Chuối Đồng Nai về Đồng Văn
Thời còn học sinh THPT, tôi cũng từng gia nhập đội quân “2 sọt”, đạp xe từ Yên Thành (Nghệ An) lên Tân Kỳ để mua chuối xanh về bán, kiếm thêm tiền ăn học. Nhưng cái xứ khỉ ho cò gáy có tên Đồng Văn thì tôi chưa đến bao giờ. Hay tin cậu thanh niên “mới tí tuổi đầu”, làm chủ một Hợp tác xã chuối xuất khẩu thì háo hức lắm. Ấy là Lê Văn Chiến - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chuối sạch Mỹ Thành, xã Đồng Văn (Tân Kỳ - Nghệ An). Tôi đã gọi Chiến là “ông chủ nhỏ”.
“Ông chủ nhỏ” chốc chốc lại phải dừng bước chờ chúng tôi, vì đường mỗi lúc một dốc. Giữa những phút nghỉ ngơi ấy, Chiến lại giảng giải về kỹ thuật và kinh nghiệm trồng chuối.
“Nghệ An mình mùa nào cũng có gió tương đối lớn, do vậy phải chuẩn bị nhiều dây chạc để néo cho chuối khỏi đổ, cái giống này mà đã đổ xuống là hỏng luôn” - Chiến chỉ vào chằng chịt dây rợ, giải thích.
Thế là em đưa ra một quyết định “liều lĩnh”: đi gặp giám đốc. Khi em trình bày ý tưởng, nguyện vọng, không ngờ anh giám đốc lại nhiệt tình ủng hộ đến vậy. Anh cam đoan bao tiêu hết sản phẩm nếu em làm được, đồng thời hỗ trợ giống, kỹ thuật và một số vật tư khác.
“Được giám đốc bảo lãnh đầu ra, em ôm mấy gốc chuối non, nhảy xe về quê ngay. Lúc đầu ai nhìn thấy cũng cười, họ ngạc nhiên lắm. Mình cứ lẳng lặng trồng thử đã. Thế mà thành công hơn cả mong đợi đấy, anh ạ” - Chủ tịch HĐQT Lê Văn Chiến chia sẻ.
Nhưng chỉ với 2 ha đất nhà mình thì không đủ sản lượng để bán cho công ty, ông chủ Chiến đã đi vận động bà con trong xóm cùng nhau trồng chuối. Chiến nói: Em cam kết với họ, trồng chuối sẽ cho thu nhập gấp nhiều lần trồng keo, và quan trọng là họ đã tận mắt thấy vườn chuối của em “không thể đẹp hơn được nữa”. Kết quả là 11 hộ dân đã góp 6 ha đất để thành lập nên HTX chuối sạch Mỹ Thành.
Thêm nhiều rừng chuối
Thật may mắn cho tôi, vào rừng chuối đúng trà thu hoạch. Khoảng 20 nhân công đang hối hả cõng chuối về bãi tập kết. Anh Nguyễn Trọng Thanh, người có mặt từ những ngày đầu vỡ đất cho rừng chuối, cho biết: Chúng tôi được trả tiền công 300.000 đồng/ngày. Tôi thấy đây là mức lương thoả đáng với lao động nông thôn.
Cũng theo anh Thanh, từ ngày có HTX chuối sạch Mỹ Thành, các anh không lúc nào hết việc, từ chăm sóc, làm cỏ, chằng dây, tưới tắm rồi đến thu hoạch…
Vui không kém Chủ tịch Chiến là ông Nguyễn Vịnh Sơn, thành viên của HTX chuối sạch Mỹ Thành. Ông cười rõ tươi, rằng: Lúc đầu nghe thằng Chiến nói, tui cũng không mấy tin tưởng, vì hắn còn con nít. Nhưng thấy hắn làm, rồi mình cộng tác, nhất là qua đợt thu hoạch vừa rồi thì phải nể hắn cả ngàn lần. Mới vụ đầu tiên thu hoạch, trừ hết các chi phí, mỗi ha chuối thu lãi ròng hơn 350 triệu đồng đấy.
“Này nhé, mỗi kg chuối có giá 5000 đồng, mà mỗi buồng có trọng lượng bình quân là 16kg, vị chi mỗi buồng có giá khoảng 80.000 đồng. Mà mỗi năm, chuối lại cho thu hoạch 3 vụ, ổn lắm” - ông Sơn không giấu được niềm vui.
Tôi lại gặp may khi được cùng Ban quản trị HTX tiếp một vị khách xin đến học tập, cũng là một thanh niên còn rất trẻ - anh Ngô Anh Đức. Đức là chủ một vườn cam nổi tiếng ở xã Tân Phú, hay tin HTX chuối của Chiến đã rất thành công, Đức xin đến để học tập kinh nghiệm với mong muốn thay đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao cho bà con ở xã mình.
Đức cho biết, ở xã Tân Phú, nhiều bà con cũng đang loay hoay với các loại cây trồng nhưng xem ra cũng chưa có hiệu quả. “Tôi sẽ thử nghiệm giống chuối này trước để thuyết phục bà con trồng theo” - Ngô Anh Đức, nói.
Cũng tại buổi “hội kiến” này, tôi được biết thêm thông tin về kế hoạch mở rộng diện tích trồng chuối của HTX Mỹ Thành. Theo đó, đến cuối năm 2022, HTX sẽ trồng thêm 30 ha nữa, trong đó một phần diện tích đất là do các thành viên góp và một phần thì đi thuê lại đất của các hộ dân khác.
Lại thêm một thông tin nữa, mà với tôi cũng thú vị không kém về “ông chủ nhỏ” Lê Văn Chiến, khi được anh “bật mí”: Em lấy tên Mỹ Thành để đặt cho HTX là vì xã Mỹ Thành ở huyện Yên Thành là quê vợ em!