Anh thợ điện “thất nghiệp”
Nhà ông Toàn hôm nay tiếp nhiều bà con lắm, họ đến để xin giống cỏ sữa về trồng. Trong rôm rả câu chuyện, ông kể về thời trai trẻ của mình mà không nhiều người còn nhớ: Những năm đầu 1980, tui đã đi học nghề điện. Bản Tam Bông ngày đó oai lắm, có máy phát điện hẳn hoi. Tui được cử phụ trách máy phát điện. Hồi đó đang trẻ, cứ nghĩ mình có cái nghề mà cả xã ít ai có. Mà đúng thật, tui đứng máy những 15 năm cơ mà. Thế rồi năm 1995, điện lưới về xã, tui thất nghiệp. Đến đây, ông Toàn nhấp một ngụm chè xanh, cười sang sảng, làm mọi người cũng cười theo vui vẻ.
Rồi ông kể tiếp, nhưng chỉ một năm thôi, năm sau tui được bà con bầu làm Đội trưởng đội sản xuất. Hết làm đội trưởng lại được giao làm thư ký kiêm thủ quỹ. Hết thời làm thư ký lại được bầu làm Bí thư Chi bộ. Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ đó, tui được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành, được phân công làm Chủ tịch Hội Nông dân. “Chà, chà, làm ở bản còn đỡ, lên làm cán bộ xã biết bao nhiêu là việc. Làm sao để tăng năng suất cây trồng, làm sao để xoá đói giảm nghèo…” – ông Toàn nhớ lại.
Ông chia sẻ về giai đoạn đó: “Phải đọc nhiều lắm, rồi tìm kiếm, đối chiếu với thế mạnh của xã mình. Tôi nhận ra, phải sản xuất hàng hoá, mà trước hết là mở rộng diện tích cây ăn quả và cây mét. Tam Quang đất rộng, bà con tha hồ trồng mét. Mét dễ bán, thứ thì bán về xuôi, thứ bán cho nhà máy giấy, ngạ mét là giao tiền”. Tuy nhiên, để bà con hưởng ứng thì cũng gian nan lắm. Hồi đó, có những gia đình được giao đất cũng không thèm nhận.
Ông Toàn với trò là Chủ tịch Hội Nông dân đã xung phong nhận gần chục ha. Và rừng mét của ông cứ thu tiền đều đều, chính là mô hình hiệu quả để bà con làm theo. Nhiều gia đình nhờ cây mét mà đổi đời, từ nghèo đói vươn lên thành hộ khá. Cùng với đó là, phong trào khai hoang ruộng nước được phát động nên tình trạng đứt bữa, đói ăn đã không còn. “Nói thì phải làm, làm thì phải hiệu quả, dân mới tin. Mà dân đã tin thì không có việc gì không thành” – ông Toàn chia sẻ.
Vận động bà con trồng cỏ, nuôi bò
Trước khi nghỉ hưu, ông Toàn giữ các chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Tam Quang. Về nghỉ chưa bao lâu thì bà con lại suy tôn ông làm người có uy tín của bản Tam Bông. Ông thành thật, mình chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu nhiều về công việc của Người có uy tín, chỉ tin rằng, Người có uy tín phải là người bạn chân thành của bà con, đồng thời phải nắm vững chủ trương, đường lối; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể để nói cho dân hiểu, làm cho dân tin. Vì thế người ta ví là bạn của dân, chân của bản.
Và với tôi, thì trước hết, Người có uy tín phải góp phần với bà con phát triển kinh tế trước đã. Khi nhận nhiệm vụ mới, tôi đã động viên bà con phát triển đàn bò nuôi nhốt. Thay vì thả rông như lâu nay thì vận động họ làm chuồng trại, một là hợp vệ sinh thôn bản, hai là có điều kiện chăm sóc để bò mau lớn, mau béo. “Muốn thế, thì mình lại phải đi đầu thôi, không có cách nào khác đâu” – ông Toàn nhấn mạnh.
Dẫn chúng tôi tham quan khu chuồng trại của 20 con bò thịt, ông Toàn cho biết: Tôi đã phải trồng 1 ha cỏ sữa, và đã thử qua 11 giống để chọn loại cỏ thích hợp nhất với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Sau khi tôi bán lứa bò thứ nhất thì nhiều bà con cũng đã mạnh dạn đầu tư. Và rất vui là đến nay đã có trên 50 hộ đầu tư nuôi bò dạng nhốt, diện tích đất trồng cỏ đã tăng trên 5 ha. Bà con chỉ cần thực hiện thôi, còn giống cỏ và kỹ thuật trồng cỏ thì tôi tặng và hướng dẫn cho họ, bất cứ lúc nào họ cần.
“Nuôi bò, trồng mét, trồng cây ăn quả hàng hoá…là chủ trương lớn của xã. Vấn đề là mỗi bản, mỗi nhà phải thực hiện như thế nào, mà trong đó vai trò của Người có uy tín cũng rất quan trọng. Tôi cho rằng, không gì bằng phải chân thành với bà con, đã nói là làm và làm có hiệu quả thì dân tin theo” – ông Toàn thẳng thắn.
Làm Người có uy tín cũng vất vả đấy chứ, ông có muốn nghỉ không – tôi hỏi? Ông Toàn nghiêm nghị nét mặt: Không phải nghỉ hưu là nghỉ việc xã hội đâu, khi dân còn cần, còn tin yêu thì mình phải gánh vác!