Vừa dạy, vừa dỗ
“Ngân ngồi ngoan nào. Thành cầm bút lên đi. Hải không chạy ra ngoài nhé, ngồi yên cô cho kẹo ăn nhé…”, trong chốc lát cô giáo Hội đã giúp những đứa trẻ ngoan ngoãn ngồi ngay ngắn học bài. Lớp học có 12 em, mỗi em bị một dạng khuyết tật, em bị câm điếc, em bị hội chứng Down, bị tim bẩm sinh, thiếu máu huyết tán, bại liệt… Mỗi em một cách dạy riêng, nhưng giáo án chung vẫn là tình yêu thương và sự kiên trì.
Cô giáo Hội từng là giáo viên Trường Tiểu học Sơn Phú (Na Hang). Theo chương trình di dân tái định cư, cô được chuyển về dạy tại trường Tiểu học Sơn Lạc. Sau nhiều lần được dự giờ và hỗ trợ giáo viên lớp khuyết tật, với sự đồng cảm và tình yêu thương dành cho những đứa trẻ kém may mắn, năm 2004, cô Hội đã tình nguyện xin nhận phụ trách lớp. Không được đào tạo tập huấn kỹ năng dạy trẻ khuyết tật, thế nên cô phải nỗ lực gấp 3, gấp 4 lần để “hòa đồng” cùng các em.
Những ngày đầu nhận lớp, dù đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ, nhưng khi tiếp cận công việc, làm quen với các em, cô giáo Hội không tránh khỏi những bỡ ngỡ, nhất là khi các em lên cơn động kinh, co giật, la hét, đập phá đồ đạc, không tự chủ được hành vi… Vốn là lớp học với toàn học sinh “đặc biệt” nên mỗi khi thời tiết thay đổi, việc quản lý, nuôi dạy các em cũng trở nên đặc biệt hơn bình thường, vì nếu như có ngày nắng quá, một số em cứ ngồi cười mãi không biết mệt. Những ngày như thế, thay vì dạy theo chương trình, cô giáo Hội phải đáp ứng yêu cầu cho các em học hát, nghe nhạc. Bây giờ đã nắm được tính cách của từng em, trải qua nhiều tình huống, nên cô Hội không còn bị “sốc” như những ngày mới dạy.
Cô Hội kể, nhiều trẻ bị khuyết tật dễ nổi giận, đập phá đồ đạc. Có lúc vô thức trêu bạn, bị cô giáo nhắc, tự ái đòi về để lấy dao đâm cô giáo. Những lúc như vậy, cô ôm ấp, vỗ về giúp các em trở lại bình thường. Hay có nhiều em giờ ra chơi chả biết làm gì, ra sân ôm gốc cây rồi đập đầu. Thế nên lúc nào cũng phải để mắt đến các em, không để các em làm tổn thương đến mình và các bạn xung quanh. Việc giao tiếp với các em đã khó, dạy chữ càng khó hơn.
Những bến đỗ bình yên
15 năm cô giáo Hội thầm lặng, bền bỉ chèo lái con thuyền nhỏ qua sông. Mỗi học trò một đích đến riêng, có em biết được 29 chữ cái, đếm được con số, có em biết cách kiểm soát hành vi, có em hòa nhập cộng đồng, tự chăm sóc bản thân, kiếm tiền, xây dựng gia đình… Để đến được bến bờ ấy là cả một hành trình mà cô trò đã nỗ lực trải qua.
Như em Nông Văn Nhụt, xã Hoàng Khai, bị thiểu năng trí tuệ. Ban đầu đến học tỏ ra rất lầm lỳ, không chịu học. Đôi lúc em la hét, trèo lên bàn, lên cửa sổ và tranh đồ chơi của các bạn cùng lớp. Đối với những học trò như Nhụt, trang giáo án vẫn luôn là sự dịu dàng, ấm áp của cô giáo.
Hay như em Lâm Thùy Nhung đã bước sang tuổi 12 nhưng bị bại liệt, lại không có hậu môn, nên việc sinh hoạt rất khó khăn. Sức khỏe yếu, Nhung dễ tủi thân nên cô giáo vừa dạy, vừa biết cách động viên, khích lệ học trò vượt qua mặc cảm. Nay Nhung đã biết đọc, biết làm toán và hào hứng đến trường.
Từng ấy thời gian đồng hành cùng các em nhỏ, dù chặng đường chông gai và khó khăn, song mỗi ngày cô giáo Hội được làm công việc mình yêu thích. Cô được chứng kiến các em biết thêm một việc, học thêm một chữ, được các em dành tình yêu mến, chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất.
Ghi nhận sự đóng góp ấy, năm 2018, cô Hội được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật; Ủy ban Trung ương Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ.