Vượt cổng Trời…làm “cán bộ”
Và Bá Của quê ở mãi tít trên “cổng trời” Mường Lống huyện rẻo cao Kỳ Sơn. Sở dĩ gọi Mường Lống là “cổng trời”, bởi nơi ấy có độ cao thuộc tốp đầu xứ Nghệ, quanh năm bản làng chìm trong mây mù và gió hú. Nếu tính từ Tp. Vinh ngược lên, cũng đi ngót 1 ngày trời. Chưa kể, từ trung tâm huyện Kỳ Sơn vào Mường Lống còn là một hành trình nhọc nhằn. Sự xa ngái ấy khiến cho sự học của người Mông nói chung, của Và Bá Của nói riêng thêm khó.
Cho đến bây giờ, dù đã tốt nghiệp cấp III chừng 35 năm, nhưng Và Bá Của không bao giờ quên hành trình đi tìm con chữ đầy gian nan của mình. Và Bá Của sinh năm 1970, trong một gia đình nghèo tại bản Xám Xúm, xã Mường Lống. Thời ấy, Của là một trong ít những người Mông hiếm hoi học lên cấp III.
“Tôi phải đi bộ những 2 ngày đường từ nhà mới ra được thị trấn Mường Xén để học cái chữ. Để tới trường, tôi phải đi bộ từ mờ sáng, đùm gạo và muối trắng mang theo. Tối ở đâu thì ngủ nhờ ở đó. Sáng mai lại đi tiếp và cũng cuối chiều mới ra đến trường”, anh Của kể lại.
Nhà nghèo, đường lại quá xa, có lúc Và Bá Của tưởng chừng như sự học của mình phải tạm gác lại. Nhưng rồi, ý nghĩ “làm sao để thoát nghèo, chỉ có học và học”… lại thôi thúc bước chân anh.
Sau khi học hết cấp III, Và Bá Của tiếp tục theo học Trường Trung cấp Kinh tế Nghệ An. Chàng trai người Mông lại tiếp tục hành trình gian khó những hơn 300 km về Tp. Vinh vì cái chữ. Đến năm 1994, sau khi ra trường, anh được tuyển dụng về công tác tại Ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An).
Chàng trai người Mông ở bản nghèo, xã khó năm nào giờ đã là một cán bộ công tác trong lĩnh vực dân tộc. Nhưng, những yêu cầu cao từ công việc, từ thực tiễn cuộc sống đã thôi thúc Và Bá Của học lên cao hơn; để rồi, anh tiếp tục hoàn thành xong chương trình đào tạo Đại học chuyên ngành Quản lý kinh tế - Lâm nghiệp; cao cấp chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Hiện nay, Và Bá Của là cán bộ người dân tộc Mông duy nhất trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp phòng của các sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An. Anh Của đùa vui: “Giờ là phó phòng rồi đấy, nhìn cũng oai lắm đó”. Nhưng rồi anh trầm giọng, “với bà con, với đồng bào, mình chỉ là một người con, một công dân nhỏ bé thôi”.
Làm cho dân tin, nói cho dân hiểu…
“Con đường trở thành cán bộ công tác trong ngành dân tộc với tôi thật tình cờ. Năm 1994, sau khi học xong Trường Trung cấp Kinh tế Nghệ An, tôi xin việc nhiều nơi nhưng chưa được. Nghe tin ở Ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An) tuyển dụng, tôi nộp hồ sơ và sau đó được nhận vào làm”.
Bấm đốt tay, Và Bá Của nhẩm tính, “ngót 30 năm, chính xác là 29 năm mấy tháng tôi gắn bó với ngành Công tác dân tộc”.
Trong miên man về những tháng ngày lội suối, trèo đèo đến với bà con dân bản, Và Bá Của vẽ nên trong tâm trí chúng tôi đủ các cung bậc cảm xúc, đủ cả những khó khăn, vất vả trên hành trình “làm cho dân tin, nói cho dân hiểu”.
Anh Của kể lại: Cách nay khá lâu, có một tốp đồng bào Mông ở xã Tri Lễ (Quế Phong) tranh chấp đất đai kéo xuống Ban Dân tộc. Lãnh đạo Ban đã tiếp xúc, làm việc nhưng dân không chịu, cứ nằng nặc đòi đi Trung ương. Khi được lãnh đạo Ban gọi sang giao nhiệm vụ tìm hiểu, tôi đã giải thích với bà con, nếu ra tận Trung ương thì sẽ rất tốn kém, không nên đi, việc này tỉnh giải quyết được. Tôi cũng nói với bà con rằng, mình là người Mông, sẽ đại diện cho Ban đứng về phía sự thật để giải quyết. Sau khi vận động, giải thích, bà con đã chấp thuận ở lại, không đi Trung ương nữa. Bởi tôi nói rằng, ai cũng muốn giành phần thắng nhưng thắng mà không đúng pháp luật, không đúng sự thật, lòng người còn băn khoăn thì thắng làm gì.
Những kỷ niệm trong đời làm công tác dân tộc của Và Bá Của thì vô vàn. Ấy là những lần vào bản trên con xe cà tàng, vật lộn với đường đất trơn như mỡ; ấy là những dịp đi cơ sở gặp mưa lũ nước chảy xiết, không thể trở ra kịp vì đường đã ngập. Là người con của bản Mông, những phong tục, tập quán của bà con, Và Bá Của thuộc như “nằm lòng”. Cũng tưởng rằng đó là lợi thế không thể tốt hơn, nhưng sự đời lắm lúc không hẳn vậy. “Có những việc mình giải thích, tuyên truyền, vận động nhưng chưa được; như di cư tự phát sang Lào, rồi tục kết hôn sớm… Mình cũng buồn lắm, nhưng biết làm sao”, anh Của chia sẻ rồi lại tự động viên rằng: Hành trình của người làm công tác dân tộc là không có điểm dừng mà chỉ là những đích đến. Hạnh phúc nhất là khi những chính sách dân tộc đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra, đời sống bà con nhờ thế ấm no hơn, phát triển hơn…
Tự bao giờ, Và Bá Của đã không chỉ là điểm tựa, trao gửi tâm sự của bà con các bản làng miền Tây xứ Nghệ; mà còn là niềm tin gửi gắm trách nhiệm của lãnh đạo Ban về những tham mưu, đề xuất trong thực hiện nhiệm vụ.
Trên cương vị của mình, Và Bá Của đã đề xuất và trực tiếp tham mưu xây dựng chính sách như: Mua muối I-ốt, giống cây, giống con, dầu hỏa; tham mưu đề xuất nâng định mức chính sách hỗ trợ cho vay vốn… cho hộ nghèo vùng khó khăn, đúng đối tượng, sát thực tế. Anh còn chủ trì soạn thảo tài liệu và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy, chống tái trồng cây thuốc phiện; tham mưu tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào DTTS…; đặc biệt, thực hiện hiệu quả vai trò tham mưu trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội…
Điều gì khiến anh còn trăn trở nhất? - Chúng tôi hỏi và Và Bá Của như dốc cả ruột gan: Cuộc sống đồng bào còn nghèo, nhiều gia đình không có nhà để ở, cơm ăn còn đứt bữa. Chưa kể, con trẻ chưa được học hành đầy đủ, sinh kế còn thiếu, hạ tầng cơ sở chưa bảo đảm… Ngay như bản làng của tôi cũng vậy, đời sống bà con còn quá nhiều vất vả. Đó là điều tôi day dứt nhất.
Với Và Bá Của, đi là để cảm nhận, thấu hiểu và sẻ chia. Bao nhiêu năm qua, bước chân anh Của đã in dấu khắp các bản làng miền Tây xứ Nghệ. Bước chân ấy hãy còn hăm hở và háo hức, như thể mấy mươi năm trước anh rời bản làng, cuốc bộ 2 ngày đường đi học với niềm tin mãnh liệt về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn khi “trong bụng đầy chữ”. 30 năm là trường đoạn của một đời người. Với nhiều người, đó là một hành trình và với Và Bá Của cũng vậy, nhưng chắc hẳn nó sẽ còn tiếp diễn như chính lẽ sống và hơi thở của anh vậy.
Với những thành tích đạt được, Và Bá Của vinh dự được nhận: Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển dân tộc và miền núi của Ủy ban Dân tộc; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác trong năm 2007, 2008, 2019; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về thành tích xuất sắc trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 30a (2008 - 2010); Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã đạt thành tích xuất sắc năm 2015…