Dành trọn tâm sức cho bản làng
Khêu thêm bếp lửa cho đượm than hồng trong mùa giá lạnh trên vùng núi cao Trường Sơn hùng vĩ, già Hồ Với kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích ở miền heo hút gió. Trong những năm tháng chiến tranh, già Hồ Với đi bộ đội, hơn 18 năm chiến đấu khắp dải rừng Trường Sơn và cả ở miền Nam, già trở về thôn Cu Tai 1, xã A Bung, huyện Đăkrông, Quảng Trị. Về lại quê nhà, già Hồ Với làm Thôn trưởng rồi chuyển sang làm Chủ nhiệm Hợp tác xã, sau đó là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã A Bung, đến năm 2012 mới nghỉ hưu.
Gần 40 năm phụ trách nhiều công việc khác nhau, già Hồ Với đã tận tâm, tận sức cống hiến hết mình cho quê hương, cho người làng, cho bà con Pa Kô (thuộc dân tộc Tà Ôi) quê mình. Nhìn người làng vất vả hằng ngày đi xuống con sông cách vài km để lấy nước, những ngày nắng, nước cạn thì phải đi rất xa, nước đục ngầu, mùa mưa thì đường trơn trượt, đi lấy nước rất khổ cực mà nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Già nghĩ làm sao mang nước về cho dân làng để mọi người không còn vất vả nữa mà dành thời gian làm việc khác. Chờ người giúp không bằng tự mình làm lấy, già bán mấy con bò, được ít tiền rồi mua ống nước về dẫn nước sạch từ con suối cách làng gần 1km về bản. Biết bao công sức già đã bỏ ra khi lắp đặt ống nước, dẫn dòng, tính toán độ cao của ống nước. Có những đoạn chôn sâu dưới đất, có đoạn lại để lộ thiên để tiện cho việc di dời, quản lý và sửa chữa khi đường ống có vấn đề để nước chảy về tới bản làng.
Khi ấy là năm 1981, hằng tháng trời già ròng rã đưa nước sạch về bản, người làng vui mừng khi dòng nước chảy về tận bản. Bà con đã không còn khổ cực như xưa nữa. Người của bản lần đầu tiên thấy cái nước từ trời chảy về đã không khỏi kinh ngạc và thán phục già Hồ Với. Nhiều năm rồi, những đoạn đường ống hư hỏng vẫn được già Hồ Với cặm cụi sửa chữa, thay mới để bản làng không còn thiếu nước sạch. Có những thời điểm như trận lũ năm 2009 cuốn trôi mất 500m ống nước, trận lũ 2012 cuốn trôi 250m ống nước, mỗi lần như vậy, già lại lặn lội lên rừng để kiểm tra và nối lại từng đoạn.
Đưa nước về cho người làng là một chuyện khó, nhưng điều khó hơn cả là làm sao cho đời sống người dân nơi này khấm khá hơn. Là người được đi nhiều, biết nhiều nên già Hồ Với đã biến những điều mắt thấy tai nghe thành hiện thực ở chốn rừng xa này. Già Hồ Với cùng gia đình khai hoang, mở rộng sản xuất với 20 ha vườn nhà và vườn đồi, trong đó vườn nhà là gần 10 ha, gia đình ông đã trồng gần 2.000 gốc chuối, hàng trăm gốc cà phê, hàng trăm cây huê và trắc. Bên cạnh đó còn đào thêm 3 hồ cá rộng 2.000m2, trồng 10 ha rừng tràm, nuôi hàng chục con bò, heo, gà. Thấy già làm kinh tế giỏi quá, cuộc sống không còn đói nghèo nữa nên nhiều người tìm đến học tập. Không muốn người làng mình, những người làng bên phải chịu cuộc sống nghèo khó, già tận tình chỉ bảo, hướng dẫn, cho cây, con giống để mọi người cùng làm, cùng phát triển kinh tế. Già Hồ Với cùng chính quyền địa phương đã vận động bà con phát triển kinh tế bằng cách trồng rừng, làm trang trại. Gương mẫu đi đầu, gia đình ông luôn dẫn đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên những diện tích cây trồng luôn cho năng suất cao.
Và có lẽ với người dân trên vùng Cu Tai này, điều kỳ diệu đó là những thửa ruộng lúa nước đã được hình thành khi già Hồ Với truyền dạy lại kỹ thuật trồng lúa nước mà già đã học được. Hàng chục ha đất bên dòng Đăkrông được khai khẩn và từng công đoạn làm lúa nước được già Hồ Với chia sẻ cho bà con. Rồi cứ thế, hàng chục hộ dân trong bản ai cũng làm được lúa nước. Nhà nhiều thu hoạch hơn cả tấn, còn ít cũng được 5 tạ. Đến mùa giáp hạt, cái bụng của người già, người trẻ của bản không còn đói gay gắt khi phải ăn sắn, ăn khoai trừ bữa như trước nữa.
Đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào
Ngôi làng của già Hồ Với nằm êm đềm dưới chân dãy núi Kokava này, mấy chục năm nay bà con Pa Kô đã được uống nước sạch từ đỉnh núi, khi ốm đau có thuốc chữa bệnh, khi khó khăn được giúp đỡ tận tình. Năm 2007, xã A Bung mới có điện lưới quốc gia, nhưng từ năm 1993 già Hồ Với đã mua máy phát điện về thắp sáng trong gia đình và chia sẻ nguồn điện sáng cho các gia đình sống xung quanh. Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bản làng được phục hồi và mở rộng.
Chị Căn Giang, một nghệ nhân dệt thổ cẩm người Pa Kô ở Cu Tai chia sẻ, người Pa Kô vốn nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm, nhưng bị mai một bởi bom đạn chiến tranh. Già Hồ Với đã đưa vợ con, anh em lặn lội sang vùng A Lưới (Thừa Thiên - Huế) để học nghề, rồi ra tận phía Bắc để học thêm. Sau đó, già cùng người trong gia đình trở về quê khôi phục lại nghề dệt, tổ chức dạy lại nghề dệt cho hàng chục phụ nữ trong bản. Ngày qua tháng lại, sản phẩm nghề dệt thổ cẩm ở đây càng phát triển phong phú và đa dạng hơn về chủng loại, đến nay cả bản có 40 hộ làm nghề dệt, cứ 3 ngày cho ra sản phẩm trị giá 250.000 đồng. Nhiều gia đình đã được già Hồ Với chỉ cho nghề dệt thổ cẩm. Có nghề này, giờ đây không sợ đói nữa, con cái được đi học.
Là người lính Cụ Hồ, già Hồ Với vẫn luôn trăn trở vì những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống còn nằm lại trên những cánh rừng chiến đấu năm nào. Người Cựu chiến binh già ấy cứ mỗi lần nghe tin người dân phát hiện hài cốt liệt sĩ là già lại lặn lội tìm đến để xác minh rồi báo cho chính quyền. Nhờ sự phối hợp của già Hồ Với, từ năm 1981 đến nay, các lực lượng chức năng đã tìm kiếm, cất bốc được 182 hài cốt liệt sĩ và đưa về quê hương. Không chỉ thế, số tiền lương hưu của già mấy mươi năm qua đều đặn được trích lại để mua các loại thuốc giú người dân trong bản khi bị bệnh đều được già cho thuốc để chữa trị. Hàng trăm người dân nơi đây nhờ tủ thuốc gia đình của già mà nhiều lúc thoát khỏi nguy kịch vì sốt rừng, bệnh tật...
Là già làng, Người có uy tín ở Cu Tai, già Hồ Với vẫn thường xuyên giúp đỡ người dân dựng nhà. Những ngôi nhà của Koh Sơn, Koh Pả Rả, Koh Chắt, Koh Sanh, Kok Dung... ở bản đều có sự giúp đỡ của già. Không chỉ thế, nhiều vụ việc trong bản từ chuyện vợ chồng xích mích, con cái hư hỏng đến những vụ mâu thuẫn tranh chấp trong cộng đồng, mọi người đều đến cậy nhờ già giải quyết. “Mình là người lính Cụ Hồ, phải biết giúp dân. Phải làm sao cho dân mình có đời sống càng ngày càng tốt hơn, cùng đoàn kết yêu thương nhau, cùng bảo vệ quê hương đất nước và xây dựng quê hương ngày một tốt đẹp hơn, có như thế mình mới yên tâm được!”, già Hồ Với bộc bạch.
Ông Hồ Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã A Bung nhận xét, già Hồ Với là tấm gương sáng tiêu biểu trên mọi lĩnh vực để cho bà con dân bản kính trọng, noi theo. Bằng những đóng góp của mình cho cộng đồng, già nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của các ngành, các cấp. Nhiều năm qua, già còn đại diện cho hàng vạn Cựu binh tỉnh Quảng Trị báo cáo điển hình trước các hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hay Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc tại Hà Nội. Bây giờ đã ở ngoài tuổi bát thập, già vẫn như "cây đại thụ" tỏa bóng mát cho bản làng người Pa Kô trên dải Trường Sơn hùng vĩ này.
Đại gia đình già Hồ Với có tất cả 33 thành viên, trong đó có 10 người con (5 trai, 5 gái) và trong đó có 14 đảng viên. Điều đáng quý là 9 người con của già đều có bằng đại học và hầu hết đã có công việc ổn định.