Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người ghi tên Nà Hẩu lên bản đồ du lịch vùng Tây Bắc

Văn Hoa - 18:16, 21/09/2022

“Cái nghèo khiến tôi suýt phải bỏ học để mưu sinh. Tôi ước mơ sau này lớn lên phải thoát ly khỏi làng bản để học hỏi, làm giàu và đưa công nghệ mới về giúp cho quê hương mình phát triển”. Đó là chia sẻ của anh Đặng Văn Chính, dân tộc Dao, sinh năm 1983 tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Anh Chính (thứ 2 từ phải sang) giao lưu và chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp với sinh viên Yên Bái
Anh Chính (thứ 2 từ phải sang) giao lưu và chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp với sinh viên Yên Bái

10 tuổi mới đi học

Anh Chính là người đầu tiên đưa mô hình nuôi cá tầm thương phẩm về với Nà Hẩu, một xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện Văn Yên, nơi có 99% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Mô hình của anh Chính không chỉ tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương, mà còn giúp bà con đổi mới cách nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất nông nghiệp và biết cách làm du lịch cộng đồng.

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo, cũng giống như các bạn cùng trang lứa, anh Đặng Văn Chính không được đi học, mà thường xuyên phải theo cha mẹ lên nương làm rẫy. Nói về những khó khăn thủa nhỏ, anh Chính xúc động kể lại: “Ngày đó, đời sống quê tôi thật khó khăn. Mất mùa thường xuyên dẫn đến nạn đói cuối năm 1990 và 1992, làm vùng quê vốn đã nghèo lại càng thêm cùng cực. Nhà tôi có 6 anh chị em. Tôi là con thứ 2 trong gia đình. Bố tôi thường xuyên xa nhà nên tôi trở thành lao động chính cùng với mẹ và chị gái”.

Mãi đến năm 10 tuổi, nhờ vào chương trình tài trợ của tổ chức UNICEF, anh Chính mới được cắp sách đến trường. Anh nhớ lại: Đó là một lớp học đặc biệt, ngôi trường lợp lá cọ, tường trát đất trộn rơm, trang bị bàn ghế rất đẹp và mới. Một lớp học mà có đến 3 trình độ: lớp 1, lớp 2, lớp 3, với 3 cái bảng đen quay về 3 hướng khác nhau. Học sinh thì nhiều lứa tuổi, có bạn còn địu theo em trên lưng…

Những thành công của hiện tại là những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân anh Chính (Anh Chính, thứ 2 từ phải sang)
Những thành công có được là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân anh Chính (Anh Chính, thứ 2 từ phải sang)

“Thời học tiểu học tôi đã phải vác cái cày, cái bừa, dắt trâu đi làm đất chuẩn bị mùa cấy. Tuổi ăn tuổi lớn mà dinh dưỡng không đủ, dẫn đến thể trạng của tôi thấp còi, vác cái bừa phải nghiêng vẹo người để cái bừa khỏi bị trạm đất”, anh Chính bộc bạch.

"Không thành công thì đừng về"

Với quyết tâm thoát nghèo, anh Chính đã nỗ lực học tập. Để có tiền lộ phí và học phí ban đầu, bố anh phải bán 2 hecta đất rừng, do đó khi tiễn anh ra ga tàu, bố anh chỉ nhắn nhủ một điều "không thành công thì đừng về" (vì phần đất của tôi đã bán hết).

Khó khăn là thế, anh nỗ lực vừa học, vừa làm. Sau khi tốt nghiệp ngành Đào tạo lập trình viên” của Trung tâm đào tạo Công nghệ thông tin (CNTT) Hà Nội, anh đã học và lấy thêm bằng Đào tạo từ xa của Trường Đại học CNTT-Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.

Anh Chính (áo xanh) tiếp và giao lưu với đoàn
Anh Chính (áo xanh) giao lưu với đoàn Hành trình xanh khởi nghiệp

Nhờ có vốn kiến thức, anh cùng các bạn lập Công ty Cổ phần đầu tư và công nghệ phần mềm ALFAT (Chuyên cung cấp các giải pháp pháp phần mềm quản lý tài chính kế toán) ở Hà Nội. Mọi việc diễn ra rất thuận lợi. Dù vậy, tâm trí anh luôn luôn canh cánh ước mơ thuở nhỏ phải mang con chữ đã học về thay đổi bản làng.

Biến giấc mơ thành hiện thực

Với lợi thế hoạt động trong lĩnh vực CNTT, năm 2016, anh cùng với nhóm bạn thiện nguyện ở Hà Nội về giúp thanh niên khởi nghiệp tại xã Nà Hẩu của huyện Văn Yên. Đây là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn, hơn 4 nghìn nhân khẩu người đồng bào Mông. Đây cũng là địa phương có nhiều tiềm năng phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng.

Tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên” do Huyện Đoàn Văn Yên tổ chức, dự án khởi nghiệp của nhóm anh đạt giải Nhì. Nhờ đó mà tháng 5 năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu được thành lập, mà các thành viên là thanh niên, hộ gia đình người Mông ở Nà Hẩu.

Tỉnh Đoàn Yên Bái tới dự và chúc mừng ra mắt HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu
Tỉnh Đoàn Yên Bái tới dự và chúc mừng ra mắt HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu

Để HTX đi xa hơn, anh Chính đã kết nối đội ngũ lãnh đạo có năng lực, với nhiều thành phần khác nhau, tạo thành các mảnh ghép hoàn chỉnh bao gồm nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước và cả doanh nghiệp và anh giữ vai trò là người định hướng, kết nối, tạo ra chuỗi giá trị. Ngoài ra, còn có các thầy, các giáo sư chuyên về nông nghiệp.

Tận dụng tiềm năng thế mạnh của địa phương, HTX cùng bà con tu sửa lại nhà sàn tạo thành Homestay đủ tiêu chuẩn đón khách. Đến nay, Nà Hẩu đã có 9 nhà sàn được cải tạo đủ điều kiện phục vụ khách, bước đầu tạo được công ăn việc làm và thu nhập cho các hộ gia đình.

Năm 2019, HTX triển khai mô hình nuôi cá tầm thương phẩm đầu tiên, sau đó 1 năm đã cho kết quả rất khả quan và nhân rộng được mô hình ra toàn xã. Hiện nay, Nà Hẩu có 24 bể bạt nổi HPDE, 1 ao lót bạt và 4 bể xây bằng xi măng cốt thép kiên cố, mỗi năm cho doanh thu gần 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động, trong đó có 3 lao động là phụ nữ người Mông.

Anh Chính cười tươi: “Tiềm năng để phát triển mô hình nuôi cá tầm tại Nà Hẩu rất lớn. Mỗi gia đình có điều kiện thuận lợi, có thể nuôi 1 đến 2 bể cho thu nhập đến 1 trăm triệu đồng/năm.

Hướng đến tương lai

Cũng giống như các mô hình du lịch khác, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho HTX. Lượng du khách giảm đáng kể, tình trạng khách đặt tour rồi lại hủy xảy ra thường xuyên hơn. Không thể ngồi chờ khách, anh và đội ngũ lãnh đạo HTX đã chủ động thích ứng với nhiều phương pháp khác nhau như: thường xuyên đăng bài để thông tin cho khách biết về tình hình dịch bệnh ở địa phương, hướng dẫn cụ thể thủ tục đi lại và lưu trú, những quy định cần tuân thủ, liên kết với các xe chạy dịch vụ đưa đón khách đi - đến thuận tiện và an toàn, áp dụng CNTT vào quản lý…

Đặc biệt, HTX đã chuyển trọng tâm sang hoạt động nông nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng phương thức bán hàng online. Anh nói, thay vì bán con cá, chúng tôi bán nồi lẩu cá. HTX mở nhà hàng cá tầm 8687 tại thị trấn Mậu A, đăng ký nhãn hiệu VietGAP cho thương hiệu cá tầm NaHau để tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

 HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu vinh dự được Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đến thăm động viên
HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu vinh dự được Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy ( người đứng thứ tư từ phải qua trái) đến thăm động viên

Trong đại dịch, Yên Bái vẫn là vùng xanh an toàn, vì vậy, HTX đã chủ động tổ chức các tour tắm thác, trải nghiệm thăm quan rừng già, trải nghiệm văn hóa Mông… cho người trong tỉnh. Cùng với những hoạt động trên, HTX cũng đã hoàn thành các tiêu chí và thủ tục để Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái công nhận sản phẩm OCOP 4 sao “Điểm du lịch Cộng đồng Bản Tát – Nà Hẩu". Vậy là sau hơn 2 thập kỷ mong chờ, giờ đây Nà Hẩu đã chính thức có tên trong bản đồ du lịch vùng Tây Bắc.

Nói về những dự định trong thời gian tới, anh Chính cho biết, anh và HTX sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch như nuôi cá tầm, nuôi gà đen nhằm phục vụ du khách và tăng thu nhập cho đồng bào người Mông xã Nà Hẩu, góp phần đưa Nà Hẩu trở thành xã Nông thôn mới vào năm 2025.

Anh Đặng Văn Chính đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên DTTS tại địa phương
Anh Đặng Văn Chính đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên DTTS tại địa phương

Ông Lý Tòn Cầu, Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu bày tỏ, anh Chính luôn hướng về quê hương Văn Yên, đặc biệt tại xã Nà Hẩu. Anh Chính đã giúp cho Nhân dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu tại quê hương bằng nhiều việc làm cụ thể như: sẵn sàng kết nối các nguồn lực để hỗ trợ giúp đỡ bà con, quan tâm đến đời sống của các thành viên HTX và Nhân dân trên địa bàn, đồng thời giúp đỡ những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế. 

Đặc biệt, anh Chính cũng tham mưu cho chính quyền địa phương định hướng một số mô hình phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá tầm cho những người mới tham gia, để họ có thêm kiến thức và tự tin đầu tư phát triển mô hình nuôi cá tầm thương phẩm.


Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.