Dừng chân giữa làng Lía (thôn 6, xã Trà Bui), hình ảnh một phụ nữ Ca Dong, với dáng người thấp và nước da sạm nắng trong ngôi nhà sàn mặt hướng về dòng sông Bui; đôi tay bà thoăn thoắt chẻ từng chiếc nan từ cây sa ri đan võng...miệng thì lầm rầm câu hát: "con ngủ cho ngoan. Gà gáy sáng rồi. Mẹ dậy nổi lửa, nấu cơm. Rồi lên nương, đi rẫy. Kiếm cái ăn cho con…". Lời bài hát ru dù ngắn, nhịp điệu đơn giản, nhưng tiếng hát mượt mà ấy, hình ảnh ấy khiến cho chúng tôi được sống lại với thời thơ ấu yên bình bên mẹ, bên bà.
Thấy khách tới thăm, bà Hồ Thị Dôn nở nụ cười thân thiện, tươi cuời mời chúng tôi lên nhà uống nước. Bà chậm rãi kể chuyện về kho tàng văn hóa của người Ca Dong, tình yêu của bà với dân ca, với nghề đan võng truyền thống của đồng bào mình, như là hơi thở, chưa bao giờ ngơi nghỉ.
Kể về cơ duyên đến với dân ca Ca Dong, bà Dôn tâm sự, bà tiếp xúc với dân ca của dân tộc mình khá muộn so với bạn bè trong làng. Dân ca của người Ca Dong mang một đặc trưng so với các dân tộc khác trong vùng. Đó là ở cách hát, nhịp điệu và ca từ vì ảnh hưởng của môi trường sống ngày xưa. Từ những làn điệu dân ca truyền thống như điệu: Kalêu, ra ngêq, ru con, plét, ahội, dê ôdê, đến làn điệu k’cheo trong những đêm lửa rừng bập bùng của mùa lễ hội, thể hiện tâm tư tình cảm của người Ca Dong với ý nghĩa cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi để đồng bào no cái bụng, sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, núi rừng. Không chỉ bằng lời, những điệu múa xoang nhẹ nhàng, uyển chuyển của phụ nữ Ca Dong cũng đều thấm đẫm tinh thần ấy.
Dân làng đã quen với hình ảnh bà vừa đan võng, vừa hát mỗi ngày. Bà Dôn bảo chắc chỉ tới khi tàn hơi miệng mới không hát, tay run không cầm được cây sa ri thì mới thôi đan võng. “Biết yêu văn hoá đồng bào mình là biết tiếc, biết giữ. Nhưng tôi cũng lo lắm, bởi vì bây giờ cái gì cũng nhanh chóng, vội vã nên đã có những giá trị gần mai một. Nhất là thế hệ trẻ, nhiều cháu cũng bắt đầu lạnh nhạt với văn hoá người Ca Dong”.
Càng ngày càng ít những người nhớ những điệu hát, lời ru. Nhu cầu nằm võng của người Ca Dong trong làng, trong xã cũng dần ít đi. Bà kể chuyện, dù đã được làm quen với chiếc võng đan bằng cây sa ri và được mẹ truyền dạy nghề đan võng từ nhỏ nhưng cũng phải mất vài năm sau, bà mới có thể đan thành thạo một chiếc võng.
Võng sa ri được người Ca Dong đan theo kỹ thuật riêng biệt và hoàn toàn thủ công. Quy trình đan võng này rất công phu, đòi hỏi người đan không những khéo léo, mà còn phải kiên trì, bền bỉ. Học đan võng phải bắt đầu chăm chú từ khi lột vỏ cây sa ri để lấy sợi. Đến quan sát người đan, khi đã cảm thấy đủ háo hức và muốn học thì người già mới chỉ.
Từ rất lâu, bà không còn đan võng để bán, mà chỉ đan để phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, họ hàng. Trong điều kiện khó khăn đó, bà Dôn vẫn chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề đan võng thủ công từ cây sa ri. Bà vẫn luôn kiên trì, dồn tâm sức gìn giữ, lan tỏa nghề truyền thống này của người Ca Dong. Tình yêu văn hoá cũng như trồng một cái cây, phải vun xới, tưới tắm, chăm sóc và nỗ lực trước mọi điều kiện thời tiết thì mới mong nhận được quả ngọt. Đã có những đứa trẻ, những phụ nữ tìm đến bà Dôn để học nghề, để tìm lại, hiểu thêm về văn hoá.
Như một sứ giả văn hoá, người đàn bà ở tuổi thất thập này vẫn lặng lẽ, ngày qua ngày gìn giữ bản sắc truyền thống của người Ca Dong. Anh Hồ Thanh Cường, Chánh Văn phòng UBND xã Trà Bui cho biết: Hơn 20 năm qua, bà Hồ Thị Dôn đã tham gia rất nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ do xã tổ chức và tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc do huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam tổ chức. Bà Dôn đã được các cấp trong huyện và tỉnh tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen về các hoạt động trong việc gìn giữ văn hóa tại địa phương.
Nay dù tuổi đã cao, bà Dôn vẫn giữ được ngọn lửa đam mê với văn hóa truyền thống và hát dân ca, đan võng của dân tộc mình. Hiện tại, xã đã hoàn tất việc lập hồ sơ gửi lên các cơ quan ở huyện Bắc Trà My và ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam, đề nghị tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho bà Hồ Thị Dôn.