Xưởng dệt thổ cẩm có tên Bảo Hằng nằm ở làng Nhỏi, xã Cao Ngọc - nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người dân tộc Mường, huyện Ngọc Lặc. Xưởng dệt nổi tiếng gần xa, bởi nơi đây có các sản phẩm thổ cẩm đậm nét văn hóa Mường
Bà Phạm Thị Bảo (SN 1954), người lập nên cơ sở chia sẻ, ngay từ khi mới lên 9, lên 10 tuổi, bà đã thích thú khi được các bà, các mẹ dạy dệt váy, khăn thổ cẩm. “Ngày ấy, tiêu chí để đánh giá một cô gái có đảm đang, khéo léo hay không, người ta thường nhìn vào từng đường kim mũi chỉ, khả năng dệt thổ cẩm của người ấy. Vì thế, hầu hết mọi phụ nữ Mường đều phải biết thêu thùa, dệt may”, bà Bảo chia sẻ.
Với sự kiên trì và đôi tay khéo léo, đến năm 16 tuổi, bà Bảo đã thành thạo việc ngồi vào khung cửi, dệt nên những tấm khăn, tấm váy đẹp nhất bản làng. Bà không nhớ nổi đôi tay mình đã dệt nên bao nhiêu chiếc khăn, chiếc váy, có khi tặng, có khi người khác mua để làm quà biếu đi khắp nơi.
"Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều thanh niên người Mường không còn mặn mà với váy áo truyền thống. Ngày nay, các thiếu nữ cũng không còn mấy ai biết dệt thổ cẩm, thêu váy áo như ngày xưa nữa. Bà trăn trở, sợ một ngày những nét văn hóa của người Mường sẽ chỉ còn trong ký ức, không còn ai biết đến", bà Bảo bộc bạch.
Đây cũng chính là một trong những lý do thôi thúc bà lập nên cơ sở dệt thổ cẩm Bảo Hằng vào năm 2007 tại nhà. Ban đầu, chỉ với số vốn 15 triệu đồng, cùng với sự ủng hộ tham gia của 4 chị em trong gia đình.
Để được nhiều người biết đến, sau khi dệt hoàn tất sản phẩm, các bà, các chị đưa hàng đi khắp các chợ quê trong huyện để giới thiệu. Nhờ đó, mà khách hàng đến xưởng đông dần lên.Từ nhu cầu của khách, bà cũng nhận ra, sản phẩm của xưởng được nhiều người mua dùng, nhất là trong các ngày lễ, Tết hay đám cưới của người Mường. Do đó, bà đã tăng cường các mặt hàng, mẫu mã để phục vụ. Để có đủ số lượng phục vụ khách, bà đã chủ động kết nối chị em trong làng, xã, tham gia cùng bà phát triển nghề.
Theo đó, đến năm 2010, cơ sở của bà Bảo có 15 phụ nữ thạo nghề tham gia dệt thổ cẩm. Ngoài ra, bà còn phối hợp với 21 phụ nữ khác có khung dệt tại nhà, để cùng làm ra sản phẩm cung cấp cho cơ sở của mình. Tổng cộng , cơ sở của bà Bảo có 36 phụ nữ với việc làm thường xuyên, thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Để mẫu mã được đa dạng và chất lượng hơn, bà đã tìm tòi, sáng tạo phác thảo ra các họa tiết, hoa văn cho từng cái gối đầu, đệm ngồi, túi thổ cẩm; hay tìm ra cách thêu khăn quàng, khăn múa hát Pồn Pông hay cách hoàn chỉnh một chiếc váy Mường; cách dệt dây thắt lưng, dệt lai váy, chân váy...
Hiện nay, ngoài sản phẩm tiêu thụ thường xuyên ở các chợ và nhập cho các đại lý là váy, áo, khăn, vỏ chăn, vỏ đệm… của người Mường; cơ sở Bảo Hằng còn dệt thêm những sản phẩm khác như túi thổ cẩm, khăn, được nhiều người mua về sử dụng, làm quà lưu niệm hay trang trí.
Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết, nhằm bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các dịp lễ, Tết. Thời gian tới, huyện đang dự kiến xây dựng sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của xã Cao Ngọc, trở thành một trong các sản phẩm OCOP của huyện.