Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở xóm Khuổi Khon

Minh Thu - 12:08, 09/06/2020

17 năm nay, dù còn nhiều khó khăn, vất vả với cuộc mưu sinh, nhưng người phụ nữ Lô Lô Chi Thị Riên xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) vẫn duy trì việc thêu thùa, may vá như là một bổn phận. Chị đã nâng niu, giữ gìn những nét hoa văn thổ cẩm trên áo, khăn… truyền thống của đồng bào mình.

Chị Chi Thị Riên bên khung dệt vải thổ cẩm.
Chị Chi Thị Riên bên khung dệt vải thổ cẩm.

Vượt trên 20 cây số đường mòn, từ trung tâm huyện Bảo Lạc, chúng tôi đến Khuổi Khon - xóm tập trung đồng bào Lô Lô đông nhất ở huyện Bảo Lạc. Xóm có trên 50 hộ đồng bào Lô Lô, sống tập trung với nhiều nét văn hóa vẫn được gìn giữ từ bao đời nay, điển hình là dệt các mảnh ghép thổ cẩm trên áo, trên khăn.

Tuy tuổi đời còn trẻ (sinh năm 1990), nhưng chị Chi Thị Riên đã rất ý thức về nét văn hóa của đồng bào mình. Chị chia sẻ: “Mình biết dệt hoa văn thổ cẩm trên áo, trên khăn từ khi mới 13 tuổi, do mẹ dạy. Ở đây, tất cả con gái khi đến độ tuổi này đều được gia đình dạy những nét cơ bản về may, thêu, nhưng có những người không thiết tha, chỉ học cho có. Với mình, do nhận thấy những cái đẹp trong hoa văn thổ cẩm nên mình luôn cố gắng duy trì nghề dệt”.

17 năm nay, chị Riên duy trì việc thêu thùa, vá may như là một bổn phận, một thiên chức. Cho dù quanh chị, nhiều phụ nữ Lô Lô đã thôi hẳn nghề dệt hoa văn trên áo, bỏ mặc khung dệt để đi tìm kế sinh nhai. Năm 2018, từ nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 (Đề án 2085) (trong đó đã hỗ trợ phát triển KT-XH, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Lô Lô), chị Riên đã được mời đứng lớp, truyền dạy lại những kỹ thuật thêu hoa văn trên áo cho 50 phụ nữ trong xóm.

Trong suốt 1 tuần tổ chức lớp học, chị bỏ cả việc nhà, để trâu, bò và cả hai đứa con cho chồng chăm sóc để “lên lớp”. Những kỹ thuật nhuộm vải, sang sợi, cắt, may, thêu… với những hoa văn tượng trưng cho trời, đất, cỏ cây… đã được chị truyền lại cho những phụ nữ, học viên ở xóm Khuổi Khon. Kết thúc lớp học, đã có 30/50 phụ nữ thành thạo nghề thêu hoa văn. Chị Riên vui lắm!

Niềm vui của chị Riên như được nhân lên gấp nhiều lần, khi ngay trong năm 2018, từ sự kết nối, giúp đỡ của Sở Công Thương Cao Bằng, một số đơn hàng dệt mảnh ghép thổ cẩm trên áo, trên khăn đã được đặt hàng. Tổ dệt thổ cẩm xóm Khuổi Khon do chị Riên làm Tổ trưởng ra đời từ đó.

Đến nay, Tổ dệt thổ cẩm xóm Khuổi Khon đã cung cấp cho thị trường trên 1.000 mảnh ghép áo thổ cẩm và khoảng 2.000 chiếc khăn trải bàn. Nhờ đó, thu nhập của các chị em trong Tổ dệt thổ cẩm đạt mức bình quân 2 triệu đồng/người/tháng (tháng cao điểm).

Hiện nay, do ít đơn hàng nên Tổ dệt thổ cẩm chỉ hoạt động tự phát, các chị em tự dệt và trưng bày tại khu nhà Homestay của xóm để bán cho khách du lịch. Tuy chưa bán được nhiều sản phẩm và nguồn thu nhập chưa ổn định, nhưng tất cả chị em trong Tổ dệt thổ cẩm xóm Khuổi Khon đều rất vui. Bởi lẽ, họ đã góp phần bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào Lô Lô. Và trong những thành công ban đầu ấy, có sự đóng góp đầy ý nghĩa của chị Chi Thị Riên. 

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.