cuộn chỉ nhiều màu sắc: đỏ, đen, xanh…cũng dần cuốn hút cô như tiếng cồng, tiếng chiêng vậy. Để có nhiều cơ hội học hỏi, năm 15 tuổi, Thới xin tham gia Câu lạc bộ Cồng chiêng và Nhóm dệt thổ cẩm ở bản Pa Nho (nay là Khối 6).
Tại đây, Hồ Thị Thới có cơ hội học hỏi các nghệ nhân về kiến thức, cũng như kinh nghiệm trong thực hành tiếng Cồng tiếng Chiêng và những điệu dân ca, dân vũ. Mỗi lần nghệ nhân lành nghề Hồ Thị Hồi dệt sản phẩm cho khách, Thới lại sà đến ngồi bên cạnh để xem và học hỏi. Ngoài ra, chị còn đăng ký học lớp tập huấn dệt thổ cẩm do Dự án Plan tài trợ thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức tại Khối 6, thị trấn Khe Sanh.
Bền bỉ như vậy, cô bé Hồ Thị Thới ngày nào, giờ đã thông thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống người Bru-Vân Kiều. Cô còn lành nghề với dệt Zèng, với nhiều loại hoa văn, họa tiết tỉ mỉ.
Hồ Thị Thới ghi dấu ấn của mình trong lần đầu tham gia hội thi thực hành dệt thổ cẩm trong Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức tại Đắk Nông năm 2018. Tại đây, chị vinh dự đoạt giải. Đồng thời, chị cũng đã trực tiếp đạo diễn, tập luyện các chương trình văn nghệ truyền thống của người Bru-Vân Kiều để tham gia nhiều sự kiện của địa phương và đạt giải cao.
Trong lần gặp gỡ, chị Hồ Thị Thới đã bộc bạch với chúng tôi: “Tôi tự hào vì mình là người con của dân tộc Bru-Vân Kiều. Được sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống văn hóa, tôi nghĩ mình cần có trách nhiệm với những nét đẹp truyền thống mà cha ông đã để lại. Tôi sẽ tiếp tục học hỏi, tìm hiểu sâu hơn về nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là tìm phương pháp tốt nhất để truyền dạy cho lứa trẻ..."
Lan toả tình yêu văn hóa đến thế hệ trẻ
Tuổi trẻ Hồ Thị Thới đã say mê, đã gắn với tiếng cồng, tiếng chiêng và cả những làn điệu dân ca, dân vũ mà cha ông truyền lại. Để rồi hôm nay, mái tóc đã điểm bạc, chị giống như một “thư viện” về thực hành chơi các loại nhạc cụ, "hạt nhân" truyền nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ.
Chẳng biết từ bao giờ, cái tên đất “nghệ nhân” đã gắn bó, trở thành cái tên hay được bà con gọi cho khối 6, thị trấn Khe Sanh này. Bởi lẽ, nơi đây, tiếng hát, tiếng đàn dường như chưa bao giờ tắt. Âm nhạc như cơm ăn, nước uống... “ Ơi! Bản làng ta ơi! Núi rừng ta ơi!/Ta hát mừng hôm nay/Đất nước đã hoà bình/Đất nước đã về ta/Ta làm chủ cuộc đời/Xây dựng cuộc đời ta/Lời Bác dạy vang khắp núi sông ”.
Tiếng hát, tiếng đàn cứ vọng từ những nếp nhà sàn bạc phếch màu thời gian, như gọi mời lữ khách. Đất “nghệ nhân” còn để lại ấn tượng về những hình ảnh dung dị, đời thường là bà lão dù tóc bạc phơ nhưng vẫn đang tỉ mỉ dạy con trẻ từng câu hát dân ca; là hình ảnh nam thanh, nữ tú hoà mình vào điệu múa hay say sưa trước hiên nhà; hay cụ ông ngồi chế tác nhạc cụ…
Danh xưng ấy có lẽ bắt nguồn từ tình yêu âm nhạc thấm sâu trong lòng đồng bào Bru-Vân Kiều nơi đây. Mà “hạt nhân” không ai khác là những người như chị Hồ Thị Thới. Sự say mê nhạc cụ, say mê những giá trị văn hóa tốt truyền thống tốt đẹp của chị, đã thổi bùng ngọn lửa tình yêu của đồng bào đối với văn hóa truyền thống mà cha ông đã để lại. Trong các hội diễn, chị tận tâm chỉ dạy các em thực hành chơi các loại nhạc cụ. Đến những buổi tập, chị Hồ Thị Thới lại tỉ tê nhen dần tình yêu giá trị truyền thống trong các em ngày một lớn hơn.
Giờ đây ở khối 6, đội văn nghệ đã có sự góp mặt của cả lớp nghệ nhân lớn tuổi, lẫn lớn trẻ nên âm nhạc truyền thống như được tiếp thêm sức sống. Phần lời của các làn điệu: Oát, Xà Nớt, Tà Oải…ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng đất nước mạnh giàu. Các nghệ nhân chuyển tải tâm sự qua tiếng cồng chiêng, khèn bè, sáo Tirel… dường như ngọt ngào hơn. Nhiều điệu múa đặc trưng của người Bru-Vân Kiều được trai gái trong bản biến tấu hết sức độc đáo.
Khối 6, thị trấn Khe Sanh có 157 gia đình, 788 nhân khẩu. Trong đó, phần đông là đồng bào Bru-Vân Kiều sinh sống. Điều đáng mừng là số thanh niên chơi được, chơi thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc xuất hiện ngày càng nhiều. Tiêu biểu như chị Hồ Văn Hương, anh Hồ A Dỗ…Họ là những người nối tiếp chị Hồ Thị Thới, ông Hồ Văn Hồi, Hồ Tu Ka… để tiếng Cồng, tiếng Chiêng và cả những điệu Oát, Xà Nới….của người Bru-Vân Kiều vang mãi trên dãy Trường Sơn.