Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xóa mù chữ cho đồng bào vùng sâu

PV - 15:55, 17/07/2018

Để giúp đồng bào dân tộc Ê-đê hiểu được giá trị, ý nghĩa của việc học chữ, các cán bộ đoàn viên, thanh niên xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk đã kiên trì đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con suốt 3 tháng liền. Ngoài ra, các cán bộ Đoàn còn kêu gọi tài trợ hỗ trợ sách, vở, dụng cụ học tập nhằm khuyến khích bà con đến lớp học chữ.

xóa mù chữ Cán bộ đoàn hỗ trợ hướng dẫn bà con cầm bút.

Buôn Đrai là một trong những buôn khó khăn của xã Ea Na, phần lớn là đồng bào Ê-đê sinh sống, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ cao nên việc vận động bà con học chữ rất khó khăn. Bằng sự nỗ lực, kiên trì của tuổi trẻ, các cán bộ Đoàn xã Ea Na đã đến từng nhà vận động bà con đến lớp học chữ. Gần 1 tháng qua, 30 học viên đồng bào dân tộc Ê-đê ở buôn Đrai, xã Krông Na đã cùng nhau cắp sách đến nhà cộng đồng buôn tham gia lớp học. Lớp học được tổ chức mỗi tuần 3 buổi vào thứ 2, 4, 6, thời gian học từ 7h đến 9h tối.

Trước đây, vợ chồng anh Y Wik Hđơk và chị H’Bla A Đrơng thường phải dùng tay điểm chỉ trên các giấy tờ mỗi khi làm việc liên quan đến thủ tục hành chính hoặc hồ sơ khám bệnh. Không biết chữ, không hiểu nội dung giấy tờ, không biết tính toán khi mua bán đã gây ra không ít khó khăn cho anh chị trong các giao dịch. Khi được cán bộ đoàn vận động đi học chữ, anh chị đã thu xếp việc nhà để tranh thủ đến lớp học. Chỉ trong thời gian ngắn tham gia lớp xóa mù chữ, hai vợ chồng đã viết được họ tên mình, làm được những phép tính đơn giản và tự tin tham gia các lớp tập huấn, hội thảo nông nghiệp. Anh Y Wik phấn khởi thông tin: “Tuần trước, vợ chồng tôi đi dự lớp tập huấn về các mô hình phát triển kinh tế, dù chưa đọc được trôi chảy nhưng chúng tôi cũng hiểu được một phần nội dung tài liệu tập huấn. Vợ chồng tôi đang cố gắng tích cực học chữ để đọc được báo, học hỏi ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để thoát khỏi cái nghèo”.

xóa mù chữ Vợ chồng anh Y Wik Hđơk và con gái cùng đến lớp học xoá mù chữ.

Còn chị H’rem Niê đang mang thai tháng thứ 6 nhưng vẫn cùng chồng là anh Đinh Văn Sơn đều đặn đến lớp mỗi tuần 3 buổi. Chị cho biết, trước đây, do hoàn cảnh khó khăn, gia đình đông con, trường học lại ở xa nên trong nhà không có ai được đi học. Nay cán bộ, chính quyền về tận buôn mở lớp, các em đoàn viên, thanh niên giúp đỡ nhiệt tình nên cả hai vợ chồng mới đi học. Biết chữ rồi, mình sẽ không phải đi nhờ người mỗi khi làm giấy tờ nữa. Sắp tới đến kỳ sinh nở có thể tự làm thủ tục và ký hồ sơ được rồi!

Lớp học xóa mù chữ còn thu hút nhiều em nhỏ theo bố mẹ đến lớp. Em H’Mly, 9 tuổi ở buôn Krông chia sẻ: Đến lớp học này, em vừa được ôn lại bài, củng cố kiến thức đã học ở trường, khi về nhà có thể chỉ thêm cho bố mẹ học chữ.

Được biết, lớp xóa mù này có 30 học viên tham gia. Thời gian đầu chưa quen việc học nên các học viên còn hay quên sách vở hoặc nghỉ học không có lý do, nhưng chỉ sau vài ngày, mọi người tích cực học tập, tiếp thu nhanh. Anh Phạm Như Quyết, cán bộ Đoàn của buôn Đrai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sức sống trẻ huyện Krông Ana tham gia đứng lớp học chia sẻ: Khó khăn lớn nhất khi mở lớp học xóa mù chữ là việc vận động, tuyên truyền. Chúng tôi kiên trì suốt 3 tháng trời, gõ cửa từng nhà, cùng ăn, cùng sinh hoạt để vận động, tuyên truyền, khi bà con tin tưởng mới mở được lớp học này. Nhiều học viên khi đến lớp, lần đầu cầm bút, tay còn cứng, những nét chữ chưa được rõ ràng. Một số học viên tuổi cao, mắt đã mờ nên việc nhận biết mặt chữ cũng rất khó khăn. Bù lại, các học viên rất tích cực, tự giác, chăm chỉ học tập.

Mục tiêu kết thúc khóa học, các học viên đều biết đọc, biết viết giới thiệu bản thân gồm: họ và tên, năm sinh, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình và thực hiện được những phép tính cơ bản. Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên sẽ làm một bài kiểm tra, những học viên làm tốt bài kiểm tra sẽ được nhận một chứng chỉ phổ cập xóa mù chữ do Phòng Giáo dục cấp.

Anh Đào Đức Hiệp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Krông Ana, người gợi mở ý tưởng thành lập lớp xóa mù chữ cho biết: Lớp học được triển khai từ năm 2016, mở tại các buôn Kmăl, buôn Krang và buôn Êcăm. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ mở thêm 2 lớp tại buôn Đrai và thị trấn Buôn Trấp. Các lớp học xóa mù chữ cho bà con được đánh giá rất thành công, tạo dấu ấn sâu rộng.

Ngoài việc dạy chữ, bà con đến lớp học còn được tiếp cận các kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, kiến thức pháp luật, vấn đề an toàn giao thông, quản lý tài chính gia đình, nâng cao hiểu biết xã hội, từ đó tạo tiền đề cho bà con xóa đói giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

LÊ LIÊN - LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.