Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Người của biển

Việt Thắng - Khánh An - 10:04, 07/03/2023

Đang là cán bộ đoàn, tiếp tục học lên để lọt vào danh sách quy hoạch cán bộ xã, anh Phan Văn Hải ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) lại quyết định "rẽ sóng" sang làm thuyền trưởng vươn khơi ra biển lớn.

Anh Phan Văn Hải, người được bà con coi là thuyền trưởng của làng biển
Anh Phan Văn Hải - người được bà con coi là thuyền trưởng của làng biển

"Rẽ sóng" vươn khơi

Học xong lớp 9, Phan Văn Hải cùng cha và các anh lên tàu đi biển. Công việc nặng nhọc cùng với khát vọng học tiếp, năm 1999, lúc đó đã 22 tuổi, Hải bỏ biển để học bằng xong chương trình THPT. Rồi anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã. Là một cán bộ đoàn năng nổ, có năng lực nên anh được tổ chức bồi dưỡng để quy hoạch làm cán bộ xã. Được tổ chức quan tâm, anh đã thi vào trường Đại học Luật, hệ vừa học vừa làm, với mong muốn nâng cao trình độ cho bản thân để có thể đảm nhiệm công tác được giao sau này.

 Ngày nhập học đã đến, thì Hải quyết định thôi làm cán bộ, “rẽ sóng” về với biển. Anh nói: “Cha tôi già rồi, thấy ông vật lộn với con tàu cũ trong mỗi chuyến ra khơi, tôi lại không cầm nổi lòng mình. Với ông, còn sức là còn bám biển. Tôi quyết định “thừa kế” con tàu cũ của cha mà mưu sinh”.

Con tàu cũ kỹ đó dưới bàn tay miệt mài của Hải, không những nuôi sống gia đình mà còn tạo cho anh một nguồn thu kha khá, để đến năm 2016, Hải trở thành ông chủ của 5 con tàu, trị giá hơn 12 tỷ đồng. Hải không chỉ là thuyền trưởng của đội thuyền nhà mình, mà anh còn được bà con suy tôn là thuyền trưởng của cả làng cá. Chính vì thế mà anh được các ngư dân bầu làm Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập.

Lại thêm một sáng kiến nữa của Hải. Do đặc thù nghề cá, thời gian phần lớn đi đánh bắt nên anh đề xuất thành lập Chi bộ nghề cá trên biển. Và anh lại được 15 đảng viên của toàn Chi bộ bầu làm Bí thư. “Chi bộ chúng tôi có 2 nhiệm vụ chính, là tham gia cứu hộ cứu nạn và tìm kiếm ngư trường. Nếu có tai nạn, các đảng viên tiên phong ứng cứu, khi phát hiện được ngư trường tốt thì có trách nhiệm thông báo cho tàu bạn biết để cùng khai thác”, Bí thư Hải cho biết.

Những năm gần đây, do giá dầu lên cao, rất nhiều tàu đã neo nghỉ, lao động không có việc làm, thế nhưng đội tàu của anh Hải vẫn bám biển ngày đêm. Mới hay, người thuyền trưởng này đã có sáng kiến, dùng 1 tàu trong số 5 tàu của anh làm tàu hậu cần, cung cấp nhu yếu phẩm cho các tàu còn lại, và thu gom hải sản về đất liền; tăng thời gian đánh bắt trên biển lên đến 15 ngày, thế là chi phí cho mỗi chuyến đi biển cũng không cao hơn trước bao nhiêu. 25 thuyền viên của anh Hải không một ngày thiếu việc, thu nhập ổn định từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng. 

“Nếu mình không cố gắng, không nghĩ cách thì người lao động sẽ mất việc làm, họ phải tự bươn chải tứ xứ, sau này thuận lợi tìm kiếm lại họ rất khó khăn. Nghề nào cũng có lúc thăng trầm, lúc đói cũng như lúc no, mình phải đồng cam cộng khổ với họ. Chúng tôi là anh em mà”, thuyền trưởng Hải vừa giỏi giang, lại vừa rất nghĩa tình.

Đội tàu 5 chiếc của anh Hải vừa cập bờ sau những ngày dài bám biển
Đội tàu 5 chiếc của anh Hải vừa cập bờ sau những ngày dài bám biển

Không xa đâu, Hoàng Sa ơi

Có thể nói trước năm 2014 và trước anh Hải, thì chưa có tàu đánh bắt nào của Nghệ An ra đến Hoàng Sa, mà ngư trường chính là Vịnh Bắc Bộ. Anh kể, trong những lần giao lưu với ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam, anh hỏi họ về ngư trường này. Không những nhận ra đây là ngư trường tiềm năng mà trách nhiệm của ngư dân là còn phải khẳng định chủ quyền biển đảo, anh Hải đã cùng với các thuyền viên của mình quyết định giong cờ trực chỉ Hoàng Sa. “Hôm đó, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Nghệ An đến tặng hoa mà tôi chưa dám nhận, vì không biết mình có đến được vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc đó hay không”. 

Chuyến đi Hoàng Sa của Hải đã thành công hơn cả mong đợi, đánh bắt được nhiều, xong lại được tàu Phú Yên thu mua luôn. Trong năm đó, Hải đã chỉ huy 3 chuyến tàu, mỗi chuyến kéo dài 20 ngày, đánh bắt ở Hoàng Sa, mở đường cho ngư dân Nghệ An đến với ngư trường này. Anh nhớ lại, ngư trường truyền thống của chúng tôi chỉ trong phạm vi 70 - 80 hải lý. Ra Hoàng Sa những 380 hải lý nên nhiều người e ngại. Nếu mình không tiên phong thì ai nữa, trước lạ sau quen, nghĩ thế nên tôi quyết định đi. Đến nay thì Hoàng Sa không còn xa lạ với bà con ngư dân Nghệ An nữa rồi.

Biển đã chọn anh

Đề án ngư dân bảo vệ môi trường biển của Phan Văn Hải, làm tôi hết sức cảm động. Không chỉ biết đánh bắt, mà Hải còn sống có trách nhiệm với biển. Anh đã hết sức lo lắng, trăn trở khi thấy mặt biển đầy rác. “Vùng biển cách đất liền chừng vài chục hải lý vẫn đầy rác thải, nào là túi nylong, nào là găng tay, chai nhựa… đủ thứ rác trên đời. Rác không chỉ gây ô nhiễm mà còn cản trở việc làm ăn của ngư dân, khi họ kéo lưới, vướng rác, mất công lắm chứ”, anh Hải tâm sự.

Sốt ruột quá, anh Hải đã đề xuất với xã Quỳnh Lập, xây dựng mô hình ngư dân bảo vệ môi trường biển. Thay vì vứt rác bừa bãi như trước đây, mỗi tàu phải trang bị thùng đựng rác thải. Mỗi khi tàu cập bến, Hội Phụ nữ xã sẽ thu gom để bán phế liệu, tiền thu được nhập vào các quỹ từ thiện. Từ ngày có mô hình này, rác thải trên biển đã giảm hẳn, ngư dân tích cực tham gia, ai cũng thấy cái lợi, cái hay…

Ở Quỳnh Lập, mỗi khi nhắc về Thuyền trưởng Phan Văn Hải, bà con không thể không kể về tinh thần dũng cảm của anh. Một trong nhiều câu chuyện cứu giúp ngư dân của anh Hải là vào năm 2010. Bữa đó, tàu của Hải vừa cập bến đền Cờn để tránh bão, thì nhận được tin một con tàu của ngư dân trong xã bị hỏng máy, đang trôi tự do, nguy cơ bị chìm trong bão là rất cao. Cơ quan chức năng đã kêu gọi nhiều tàu ứng cứu nhưng trong vần vũ gió mưa, không ai dám nổ máy. 

Trời một ngày một tối, gió mỗi lúc một to, Hải không thể cẩm lòng trước cảnh 7 người đàn bà, là vợ của 7 ngư dân đang gặp nạn kia, khóc lóc thảm thiết, anh ra lệnh cho cả tàu: Nổ máy! Dù một thuyền viên sợ quá, nhảy xuống khỏi tàu, nhưng Hải vẫn kiên quyết không quay đầu. Mấy giờ đồng hồ vật lộn trong gió bão, tàu của Hải đã tiếp cận được con tàu bị nạn. Rồi mất thêm 9 giờ đồng nữa, thuyền trưởng Hải và anh em mới lai dắt được con tàu kia vào bờ, trong niềm cảm phục, hân hoan của bà con. Những nụ cười rạng ngời, những cái ôm thật chặt hôm đó, là phần thưởng lớn nhất mà mọi người dành cho anh.

Chia tay người thuyền trưởng giỏi giang và tình nghĩa ấy, tôi nói với anh: Không phải bạn “rẽ sóng” mà biển đã chọn bạn!

Tin cùng chuyên mục
Gian nan cuộc chiến chống mối cho cây chè Suối Giàng

Gian nan cuộc chiến chống mối cho cây chè Suối Giàng

Dù đã có những nỗ lực được triển khai trong hàng chục năm qua, những cây chè shan tuyết cổ thụ tại xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) vẫn đang phải oằn mình chống chịu sự tấn công ngày một mạnh mẽ của loài mối. Không ít cây đã bị tàn phá đến mức chết khô dù cho tuổi đời đã lên tới hàng trăm năm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sinh kế của bà con đồng bào dân tộc thiểu số đang sống dựa vào cây chè, mà còn đe dọa sự tồn vong của một trong những vùng chè hiếm có bậc nhất của cả nước.