Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Người có uy tín ở Phú Thọ: "Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”

Thu Hương - Ngọc Ánh - 05:36, 06/12/2023

Với phương châm "Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, những Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Phú Thọ đã tiên phong vận động đồng bào loại bỏ lề xưa thói cũ lạc hậu, loại bỏ hủ tục, đói nghèo, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ. Theo đó, chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt lên.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Quốc Tuấn chúc mừng các đại biểu Người có uy tín tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Phú Thọ năm 2023
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Quốc Tuấn chúc mừng các đại biểu Người có uy tín tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Phú Thọ năm 2023

“Hành lang” hương ước, quy ước

Xác định vai trò quan trọng của đội ngũ Người có uy tín (già làng, trưởng bản, cán bộ chủ chốt, nhân sĩ, trí thức...) trong xây dựng khối đại đoàn kết vùng đồng bào DTTS, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của tỉnh Phú Thọ đã thực hiện nhiều chính sách để động viên, khích lệ lực lượng đặc biệt này. Với tình yêu, sự gắn bó với quê hương, xóm làng cộng hưởng với nguồn động lực to lớn, 565 Người có uy tín trong cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã phát huy vai trò nòng cốt, thực sự là "cầu nối" quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Khu Nhồi, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập có 462 nhân khẩu thì một nửa là người dân tộc Mông. Trưởng khu Đinh Thị Linh đã có 20 năm tâm huyết với công tác tuyên truyền, phản đối tình trạng tảo hôn, lập gia đình sớm của thiếu niên người Mông nơi đây. Là người con sinh ra và lớn lên ở bản Nhồi, cũng giống như các mẹ, các bà của mình, 17 tuổi, Đinh Thị Linh đã lấy chồng, 38 tuổi đã lên chức bà nội. Từng trải nên chị hiểu rõ hơn ai hết sự cơ cực, nhọc nhằn của việc lấy chồng sớm, nữ Trưởng khu đã tích cực phối hợp với các đoàn thể địa phương tuyên truyền tới các hộ gia đình có con cái đến tuổi “cập kê” không nên kết hôn sớm. Chỉ cần nghe nói nhà nào, cặp đôi nào có ý định “theo” nhau khi chưa đủ tuổi là Trưởng khu Đinh Thị Linh sẽ đến nhà, lắng nghe tâm tư, trao đổi với người lớn, khuyên bảo lớp trẻ.

Bà Đinh Thị Linh, Trưởng khu Nhồi, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập tuyên truyền các bạn trẻ người DTTS độ tuổi vị thành niên “nói không với tảo hôn”.
Bà Đinh Thị Linh, Trưởng khu Nhồi, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập tuyên truyền các bạn trẻ người DTTS độ tuổi vị thành niên “nói không với tảo hôn”.

“Với con gái, mình dùng kinh nghiệm bản thân đã từng trải qua mà nói chuyện. Với con trai, mình phải dùng hiểu biết về pháp luật mà phân tích những hệ quả mà các bạn nam có nguy cơ phải đối mặt khi phát sinh quan hệ với bạn nữ chưa đủ tuổi”, chị Linh cho biết.

Khoảng 20 năm trở về trước, khu Nhồi, xã Trung Sơn có đến 90% phụ nữ lấy chồng, sinh con khi chưa đủ tuổi. Hiện nay, con số này đã giảm xuống rất thấp. Lứa tuổi sinh năm 2005 - 2008, lập gia đình trước năm 18 tuổi còn khoảng 4 - 5 trường hợp. Những năm trở lại đây, đồng bào Công giáo người Mông đã đặt ra quy ước chung: Đối với nhà có con cái kết hôn khi chưa đủ tuổi, không đăng ký kết hôn thì dân làng sẽ không đến ăn cưới và chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Sự phản đối không chỉ mang tính chất truyền miệng mà nay đã trở thành tư duy xã hội, quy ước chung của bản làng.

Khu Minh Nga, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn có 145 hộ người Dao, trong đó có 50 hộ nghèo và cận nghèo. Trưởng khu Phùng Thị Toàn gặp chúng tôi tại lớp tập huấn phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho Trưởng khu dân cư, do Phòng Dân tộc huyện tổ chức. Chị Toàn chia sẻ: Từ năm 2022 đến nay, cả khu chỉ còn một cặp đôi lập gia đình khi chưa đủ tuổi. Khu Minh Nga đã họp và xây dựng hương ước quy định: Gia đình cho con cái kết hôn khi chưa đủ tuổi, làng sẽ không cho thầy mo đến làm lễ cúng, cán bộ, đảng viên ở địa phương không được đến uống rượu mừng.

Bằng những biện pháp cụ thể, quyết liệt, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Tân Sơn đã được đẩy lùi. Từ năm 2019 đến năm 2021, toàn huyện có 1.419 cặp kết hôn thì chỉ có 20 vụ tảo hôn (chiếm 1,4%), hôn nhân cận huyết thống đã được xóa bỏ hoàn toàn.

Thượng tá Nguyễn Kiên Cường, Phó Trưởng Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Phòng đã tham mưu xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng các tổ chức và Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào DTTS; kiện toàn và duy trì hoạt động của 967 Ban an ninh trật tự, 5.247 Tổ liên gia tự quản và nhân rộng các mô hình, điển hình trong công tác đảm bảo an ninh trật tự vùng tập trung đông đồng bào DTTS. Thông qua phát huy vai trò của Người uy tín tại các tổ chức, mô hình đã góp phần đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào DTTS, tạo thế trận an ninh Nhân dân liên hoàn, khép kín, tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội.

Để phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào DTTS thật sự đi vào chiều sâu, bên cạnh việc tổ chức các chương trình thăm hỏi, tặng quà cho Người có uy tín. Các cán bộ, chiến sĩ Công an còn vận động, khích lệ lực lượng này tham gia các hoạt động phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự và làm nòng cốt cho các phong trào tại địa phương.

Đẩy lùi hủ tục

(CĐ NCUT) Người có uy tín ở Phú Thọ: "Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” 3

Đồng bào dân tộc Mông ở bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn từ thuở xa xưa đã lưu truyền một câu nói: “Luật tục của người Mông như con dao chém vào đá, như mũi tên rời khỏi nỏ, ngàn đời chẳng thể thay đổi”. Ấy vậy, già làng Mỹ Á Sùng A Vang lại vận động người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tạo lập nếp sống mới văn minh.

Già làng A Vang sinh năm 1959, trưởng thành trong gia đình “cha truyền con nối” hành nghề thầy cúng. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, thầy cúng người Mông là hiện thân cho tư duy, thành kiến lạc hậu, sáo mòn nhưng ông Vang lại tiên phong khuyên dân bản không được làm đám tang nhiều ngày.

Đám tang ở Mỹ Á hiện nay theo nếp sống mới, cho vào quan tài, để trong nhà tối đa hai ngày là đem chôn. Gia đình chỉ làm cơm thiết đãi khách theo điều kiện. "Bây giờ, đám tang hay đám cưới đều tổ chức đơn giản, không cầu kỳ, tốn kém, kéo dài. Phong tục, truyền thống tốt đẹp thì mình giữ lại. Cái nào rườm rà, lạc hậu thì mình bỏ đi, học nếp nghĩ, cách làm văn minh dưới xuôi” đó là lời khẳng định chắc nịch của già làng A Vang.

Già làng A Vang, dân tộc Mông, bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn tâm huyết bảo tồn văn hóa truyền thống
Già làng A Vang, dân tộc Mông, bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn tâm huyết bảo tồn văn hóa truyền thống

Cuộc sống của người dân bản Mỹ Á những năm gần đây đã tốt hơn trước rất nhiều. Đường sá thuận lợi, trẻ em được đến trường. Ánh sáng của con chữ, của tri thức đã soi đường cho người Mông. Già làng Vang có bảy người con trai thì đến người con thứ tư, ông đặt ra quy tắc phải trên 20 tuổi mới được phép lấy vợ, lập gia đình.

Năm 2022- 2023, huyện Tân Sơn đã dành nguồn vốn sự nghiệp gần 1 tỷ đồng để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hàng chục lớp tập huấn, chiến dịch truyền thông, tọa đàm, hội thi đã được tổ chức cho hàng trăm lượt cán bộ, trưởng khu dân cư, đồng bào dân tộc tiếp cận về quy định liên quan đến phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hành động, việc làm mang theo tư duy đổi mới của người già đại diện cho thế hệ cũ đã truyền động lực và khát vọng cho thế hệ mới, “mở đường” để người trẻ vươn lên xây dựng đời sống mới, đóng góp chung vào bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng người DTTS ở Phú Thọ.

Tỉnh Phú Thọ là một trong những địa phương sớm nhất trên cả nước ban hành Kế hoạch 1194/KH-UBND ngày 6/4/2023 về việc biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022- 2025, trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều việc làm cụ thể như: Định kỳ 2 năm/lần tổ chức biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến (già làng, trưởng bản, Người có uy tín...) trong đồng bào DTTS; 3 năm/lần tổ chức hoạt động giao lưu, học tập kinh nghiệm, tặng quà, biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến; khảo sát đối tượng để xây dựng, quản lý, phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn cùng lãnh đạo tỉnh Phú Thọ tặng quà cho những đại biểu Người có uy tín tiêu biểu, xuất sắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn cùng lãnh đạo tỉnh Phú Thọ tặng quà cho những đại biểu Người có uy tín tiêu biểu, xuất sắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Mới đây, ngày 30/11, UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Tại Hội nghị, Ủy ban Dân tộc trao quà cho 99 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh. 77 điển hình tiên tiến vùng đồng bào DTTS và miền núi được biểu dương, tôn vinh; trong đó 6 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, 11 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, 10 cá nhân được tặng Giấy khen của Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, 20 cá nhân được tặng Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh, 30 cá nhân được tặng Giấy khen của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

Hội nghị cũng thông qua danh sách 10 đại biểu là Người có uy tín tiêu biểu dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi toàn quốc năm 2023.

Tin cùng chuyên mục
Văn Quan (Lạng Sơn): Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Văn Quan (Lạng Sơn): Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Trong những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã phát huy tốt vai trò của mình, qua đó góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cũng như trực tiếp góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn huyện.